Ưu nhược điểm của các phương pháp điều trị bệnh hở van tim

Tác giả: - Xuất bản: 30/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 06/11/2023
Ưu nhược điểm của các phương pháp điều trị bệnh hở van tim
Ưu nhược điểm của các phương pháp điều trị bệnh hở van tim - Ảnh: BookingCare
Tùy vào tình trạng và loại bệnh hở van tim mà các bác sĩ Tim mạch sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.

Ba phương pháp thường được sử dụng để điều trị bệnh hở van tim hiện nay bao gồm: điều trị bằng thuốc, phẫu thuật sửa van tim và phẫu thuật thay thế van tim. Mỗi biện pháp điều trị sẽ có những ưu - nhược điểm khác nhau và sẽ được bác sĩ chỉ định sau quá quá trình thăm khám, chẩn đoán bệnh.

Phương pháp điều trị bằng thuốc

Sử dụng thuốc trong điều trị hở van tim giúp cải thiện các triệu chứng, ngăn ngừa sự tiến triển thành các biến chứng. Các nhóm thuốc thường được chỉ định sử dụng như:

  • Nhóm thuốc ACE ( ức chế men chuyển): Các loại thuốc như thuốc ức chế ACE giúp giảm áp lực lên tim, chống tái cấu trúc cơ tim, giảm tiến trình suy tim do hở van tim.
  • Nhóm thuốc ức chế thụ thể Angiotensin: Thay thế cho nhóm ACE trường hợp bệnh nhân gặp tác dụng phụ ho.
  • Thuốc chống rối loạn nhịp tim: những loại thuốc này giúp khôi phục chức năng tim, đảm bảo nhịp tim đều đặn
  • Thuốc lợi tiểu: có tác dụng làm giảm lượng chất lỏng trong mô của của cơ thể
  • Thuốc kháng sinh: loại thuốc này giúp phòng ngừa viêm nội tâm mạc ở những người bị hở van tim khi trải qua một số thủ thuật nha khoa hoặc phẫu thuật

Ưu điểm:

Các loại thuốc này không thể đưa van tim trở lại bình thường nhưng chúng giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, phù hợp với những người mắc bệnh không quá nặng hoặc mắc bệnh nặng nhưng không thể phẫu thuật

Nhược điểm

Sử dụng thuốc sẽ luôn đi kèm với một số tác dụng phụ đi kèm, ví dụ khi sử dụng thuốc ức chế ACE, một số tác dụng phụ có thể gặp phải như:

  • Ho khan
  • Mệt mỏi
  • Đau đầu
  • Mất vị giác
  • Chóng mặt
  • Tăng kali máu

Nếu bạn đang sử dụng thuốc để điều trị hở van tim, hãy trao đổi kĩ với bác sĩ về những tác dụng phụ có thể gặp phải và theo dõi các triệu chứng cơ thể khi sử dụng thuốc để phát hiện sớm các biểu hiện bất thường và có biện pháp xử lý kịp thời.

Phương pháp phẫu thuật sửa chữa van

Các biện pháp phẫu thuật sửa van tim thường được tiến hành bao gồm:

  • Tạo hình vòng đệm van (Annuloplasty): Phương pháp này được sử dụng để thu hẹp và làm hạn chế tình trạng đóng không hoàn toàn của van tim, thường bằng cách chèn một vòng đệm nhựa. 
  • Phẫu thuật nâng đỡ van: Đây là một phương pháp để sửa chữa van mà không cần thay thế toàn bộ van. Bác sĩ sẽ sử dụng dây thun đặc biệt để nâng đỡ và điều chỉnh van

Ưu điểm

Các biện pháp phẫu thuật sửa chữa van mang lại hiệu quả lâu dài, bao gồm các ưu điểm: 

  • Cơ hội phẫu thuật thành công cao, giảm nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật
  • Chức năng tim hoạt động hiệu quả hơn
  • Không cần sử dụng thuốc chống đông để duy trì hiệu quả sau phẫu thuật

Nhược điểm

Một số rủi ro tiềm ẩn trong quá trình phẫu thuật có thể gặp phải như: 

  • Tổn thương van trong quá trình phẫu thuật
  • Tổn thương mạch máu xung quanh
  • Chảy nhiều máu
  • Nguy cơ nhiễm trùng

Phương pháp phẫu thuật thay thế van tim 

Trong trường hợp van tim bị tổn thương nặng không thể sửa chữa được, sẽ cần phải thực hiện phẫu thuật thay thế van tim. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, hở van động mạch chủ và hở van hai lá là hai loại van thường được phẫu thuật thay thế van tim phổ biến nhất.

Van được sử dụng để thay thế có thể là van sinh học (từ mô người hoặc động vật) hay van cơ khí.

Ưu điểm

Phương pháp thay thế van, đặc biệt là van cơ học có thể tồn tại thời gian dài, thậm chí là suốt cả cuộc đời. Khi một người không thể phẫu thuật sửa chữa van, thay van là lựa chọn tiếp theo.

Nhược điểm 

Những vấn đề có thể gặp phải khi thực hiện phẫu thuật thay thế van tim:

  • Người bệnh cần sử dụng thuốc chống đông máu suốt đời 
  • Gây tổn thương tim và các cấu trúc xung quanh
  • Tổn thương thận
  • Nếu van mới không vừa khít, vẫn sẽ có hiện tượng rò rỉ máu 

Không có phương pháp điều trị nào cố định cho bệnh lý hở van tim mà sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thể trạng của bệnh nhân. Tuy nhiên, dù thực hiện phương pháp điều trị nào, điều quan trọng nhất là người bệnh cần tham khảo và tuân thủ chỉ định của bác sĩ để có kế hoạch điều trị phù hợp, đạt hiệu quả tốt nhất.