Bệnh thấp tim là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh thấp tim là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh thấp tim là gì
Bệnh thấp tim là gì và các thông tin bệnh lý - Ảnh: BookingCare

Bệnh thấp tim là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 01/11/2023 | Cập nhật lần cuối: 01/11/2023
Thấp tim là một trong những mặt bệnh phổ biến, thường gặp ở trẻ em, từ 5-15 tuổi. Vậy bệnh thấp tim là gì, nguyên nhân nào gây bệnh thấp tim, bệnh có nguy hiểm không,... Tìm hiểu trong nội dung dưới đây.

Bệnh thấp tim thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi từ 5  - 15 tuổi. Bệnh có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho tim, bao gồm tổn thương van tim và suy tim. Nội dung bài viết dưới đây sẽ giải đáp tổng quan những câu hỏi của bạn đọc về bệnh lý này, bao gồm: bệnh thấp tim là gì, triệu chứng, nguyên nhân bệnh thấp tim, cách điều trị, bệnh thấp tim có nguy hiểm không,...

Bệnh thấp tim là gì? Nguyên nhân bệnh thấp tim

Bệnh thấp tim là xảy ra sau viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, gây tổn thương ở nhiều cơ quan, chủ yếu là tim, khớp, hệ thần kinh, da và mô dưới da,... trong đó tổn thương ở tim là nguy hiểm nhất.

Đa phần các trường hợp bệnh thấp tim nguyên nhân là sau khi bị nhiễm liên cầu A gây viêm họng mà không điều trị triệt để. Còn nhiễm liên cầu gây bệnh ngoài da ít khi gây thấp tim.

Triệu chứng bệnh thấp tim

Như đã chia sẻ, bệnh thấp tim có thể gây tổn thương viêm nghiêm trọng ở tim, khớp, da và não, do vậy có thể nhận biết một số triệu chứng bệnh thấp tim bao gồm:

  • Biểu hiện ở khớp: viêm khớp, khớp sưng - nóng - đỏ, khớp đau khi di chuyển, hạn chế vận động. Thường hay gặp ở các khớp nhỡ hoặc khớp lớn như: đầu gối, cổ chân, khuỷu tay, cổ tay,...
  • Biểu hiện ở tim:
    • Đây là biểu hiện thường gặp và rất nguy hiểm. Người bệnh có thể bị viêm van tim, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim,... với các biểu hiện như: mệt mỏi, tức ngực, hồi hộp, khó thở, loạn nhịp tim hoặc có những tiếng bất thường ở tim,...
    • Tình trạng viêm tim nặng có thể dẫn đến suy tim cấp, nếu không được cứu chữa kịp thời có thể tử vong rất nhanh hoặc để lại di chứng ở van tim nặng nề nguy hiểm về sau.
  • Biểu hiện thần kinh: biểu hiện thần kinh là triệu chứng muộn của bệnh thấp tim. Người bệnh có các vận động nhanh, cử động không tự chủ. Người bệnh cũng có thể thay đổi tâm tính, hay cáu gắt, mệt mỏi,...
  • Biểu hiện ở da:
    • Hạt Meynet: là những hạt nổi dưới da có đường kính khoảng 5-10 mm, dính trên nền xương (khuỷu, gối...) ấn không đau, xuất hiện cùng viêm khớp và viêm tim, mất đi sau vài tuần. 
    • Ban vòng: vòng ban hồng, xếp thành quầng có đường kính của viền 1 - 2 mm, hay gặp ở thân, mạn sườn, gốc chi, không có ở mặt. Ban mất đi sau vài ngày.

Cách điều trị bệnh thấp tim

Mục tiêu của điều trị bệnh thấp tim là điều trị nhiễm trùng, giảm triệu chứng, kiểm soát tình trạng viêm, ngăn ngừa tái phát và ngăn ngừa biến chứng. 

Cách điều trị bệnh thấp tim có thể bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh: Penicillin hoặc một loại kháng sinh khác thường được kê đơn để điều trị nhiễm liên cầu.
    • Sau khi kết thúc đợt điều trị bằng kháng sinh đầu tiên, bác sĩ thường kê một đợt kháng sinh khác để ngăn ngừa sốt thấp khớp tái phát. Điều trị dự phòng có thể sẽ tiếp tục cho đến năm 21 tuổi hoặc cho đến khi trẻ hoàn thành quá trình điều trị tối thiểu 5 năm, tùy theo tình trạng bệnh cụ thể. 
    • Người bệnh thấp tim bị viêm cơ tim có thể cần tiếp tục điều trị bằng kháng sinh dự phòng trong 10 năm hoặc lâu hơn.
  • Thuốc chống viêm: Aspirin hoặc Naproxen (Naprosyn, Naprelan, Anaprox DS) có thể giúp giảm viêm, sốt và đau. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng hoặc trẻ không thuyên giảm khi dùng thuốc chống viêm có thể kê đơn Corticosteroid. 
  • Thuốc chống động kinh: có thể được sử dụng để điều trị các cử động không tự chủ nghiêm trọng do múa giật Sydenham gây ra.
  • Điều trị suy tim (nếu có).

Bệnh thấp tim có nguy hiểm không?

Tình trạng viêm do bệnh thấp tim có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng. Ở một số người bệnh, tình trạng viêm gây ra các biến chứng lâu dài.

Bệnh thấp tim có thể gây ra một số tổn thương tim sau đây:

  • Tổn thương van tim gây hẹp van, hở van hoặc hẹp hở van tim là biến chứng thường gặp nhất. Khi van tim bị tổn thương, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm đủ số lượng máu mà cơ thể cần. Tình trạng này kéo dài lâu ngày làm giảm khả năng có bóp của tim, dẫn đến suy tim, loạn nhịp tim
  • Tổn thương cơ tim, tình trạng viêm liên quan đến bệnh thấp tim có thể làm suy yếu cơ tim, ảnh hưởng đến khả năng bơm máu.
  • Tổn thương van tim hoặc các mô tim khác có thể dẫn đến nhịp tim không đều, hỗn loạn (rung nhĩ) hoặc suy tim sau này.

Tiếp nữa, giải đáp câu hỏi về bệnh thấp tim có tái phát không? Thực tế là với bệnh nhân đã bị thấp tim có nhiều nguy cơ tiếp tục bị thấp tim sau đó. Với trẻ có thể bị thấp tim trở lại nếu lại nếu bị viêm họng liên cầu khuẩn.

Do vậy, bác sĩ có thể khuyên trẻ dùng thuốc kháng sinh trong nhiều năm hoặc có thể trong suốt cuộc đời. Điều trị này được gọi là điều trị dự phòng bằng kháng sinh. Thuốc có thể ngăn ngừa nhiễm trùng liên cầu khuẩn khác và ngăn chặn bệnh thấp tim quay trở lại.

Bệnh thấp tim là biến chứng hiếm gặp của bệnh viêm họng liên cầu khuẩn không được điều trị triệt để. Bệnh thường ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh thấp tim có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ảnh hưởng đến tim, khớp hoặc các cơ quan khác của cơ thể.

Nếu nghi ngờ bị sốt liên cầu khuẩn, hãy thăm khám sớm với bác sĩ. Điều này có thể giúp ngăn ngừa bệnh thấp tim. Bên cạnh đó, những người mắc bệnh thấp tim thường cần được chăm sóc y tế suốt đời để bảo vệ sức khỏe. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết