Viêm giác mạc: Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị hiệu quả
viêm giác mạc
Viêm giác mạc có thể gây ra khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày - Ảnh: BookingCare

Viêm giác mạc: Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị hiệu quả

Tác giả: - Xuất bản: 18/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 18/12/2023
Viêm giác mạc là bệnh lý nhãn khoa không quá nguy hiểm, tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời, viêm giác mạc sẽ có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực.

Giác mạc là một màng mỏng trong suốt của mắt giúp cho ánh sáng đi qua. Viêm giác mạc là tình trạng giác mạc mất/giảm sự trong suốt gây cho mắt các dấu hiệu: đau, đỏ, chói, chảy nước mắt và ảnh hưởng đến thị lực. 

Viêm giác mạc có thể tiến triển nặng hơn thành viêm loét giác mạc, khi đó tình trạng mắt trở nên trầm trọng hơn và đối diện với nguy cơ mù lòa.

Bài viết này sẽ tập trung vào dấu hiệu, nguyên nhân, cách chẩn đoán, và các phương pháp điều trị viêm giác mạc để bạn đọc quan tâm tìm hiểu.

Dấu hiệu viêm giác mạc

Dấu hiệu và triệu chứng viêm giác mạc khá rõ ràng, thường bao gồm:

  • Mắt sẽ trở nên đỏ, kích ứng và có thể có cảm giác đau nhức như kim châm ở phần trước con mắt hoặc khó chịu làm cho việc mở mắt khó khăn
  • Rát, cảm giác có sạn hoặc ngứa trong mắt của bạn
  • Sưng nề quanh mắt
  • Cảm giác như có dị vật ở trong mắt, chảy nước mắt
  • Giảm thị lực, mắt có thể trở nên mờ mờ và khó nhìn rõ. 
  • Nhạy cảm với ánh sáng (sợ ánh sáng): Ánh sáng mạnh có thể gây ra cảm giác khó chịu và chói.
  • Xuất hiện đốm trắng ở trên giác mạc, thường ở trung tâm giác mạc mà chỉ bác sĩ mới có thể nhìn thấy

Nguyên nhân viêm giác mạc

Viêm giác mạc có thể do các nguyên nhân nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng. Cụ thể như sau:

Nguyên nhân viêm giác mạc do nhiễm trùng:

  • Nhiễm vi khuẩn: Vi khuẩn Pseudomonas Aeruginosa và Staphylococcus aureus là 2 loại vi khuẩn gây bệnh thường gặp
  • Nhiễm virus Herpes Simplesx hoặc một số virus khác gây dịch đau mắt đỏ kèm theo viêm giác mạc: adeno virus, interrovirus …
  • Nhiễm nấm (do dị vật thực vật bắn vào mắt): Những loại nấm gây bệnh là Aspergillus, Candida hoặc Fusarium. Tuy nhiên không phổ biến.
  • Nhiễm kí sinh trùng: Acanthamoeba là  một loại sinh vật ký sinh có thể gây viêm giác mạc.

Nguyên nhân viêm giác mạc không do nhiễm trùng:

  • Vệ sinh và hoặc bảo quản kính áp tròng không đúng cách
  • Đeo kính áp tròng quá lâu, không phù hợp
  • Chấn thương mắt (trầy xước) không được xử trí đúng
  • Thiếu vitamin A (hiếm gặp)...

Viêm giác mạc là bệnh lý phổ biến ở mắt. Ở Việt Nam, do điều kiện khí hậu nóng, ẩm, Những người đeo kính áp tròng sẽ có nguy cơ  dễ bị viêm giác mạc hơn.

Chẩn đoán viêm giác mạc

Viêm giác mạc được chẩn đoán chủ yếu thông qua các biểu hiện, triệu chứng lâm sàng.

Các bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra mắt với một dụng cụ đặc biệt gọi là đèn khe trên máy sinh hiển vi, cung cấp một nguồn sáng và độ phóng đại lớn cho phép bác sĩ nhìn thấy những tổn thương mờ  và hình thái cũng như mức độ viêm giác mạc, và những tổn thương khác của mắt.

Ngoài ra, để xác định nguyên nhân gây bệnh và lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm chuyên biệt từ dịch tiết kết mạc hoặc chất nạo từ bờ ổ loét.

Mắt bình thường và mắt bị viêm giác mạc
Mắt bình thường và mắt bị viêm giác mạc - Ảnh: aoa.org 

Phương pháp điều trị viêm giác mạc

Điều trị viêm giác mạc hoặc viêm loét giác mạc phụ thuộc vào nguyên nhân, hình thái (loại) và mức độ viêm. 

Thuốc nhỏ mắt kháng khuẩn, kháng virus hoặc kháng nấm được sử dụng chính để điều trị nguyên nhân viêm giác mạc. Các thuốc nhỏ mắt steroid có thể cần thiết để làm giảm phản ứng viêm cho giác mạc. 

Tuy nhiên, việc sử dụng cần được quản lý chặt chẽ bởi bác sỹ chuyên khoa.

Lưu ý khi điều trị viêm giác mạc

Để quá trình điều trị viêm giác mạc được nhanh chóng, an toàn, hiệu quả, dưới đây là một số lưu ý cần tránh khi điều trị viêm giác mạc:

  • Không nên đeo kính áp tròng hay trang điểm mắt khi đang hoặc có nguy cơ viêm giác mạc
  • Tránh dụi mắt hay tác động đến mắt khi bị đau đỏ, hoặc chấn thương, có dị vật bay vào.
  • Rửa mắt khi bị bụi bay vào, nếu không đỡ phải đến khám bác sỹ sớm
  • Đảm bảo vệ sinh mắt hàng ngày bằng cách rửa tay sạch trước khi chạm vào mắt hoặc tra nhỏ thuốc mắt
  • Tuân thủ theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ về liều lượng và cách sử dụng thuốc khi điều trị viêm giác mạc. Không tự ý điều trị bằng đơn cũ, theo truyền miệng hoặc các kinh nghiệm dân gian…
  • Đau mắt đỏ sau 1 tuần không đỡ, có dấu hiệu nhìn mờ cần đi khám để sớm phát hiện và điều trị viêm giác mạc kịp thời

Nhìn chung, người bệnh viêm giác mạc cần được điều trị sớm, tránh nguy cơ ảnh hưởng tới thị lực sau này do biến chứng viêm loét giác mạc.

Phòng ngừa viêm giác mạc

Phòng ngừa viêm giác mạc là khâu quan trọng để bảo vệ sức khỏe mắt và duy trì thị lực. Để phòng ngừa bệnh viêm giác mạc nói riêng và các bệnh về mắt nói chung, bạn đọc có thể:

  • Sử dụng các biện pháp bảo hộ mắt khi làm việc trong môi trường nhiều khói, bụi,…
  • Sử dụng kính mắt khi di chuyển ngoài đường tránh bụi và dị vật bay vào mắt.
  • Không dùng tay dụi mắt, không tự lấy dị vật, không đắp các loại thuốc lá trực tiếp vào mắt.
  • Cung cấp đủ vitamin A cho mắt và thường xuyên chớp mắt để tránh khô mắt.
  • Chú ý   vệ sinh tay và kính áp tròng trước và sau khi đeo kính.
  • Khi sử dụng mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc mắt, cần tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng và ngừng sử dụng khi có dấu hiệu gây kích ứng.

Trên đây là những thông tin quan trọng về viêm giác mạc và các biện pháp phòng ngừa mà bạn đọc có thể thực hiện để bảo vệ sức khỏe mắt.

Viêm giác mạc là một vấn đề mắt phổ biến và có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Việc hiểu rõ về dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị bệnh có thể giúp bạn đọc khắc phục viêm giác mạc nhanh chóng, hiệu quả.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết