Ung thư thực quản: Triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị
Ung thư thực quản: Triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị
Triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị của ung thư thực quản
Ung thư thực quản: Triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị -Ảnh: BookingCare

Ung thư thực quản: Triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 08/01/2024 | Cập nhật lần cuối: 28/01/2024
Ung thư thực quản là bệnh lý khá phổ biến, nam giới có tỉ lệ mắc cao hơn nhiều lần nữ giới, thường ở người trên 60 tuổi. Bệnh thường diễn biến thầm lặng, xu hướng không có hoặc có triệu chứng nghèo nàn ở giai đoạn sớm, khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Ung thư thực quản là ung thư phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới. Đây là loại ung thư  có tỉ lệ chữa khỏi hoàn toàn thấp và tiên lượng xấu bởi khi được phát hiện trên lâm sàng, khối ung thư đã ở giai đoạn tiến triển hoặc sang giai đoạn muộn. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về bệnh này qua bài viết dưới đây của BookingCare.

Ung thư thực quản là gì?

Ung thư thực quản là khối u ác tính xuất phát từ sự phát triển của các tế bào biểu mô thực quản  rồi xâm lấn qua lớp dưới niêm mạc và lớp cơ, u cũng có thể nhanh chóng lan ra các cơ quan lân cận. Có hai loại chính là:

  • Ung thư biểu mô tuyến thực quản: 
    • Là loại ung thư được xuất phát từ các tế bào tuyến của thực quản (ở đoạn cuối thực quản là nơi nối của dạ dày với thực quản). Tỉ lệ mắc loại ung thư này ngày càng tăng cao, thường gặp ở người da trắng. 
    • Ung thư biểu mô tuyến hầu hết phát sinh từ Barrett thực quản, có liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản mạn tính và viêm thực quản trào ngược. 
  • Ung thư tế bào vảy thực quản: 
    • Đây là loại ung thư xuất phát từ tế bào vảy thực quản (là tế bào biểu mô phủ mặt trong của thực quản), bởi vậy có thể gặp trong bất kỳ đoạn nào của thực quản.
    • Uống rượu và hút thuốc lá nhiều là yếu tố nguy cơ gây ra ung thư này.
  • Các loại ung thư thực quản khác ít gặp: 
    • Ung thư biểu mô tế bào hình thoi, sarcoma, u carcinoid, melanoma,...
    • Ung thư di căn thực quản chiếm 3%, trong đó ung thư vú có nhiều khả năng di căn thực quản, ngoài ra còn có ung thư dạ dày, gan, thận, xương, đầu cổ, tuyến tiền liệt, tinh hoàn,...

Các dấu hiệu ung thư thực quản hay gặp

Ở giai đoạn đầu của bệnh, ung thư thực quản thường không có triệu chứng. Bởi vậy khi người bệnh xuất hiện dấu hiệu ung thư thực quản thì bệnh đã ở giai đoạn tiến triển nặng hơn, việc chữa trị sẽ trở nên khó khăn. Các dấu hiệu cảnh báo bệnh hay gặp bao gồm:

  • Khó nuốt hay nuốt nghẹn, nuốt đau
  • Tăng tiết nước bọt
  • Khó tiêu, ợ hơi, ợ chua
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Đau tức hay nóng rát vùng ngực sau xương ức
  • Nôn
  • Ho dai dẳng
  • Khàn tiếng hay mất giọng
  • Đi ngoài phân đen
Đau tức hay nóng rát vùng ngực sau xương ức là dấu hiệu ung thư thực quản
Đau tức hay nóng rát vùng ngực sau xương ức là dấu hiệu ung thư thực quản - Ảnh: Freepik

Những nguyên nhân dẫn đến ung thư thực quản

Hiện nay, chưa xác định được chính xác nguyên nhân dẫn đến ung thư thực quản, tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ, tăng cao nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Tuổi, giới: Thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi, phần lớn ở độ tuổi 50-60 trở lên. Nam giới có nguy cơ mắc nhiều hơn nữ giới.
  • Bệnh Barrett thực quản: Tình trạng axit từ dạ dày trào ngược lên đoạn thấp thực quản trong 1 thời gian dài sẽ khiến thực quản bị tổn thương, tế bào vảy bị thay thế bởi tế bào tuyến, có nhiều khả năng phát triển thành ung thư biểu mô tuyến thực quản. 
  • Thuốc lá, rượu bia: Yếu tố nguy cơ rất phổ biến dẫn đến ung thư thực quản.
  • Béo phì: Nguy cơ cao bị ung thư biểu mô tuyến thực quản.
  • Chế độ ăn: Ăn quá nhiều các loại thực phẩm như thịt muối, thịt hun khói,..., thiếu chất xơ, vitamin từ rau củ, hoa quả. Uống hay ăn đồ quá nóng một cách thường xuyên làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô vảy thực quản do làm tổn thương biểu mô thực quản.
  • Co thắt tâm vị: Cơ thực quản dưới co giãn không hợp lý, làm dịch và thức ăn có thể ứ lại lâu trong thực quản, khiến thực quản giãn ra và bị kích thích, tăng nguy cơ ung thư thực quản.
  • Nhiễm virus HPV: Nhiễm virus này cũng là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư thực quản.
  • Yếu tố di truyền: Bệnh Barrett thực quản gia đình, hội chứng Peutz-Jeghers, Tylosis (bệnh lý di truyền hiếm gặp gây dày sừng lòng bàn tay, chân; với bạch sản ở niêm mạc miệng và thực quản và ung thư biểu mô vảy thực quản).

Các giai đoạn của ung thư thực quản

Xác định các giai đoạn của ung thư thực quản bằng cách đánh giá ung thực quản đã lan đến đâu, đã tiến triển đến ung thư thực quản giai đoạn cuối hay chưa. Từ đó, các bác sĩ sẽ đưa ra tiên lượng và phương án điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh.

Hệ thống phân loại giai đoạn ung thư được dùng phổ biến là hệ thống TNM của Hiệp hội ung thư quốc gia Hoa Kỳ (AJCC):

  • T (mức độ lan của khối u qua các lớp thành thực quản, các cơ quan xung quanh): 
    • Tx-không đánh giá được khối u nguyên phát.
    • T0-không tìm thấy bằng chứng của u.
    • Tis-tế bào ung thư ở lớp biểu mô, chưa xâm lấn sâu hơn.
    • T1-ung thư  xâm lấn vào tổ chức dưới lớp biểu mô (màng đáy, lớp cơ niêm hay dưới niêm mạc.
    • T1a-xâm lấn màng đáy hay lớp cơ niêm.
    • T1b-xâm lấn qua hai lớp màng đáy và cơ niêm, vào lớp dưới niêm mạc.
    • T2-xâm lấn vào lớp cơ chính thực quản.
    • T3-xâm lấn đến lớp ngoài cùng thực quản (lớp thanh mạc).
    • T4-xâm lấn các cấu trúc xung quanh.
    • T4a-xâm lấn vào màng phổi, màng ngoài tim, cơ hoành hay phúc mạc.
    • T4b-xâm lấn khí quản, động mạch chủ, cột sống, các cấu trúc khác.
  • N(di căn hạch ung thư):
    • Nx-không đánh giá được.
    • N0-chưa di căn hạch.
    • N1-2-3-di căn tế bào ung thư các hạch lân cận tùy số lượng.
  • M(ung thư di căn đến những cơ quan xa):
    • M0-chưa di căn đến các cơ quan xa.
    • M1-đã di căn xa.

Các xét nghiệm chẩn đoán ung thư thực quản

Một số các xét nghiệm cận lâm sàng được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán bệnh rõ hơn bao gồm: 

  • Chụp X-quang thực quản có uống Baryt: Hình ảnh mặt trong lớp niêm mạc thực quản hiện rõ hơn. Không đánh giá mức độ xâm lấn khối u qua thành thực quản.
  • Chụp cắt lớp vi tính: Giúp xác định vị trí khối u, tình trạng xâm lấn của ung thư qua thành thực quản đến các cấu trúc xung quanh hay hạch bạch huyết, di căn xa; đồng thời còn xác định khả năng phẫu thuật của khối u.
  • Chụp PET-CT: Xác định sự xâm lấn của ung thư tại những khu vực cũng như di căn xa trong cơ thể người bệnh.
  • Nội soi thực quản - dạ dày: Xét nghiệm quan trọng nhất chẩn đoán ung thư thực quản. Nội soi cho hình ảnh trực tiếp những bất thường, tổn thương thành thực quản, kích thước, độ lan tỏa của khối u trong thực quản. Với những vùng nghi ngờ, bác sĩ sẽ sinh thiết một mẩu thực quản qua ống nội soi để gửi đi giải phẫu bệnh tìm kiếm tế bào ung thư. 
  • Các xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm chức năng gan, thận, tim mạch hay hô hấp.

Điều trị ung thư thực quản bằng những phương pháp nào?

Vậy ung thư thực quản có chữa được không? Sau khi được chẩn đoán và xác định giai đoạn của bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Quyết định phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, kích thước, vị trí khối u và tình trạng sức khỏe bệnh nhân. Một số phương pháp chữa trị phổ biến bao gồm:

  • Phẫu thuật:
    • Phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc cắt bỏ một phần hay toàn bộ thực quản với những người bệnh trong giai đoạn tiến triển nặng. Phẫu thuật cắt thực quản sẽ kèm nạo vét hạch xung quanh đoạn thực quản có khối u.
    • Ở những bệnh nhân không thể phẫu thuật cắt bỏ khối u,lòng thực quản hẹp: Có thể được can thiệp nội soi đặt nong mở thực quản, hay can thiệp phẫu thuật đặt ống thông trực tiếp ở dạ dày hỗ trợ nhu cầu dinh dưỡng người bệnh không thể ăn được.
  • Xạ trị, hóa trị: 
    • Xạ trị và hóa trị trước hoặc sau mổ (trước giúp giảm kích thước khối u, sau nhằm tiêu diệt triệt để những tế bào sót lại). 
    • Với những bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn, việc áp dụng phương pháp hóa trị hoặc xạ trị đơn thuần làm giảm các triệu chứng bệnh.
    • Hóa trị cũng có thể kết hợp với xạ trị để điều trị.
  • Liệu pháp nhắm trúng đích: Phương pháp điều trị này nhắm đến các tiêu diệt các gen, protein hoặc môi trường sống của các tế bào ung thư, bởi vậy ngăn chặn sự phát triển các tế bào ung thư trong cơ thể và hạn chế gây thiệt hại cho các tế bào lành.

Ngoài ra để ngăn ngừa ung thư hoặc phòng ngừa ung thư thực quản tái phát cần có lối sống khoa học và loại bỏ các yếu tố nguy cơ:

  • Hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia và các đồ uống có cồn.
  • Hạn chế sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn như thịt muối, đồ đóng hộp, các đồ ăn dầu mỡ, cay nóng.
  • Bổ sung nhiều chất xơ và vitamin từ rau xanh, củ quả.
  • Chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục đều đặn 30-60 phút/ngày, quản lý cân nặng, tránh béo phì, tránh căng thẳng stress. 

Hy vọng, bài viết đã cung cấp những thông tin cần thiết về ung thư thực quản tới người đọc. Hãy thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng và tầm soát ung thư theo sự tư vấn của bác sĩ.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết