Bệnh hở van tim: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 30/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 09/12/2024
Bệnh hở van tim: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị
Bệnh hở van tim: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị - Ảnh: BookingCare
Hở van tim là một bệnh lý van tim cũng tương đối phổ biến. Ngược lại với hẹp van tim, hở van tim là tình trạng các van trong cấu tạo tim không thể đóng hoàn toàn, gây ảnh hưởng đến chức năng bơm máu của tim.

Van tim bị hở là tình trạng khi một hoặc nhiều van tim không đóng kín được hoàn toàn, dẫn đến một phần máu trào ngược lại trong buồng tim. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể không phát triển triệu chứng gì, tuy nhiên cũng có trường hợp trào ngược nặng cần phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay van để cải thiện chức năng tim.

Bệnh hở van tim là gì

Hở van tim là một dạng bệnh van tim phổ biến. Hiện tượng này xảy ra khi một trong bốn van của tim không đóng chặt. Do đó, rất dễ dẫn đến hiện tượng máu trào ngược qua các van, đồng thời, khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm đủ lượng máu cho nhu cầu cơ thể.

Mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc vào lượng máu bị trào ngược. Nếu chỉ rò rỉ một lượng nhỏ, sẽ không phát triển các triệu chứng hay gây ảnh hưởng đến chức năng của tim. Tuy nhiên, nếu hiện tượng trào ngược từ trung bình đến nặng sẽ gây ra các triệu chứng và/hoặc cần điều trị để ngăn ngừa tổn thương cho tim.

Các loại bệnh hở van tim thường gặp 

Có bốn loại bệnh hở van tim thường gặp, tương ứng với bốn van trong cấu tạo của tim:

  • Hở van hai lá: van hai lá có chức năng bơm máu từ tâm nhĩ trái đến tâm thất trái. Khi van này bị hở, sẽ khiến một lượng máu chảy ngược về tâm nhĩ trái
  • Hở van động mạch chủ: van động mạch chủ có chức năng bơm máu từ tâm thất trái đến động mạch chủ. Trường hợp van này bị hở, máu sẽ chảy ngược về tâm thất trái
  • Hở van ba lá: van ba lá giữ vai trò bơm máu từ tâm nhĩ phải đến tâm thất phải. Van này bị hở sẽ khiến máu chảy ngược lại vào tâm nhĩ phải.
  • Hở van động mạch phổi: van động mạch phổi có vai trò bơm máu từ tâm thất phải đến động mạch phổi chính. Do đó, van này bị hở sẽ khiến một lượng máu nhất định chảy ngược về tâm thất phải.

Nguyên nhân gây ra hở van tim

Có nhiều nguyên nhân có thể gây hở van tim, bao gồm:

  • Lão hóa khiến cấu tạo các mô tại van tim bị phá vỡ, dần khiến van bị mất đi tính linh hoạt, không đóng mở linh hoạt như trước
  • Bệnh thấp tim
  • Bệnh cơ tim 
  • Bệnh tim bẩm sinh
  • Viêm nội tâm mạc
  • Di chứng của nhồi máu cơ tim trước đó
  • Khối u tim
  • Phình động mạch chủ ngực

Tùy từng nguyên nhân cụ thể mà một hoặc nhiều van tim bị ảnh hưởng, ví dụ trong thấp tim van thường  bị tổn thương là van động mạch chủ và van hai lá, trong bệnh phình động mạch chủ dẫn đến hở van động mạch chủ, sau nhồi máu cơ tim thường gây hở van hai lá…

Triệu chứng hở van tim

Những người mắc hở van tim có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào trong thời gian dài. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), những người mắc hở van tim có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng sau:

  • Thở hụt hơi, khó thở kể cả khi nằm
  • Đau ngực
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Hoa mắt, chóng mặt, choáng váng
  • Sốt
  • Tăng cân nhanh (do phù)
  • Nhịp tim không đều
  • Phù, sưng ở chi dưới hoặc ở bụng

Phương pháp chẩn đoán bệnh

Tương tự như khi chẩn đoán hẹp van tim, các bác sĩ Tim mạch cũng sẽ thực hiện các bước khám lâm sàng trước, bao gồm nghe tim bằng ống nghe để kiểm tra tình trạng sức khỏe tổng quát của tim. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ đặt câu hỏi cho bệnh nhân về tiền sử bệnh và các triệu chứng mà bệnh nhân đang gặp phải để xác định rõ hơn tình trạng bệnh của bệnh nhân.

Siêu âm tim qua thành ngực là công cụ chẩn đoán xác định tình trạng hở van và mức độ hở van từ đó đưa ra chiến lược theo dõi và điều trị bệnh một cách kịp thời. Ngoài ra một số xét nghiệm có thể được chỉ định thêm bao gồm:

  • Chụp X-quang
  • Điện tâm đồ
  • Siêu âm tim
  • Chụp CT-scan
  • Chụp cộng hưởng từ MRI

Phương pháp điều trị bệnh

Điều trị bằng thuốc

Sử dụng các loại thuốc kết hợp có tác dụng cải thiện các triệu chứng của bệnh, đồng thời, còn ngăn ngừa phát triển các biến chứng của bệnh. Một số loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị hở van tim bao gồm:

  • Thuốc hạ huyết áp: chẳng hạn như thuốc ACE giúp giảm áp lực lên tim, hạn chế tình trạng van tim phải đóng mở liên tục để kịp thời cho tim bơm máu đến khắp cơ thể
  • Thuốc chống rối loạn nhịp tim: những loại thuốc này giúp khôi phục chức tim, đảm bảo nhịp tim đều đặn
  • Thuốc kháng sinh: loại thuốc này giúp ngăn ngừa viêm nội tâm mạc ở những người bị hở van tim khi trải qua một số thủ thuật nha khoa hoặc phẫu thuật
  • Thuốc lợi tiểu: có tác dụng làm giảm lượng chất lỏng trong mô của của cơ thể

Điều trị bằng can thiệp phẫu thuật

Trường hợp bệnh nhân bị hở van quá nặng, máu trào ngược quá nhiều, suy giảm chức năng tim nghiêm trọng sẽ cần đến can thiệp phẫu thuật. Đặc biệt, trường hợp hở van hai lá và hở van động mạch chủ là hai trường hợp hở van tim phổ biến nhất cần phải phẫu thuật. Các biện pháp phẫu thuật thường hay được sử dụng gồm:

  • Phẫu thuật sửa chữa van bị hở: bao gồm các biện pháp như  kẹp clip các lá van, tạo hình vòng van, khâu lại lá van,... để điều chỉnh lại cấu tạo van, tạo điều kiện cho van đóng mở bình thường
  • Phẫu thuật thay thế van bị hở: trường hợp van bị hở không thể sửa chữa được có thể xem xét sử dụng van sinh học từ mô người hay động vật hoặc sử dụng van cơ khí để thay thế.

Hở van tim có thể xảy ra với bất cứ ai và đặc biệt phổ biến ở những người trên 60 tuổi. Biết thêm nhiều thông tin về bệnh để có cách phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe tim mạch cho bản thân và gia đình. Theo dõi BookingCare thường xuyên để cập nhật các thông tin hữu ích về bệnh lý Tim mạch và cách kiểm soát bệnh hiệu quả.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết