Vi khuẩn HP dạ dày có lây không? Lây qua những con đường nào?
HP dạ dày có lây không?
HP dạ dày có lây không? - Ảnh: BookingCare

Vi khuẩn HP dạ dày có lây không? Lây qua những con đường nào?

Tác giả: - Xuất bản: 21/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 23/03/2024
Hiện có rất nhiều người băn khoăn về việc liệu vi khuẩn HP có lây hay không, những ai có nguy cơ bị nhiễm HP. Hãy cùng tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây của BookingCare.

Nhiễm khuẩn HP là loại nhiễm khuẩn phổ biến nhất thế giới chỉ sau vi khuẩn sâu răng. Loại nhiễm khuẩn này thường âm thầm xâm nhập vào cơ thể người mà không có triệu chứng rõ rệt. Vậy HP dạ dày có lây không và thường lây qua những đường nào?

HP dạ dày có lây không?

Câu trả lời là vi khuẩn HP dạ dày hoàn toàn có khả năng lây lan từ người mang vi khuẩn sang người lành. Thậm chí, tốc độ lây nhiễm của khuẩn HP còn vô cùng nhanh chóng. Chính vì thế, bất kỳ ai cũng không nên chủ quan với bệnh mà nên tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân gây nhiễm HP dạ dày để hạn chế lây nhiễm hết sức có thể.

HP dạ dày lây qua những đường nào?

Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) dạ dày thường lây qua đường tiếp xúc trực tiếp với các chất bài tiết dạ dày, nước bọt hoặc phân của người bị nhiễm. Các đường lây nhiễm phổ biến bao gồm:

  • Lây qua đường miệng-miệng: Đây là đường lây truyền phổ biến nhất hiện nay. do miệng tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hay dịch tiêu hóa của người nhiễm (ôm hôn, nhai mớm) hoặc gián tiếp qua dụng cụ ăn uống không được vệ sinh loại bỏ hoàn toàn HP. Nếu vợ hoặc chồng bị nhiễm HP thì người còn lại  có nguy cơ bị nhiễm HP rất cao. Thói quen ôm hôn trẻ nhỏ cũng có thể làm lây nhiễm HP cho trẻ. 
  • Lây qua đường phân-miệng: do vi khuẩn được đào thải qua phân, nhiễm vào nguồn nước và lây cho người lành khi ăn thực phẩm, uống nước bị nhiễm bẩn, không đảm bảo ăn chín - uống sôi.
  • Lây qua đường dạ dày-miệng, dạ dày - dạ dày: Các thiết bị y tế như ống soi, dụng cụ nha khoa, dụng cụ tai mũi họng.... chưa được vệ sinh tiệt khuẩn sạch sẽ cũng là đường lây nhiễm vi khuẩn HP.
Vi khuẩn HP dạ dày có thể lây nhiễm qua nhiều nguồn khác nhau
Vi khuẩn HP dạ dày có thể lây nhiễm qua nhiều nguồn khác nhau - Ảnh: suckhoedoisong.vn

Những ai có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn HP?

Bất kỳ đối tượng nào cũng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP dạ dày. Một người nhiễm bệnh có thể lây cho nhiều người có tiếp xúc gần với họ. Những đối tượng có nguy cơ nhiễm HP dạ dày cao nhất có thể kể đến như:

  • Những người có thói quen ăn đồ tái, sống, không được nấu chín kỹ.
  • Người thường xuyên ăn uống tại hàng quán vỉa hè, sử dụng các thực phẩm không rõ nguồn gốc.
  • Người có thành viên trong gia đình nhiễm vi khuẩn HP.
  • Trẻ nhỏ cũng là đối tượng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao do thói quen hôn môi, nhai mớm thức ăn của bố mẹ và người thân.
  • Người có thói quen hút thuốc lá, tiêu thụ cồn, dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) có thể tác động đến niêm mạc dạ dày và tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn HP gây viêm nhiễm.
  • Người có hệ miễn dịch yếu: Hệ miễn dịch yếu có thể làm giảm khả năng kiểm soát vi khuẩn HP, dẫn đến sự phát triển của viêm nhiễm.

Nhiều người có thể bị nhiễm HP mà không có triệu chứng. Điều quan trọng là duy trì vệ sinh cá nhân tốt, tránh tiếp xúc với chất bài tiết dạ dày của người bị nhiễm và đảm bảo thực phẩm và nước uống được chế biến và tiêu thụ an toàn. 

Nếu bạn đang nghi ngờ mình có nguy cơ lây nhiễm, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn, kiểm tra và điều trị HP dạ dày theo phác đồ phù hợp.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết