Ung thư thực quản có chữa được không? Các phương pháp điều trị ung thư thực quản

Tác giả: - Xuất bản: 08/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 09/01/2024
Các phương pháp điều trị ung thư thực quản
Ung thư thực quản có chữa được không? Các phương pháp điều trị ung thư thực quản - Ảnh: BookingCare
Tùy vào giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà có các phương pháp điều trị khác nhau. Trong đó một số phương pháp chữa trị ung thư thực quản hiện nay như: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị…

Ung thư thực quản là một bệnh lý ác tính xuất phát từ các tế bào biểu mô thực quản. Bệnh thường có tiên lượng xấu do phát hiện các triệu chứng ở  giai đoạn muộn. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và tiên lượng sau này của bệnh nhân. 

Trong các giai đoạn muộn của bệnh lúc này không còn khả năng điều trị triệt căn mà điều trị chỉ mang tính chất kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân nhiều nhất có thể đồng thời làm giảm nhẹ các triệu chứng bệnh gây ra. 

Bài viết dưới đây BookingCare sẽ cung cấp một số thông tin về phương pháp chữa trị ung thư thực quản.

Các phương pháp điều trị ung thư thực quản

Phẫu thuật

Phẫu thuật là một phương pháp điều trị quan trọng trong ung thư thực quản. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương mà phẫu thuật sẽ cắt bỏ một phần hay gần toàn bộ thực quản. Phần trên còn lại của thực quản sau đó được nối với phần còn lại của dạ dày. Một phần dạ dày sẽ được đưa lên ngực và trở thành thực quản mới. Chiều dài của phần thực quản được cắt bỏ phụ thuộc vào vị trí của khối u và mức độ tiến triển của nó.

Phẫu thuật cắt thực quản có thể được tiến hành bằng mổ mở và mổ nội soi. Không phải trường hợp nào cũng có khả năng phẫu thuật cắt bỏ khối u, các bác sĩ sẽ dựa vào phân loại TNM để dự đoán giai đoạn bệnh và khả năng phẫu thuật: 

  • Khi ung thư ở giai đoạn chưa xâm lấn tới các cơ quan xung quanh thực quản, các cơ quan cấu trúc như khí quản, động mạch chủ,  cột sống (T1,T2,T3), đồng thời dựa vào tình trạng sức khỏe người bệnh, có thể phẫu thuật cắt bỏ khối u.
  • Trường hợp ung thư đã xâm lấn các tổ chức, hạch xung quanh hay di căn các cơ quan xa như trong ung thư thực quản giai đoạn cuối thì không còn phù hợp phẫu thuật đơn thuần, bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp các phương pháp điều trị khác.

Những nang hạch bạch huyết thực quản xung quanh đoạn có khối u sẽ được loại bỏ cùng với khối u trong lúc phẫu thuật cắt thực quản. Các bác sĩ Giải phẫu bệnh sẽ kiểm tra những hạch này xem đã có tế bào ung thư chưa và xem xét sử dụng thêm các phương pháp điều trị khi các tế bào ung thư đã lan đến hạch.

Xạ trị

Biện pháp sử dụng nguồn tia có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Tia phóng xạ phát ra có thể xuất phát từ máy xạ trị bên ngoài (xạ ngoài), hoặc từ hoạt chất có hoạt tính phóng xạ được đặt vào khối u (xạ trong). Để thuận lợi cho quá trình xạ trị, một ống nhựa được đặt vào để giúp thực quản luôn mở.

Xạ trị thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Xạ trị trước mổ với mục đích giảm kích thước khối u tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc mổ.
  • Xạ trị sau mổ nhằm tiêu diệt triệt để những tế bào ung thư còn sót lại tại vị trí u và vùng lân cận.

Hóa trị

Hóa trị sử dụng các loại thuốc (hóa chất) để phá hủy tế bào ung thư, thường bằng cách làm ngừng lại sự phát triển và phân chia của tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể được sử dụng qua đường tiêm truyền tĩnh mạch, hoặc qua đường uống, hoặc kết hợp cả 2 đường dùng.

Các phương pháp điều trị ung thư thực quản được chỉ định khi:

  • Hoá trị trước mổ: Thường kết hợp hóa trị với xạ trị nhằm thu nhỏ kích thước khối u, giúp cuộc mổ trở nên dễ dàng hơn.
  • Hoá trị sau mổ: Trong một số trường hợp, điều trị hoá chất giúp tiêu diệt nốt những tế bào ung thư còn sót lại sau mổ, không thể nhìn được bằng mắt thường hay trên các xét nghiệm chụp chiếu.
  • Điều trị hoá chất kết hợp với điều trị nhắm trúng đích cho ung thư thực quản giai đoạn muộn nhằm hỗ trợ cải thiện triệu chứng, đẩy lùi và kiểm soát bệnh tạm thời, giúp kéo dài thêm cuộc sống của người bệnh.

Một số tác dụng phụ khi sử dụng hóa chất có thể gặp như buồn nôn, nôn, viêm niêm mạc miệng ( nhiệt miệng), thiếu máu... Khi phát hiện dấu hiệu bất thường nên thảo luận với bác sĩ điều trị để phòng tránh và khắc phục.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch cộng với hóa trị liệu hiện được khuyến cáo là liệu pháp đầu tiên cho bệnh ung thư tế bào vảy thực quản tiến triển bất kể tình trạng phối tử 1 của tế bào chết theo chương trình (PD-L1). 

Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp trúng đích là phương pháp điều trị nhắm vào tiêu diệt hoặc ức chế hoạt động các gen, protein hoặc các mô cụ thể giúp các tế bào ung thư phát triển và tồn tại. Phương pháp điều trị này ngăn chặn sự phát triển và lây lan của các tế bào ung thư trong khi hạn chế tổn thương cho các tế bào bình thường. Khi có chỉ định kết hợp với hóa trị, sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị và giảm bớt tác dụng phụ.

Điều trị giảm nhẹ

Điều trị giảm nhẹ là biện pháp nhằm làm giảm tắc nghẽn thực quản để có thể ăn uống theo đường miệng. Các lựa chọn điều trị có thể gồm nong thực quản bằng tay, đặt stent thực quản qua đường miệng, xạ trị, laser quang đông , và liệu pháp quang động học. Trong một số trường hợp có thể phải mở thông thực quản qua cổ kèm theo mở thông hỗng tràng để nuôi ăn ngoài.

Để trả lời cho câu hỏi “Ung thư thực quản có chữa được không???” thì chưa thể khẳng định chính xác được là chữa khỏi hoàn toàn hay không mà tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, giai đoạn bệnh và phương pháp điều trị của bạn. Nói cách khác nếu có tình trạng sức khỏe tốt, phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp thì tỷ lệ điều trị khỏi bệnh càng cao.