Bệnh hẹp van tim: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh hẹp van tim: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Hẹp van tim: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Hẹp van tim: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh: BookingCare

Bệnh hẹp van tim: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 10/10/2023 | Cập nhật lần cuối: 06/11/2023
Bệnh hẹp van tim là một trong các loại bệnh về van tim phổ biến nhất,nguyên nhân có thẻ do bẩm sinh hoặc mắc phải. Cùng tìm hiểu kĩ hơn về bệnh lý này trong bài viết dưới đây từ BookingCare.

Tim gồm bốn van tim là van hai lá, van ba lá, van động mạch chủ, van động mạch phổi, sự đóng mở các van tim theo chu chuyển tim giúp cho sự di chuyển của dòng máu đi nuôi cơ thể và ngăn dòng trào ngược khi tim co bóp. Trong trường hợp một hoặc nhiều van tim không thể mở hoàn toàn sẽ dẫn đến bệnh hẹp van tim, từ đó giảm lượng máu đi nuôi cơ thể, tim tăng công co bóp lâu ngày dẫn đến suy tim.

Bệnh hẹp van tim là gì?

Bệnh hẹp van tim (tên tiếng Anh là valvular heart disease) là bệnh lý xảy ra khi bất kỳ van nào trong tim bị tổn thương hoặc xảy ra biến dạng bất thường khiến van tim không mở được hoàn toàn, gây cản trở sự lưu thông máu. 

Cấu tạo của tim và các van tim - Ảnh:CDC
Cấu tạo của tim và các van tim - Ảnh:CDC

Cấu tạo của tim gồm 4 ngăn (tâm nhĩ phải và trái, tâm thất phải và trái), kèm theo bốn van tim, cụ thể:

  • Van hai lá: Điều hòa lượng máu chảy từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái
  • Van ba lá: Điều hòa lượng máu chảy từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải
  • Van động mạch chủ: Điều hòa lượng máu chảy từ tâm thất trái lên động mạch chủ
  • Van phổi: Điều hòa lượng máu chảy từ tâm thất phải lên động mạch phổi

Các van tim hoạt động nhịp nhàng, mở và đóng để kiểm soát  máu chảy  tim cũng như rời khỏi tim. Bất kỳ hiện tượng bất thường nào xảy ra với van tim khiến chúng không thể mở hoàn toàn sẽ khiến lưu lượng máu qua tim bị giảm.

Các loại bệnh hẹp van tim thường gặp

Tương ứng với 4 van tim, cũng sẽ có 4 dạng bệnh lý hẹp van tim, bao gồm: hẹp van hai lá, hẹp van ba lá, hẹp van động mạch chủ và hẹp van phổi. Tuy nhiên, hai bệnh thường gặp nhất vẫn là hẹp van hai lá và hẹp van động mạch chủ.

  • Hẹp van hai lá: van hai lá cho phép dòng máu chảy từ nhĩ trái xuống thất trái. Do đó, van này bị hẹp sẽ làm giảm lượng máu từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái.
  • Hẹp van động mạch chủ:  Van động mạch chủ cho phép dòng máu từ tâm thất trái của tim lên động mạch chủ, cung cấp oxy và máu đi khắp cơ thể. Khi van động mạch chủ hẹp, dòng máu đi nuôi cơ thể bị giảm, không đáp ứng được nhu cầu của cơ thể. Lúc này, tim phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo cung cấp đủ máu cho cơ thể.

Triệu chứng nhận biết bệnh hẹp van tim

Người mắc bệnh hẹp van tim có thể không có triệu chứng trong một thời gian dài. Tuy nhiên, người bệnh có thể có các triệu chứng sau

  • Khó thở: khó thở tăng lên khi vận động, gắng sức, khó thở tăng lên về đêm và sáng, thậm chí khó thở cả khi nghỉ ngơi
  • Đau tức ngực, đánh trống ngực, tim đập nhanh
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Ho khan
  • Chóng mặt, choáng váng có thể ngất xỉu
  • Sưng mắt cá chân hoặc bàn chân
  • Thể lực yếu đi, giảm khả năng hoạt động thể lực, gắng sức

Nguyên nhân gây hẹp van tim

Các nguyên nhân phổ biến gây ra hẹp van tim có thể kể đến như:

- Nguyên nhân mắc phải

  • Do thấp tim: liên cầu khuẩn tan máu bê-ta nhóm A là nguyên nhân phổ biến gây nên bệnh này, chúng tấn công các lá van tim, khớp, da, não…. Tổn thương van tim không hồi phục lâu gày dẫn đến dày dính các mép van, từ đó gây hẹp lỗ van. 
  • Do thoái hóa, xơ vữa: các lá van theo thời gian tích tụ các mảng xơ vữa gây dày, vôi hóa và hẹp các van tim. Tuổi thọ tăng cũng làm gia tăng tỷ lệ hẹp van do thoái hóa và xơ vữa.

- Nguyên nhân do bẩm sinh: một số trẻ em sinh ra đã có khuyết tật khiến van tim bị hẹp, trong đó van hai lá và van động mạch chủ hay gặp nhiều nhất

Cách chẩn đoán bệnh

Để chẩn đoán người bệnh có đang bị hẹp van tim hay không, các bác sĩ Tim mạch sẽ cần dựa vào quá trình thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng. 

Trong khám lâm sàng, bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe để kiểm tra tổng quát tình trạng sức khỏe tim mạch, bác sĩ có thể nghe thấy tiếng thổi bất thường nếu van tim của bạn có vấn đề.

Các xét nghiệm cận lâm sàng cũng giúp chẩn đoán xác định bệnh lý hẹp van tim và từ đó lên phương án điều trị như:

  • Chụp X-quang ngực
  • Điện tâm đồ
  • Siêu âm tim qua thành ngực, siêu âm tim qua thực quản
  • Chụp CT-scan
  • Chụp cộng hưởng từ MRI

Cách điều trị bệnh

Điều trị không can thiệp phẫu thuật

Trường hợp hẹp van tim nhẹ, người bệnh cần được theo dõi và đánh giá lại bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch hàng năm.

Trường hợp hẹp van mức độ vừa và nặng, người bệnh cần được đánh giá triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng để quyết định thời gian can thiệp hoặc phẫu thuật thay, sửa van tim, các thuốc điều trị các triệu chứng suy tim.

Điều trị can thiệp phẫu thuật

Đối với người bệnh có hẹp van tim nặng, có hoặc không có triệu chứng: người bệnh cần được đánh giá bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch để sửa van tim hoặc thay van tim nhân tạo.

Với thông tin được đề cập trong bài viết, hy vọng đã mang đến nhiều thông tin hữu ích cho người đọc về bệnh lý hẹp van tim. Đây không phải bệnh lý tim mạch hiếm gặp, do đó, việc chuẩn bị các thông tin trước về bệnh là rất cần thiết để phòng ngừa hoặc nhận biết sớm, đồng thời có biện pháp điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết