Viêm giáp Hashimoto: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 

Tác giả: - Xuất bản: 04/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 19/12/2024
Viêm giáp Hashimoto là bệnh lý nguy hiểm 
Viêm giáp Hashimoto là bệnh lý nguy hiểm - Ảnh: BookingCare
Viêm tuyến giáp Hashimoto là một bệnh tự miễn phá hủy các tế bào tuyến giáp bằng quá trình miễn dịch qua trung gian tế bào và kháng thể. 

Nguyên nhân gây bệnh viêm giáp Hashimoto không chỉ đến từ việc nhiễm bệnh di truyền mà còn do các tác nhân khác như hormone hay môi trường. Về cách điều trị, người bệnh được áp dụng các phương pháp để hạn chế và điều chỉnh tình trạng bệnh chứ không thể chữa trị triệt để. Cùng BookingCare tìm hiểu các thông chi tiết về bệnh viêm giáp này trong bài viết dưới đây.

Các triệu chứng của bệnh viêm giáp Hashimoto

Sẽ rất khó để người bệnh có thể nhận thấy những dấu hiệu của bệnh viêm giáp Hashimoto bởi bệnh tiến triển từ từ qua nhiều năm, không rõ triệu chứng ở giai đoạn đầu. Dần dần, sự sản xuất hormone ở tuyến giáp suy giảm sẽ dẫn đến các triệu chứng sau: 

  • Mệt mỏi, khó thở, thường xuyên buồn ngủ và uể oải
  • Da khô, xỉn màu
  • Tóc xơ, dễ rụng, móng tay dễ gãy
  • Táo bón
  • Tăng cân bất thường dù cảm thấy chán ăn
  • Các cơ đau nhức ở phần vai và đùi
  • Bướu cổ (sưng tuyến giáp) hoặc tuyến giáp teo nhỏ lại
  • Mặt sưng, phù nề đặc biệt là vùng quanh ổ mắt, cũng như phù nề ở bàn tay và bàn chân.
  • Khả năng chịu lạnh kém
  • Nhịp tim chậm, huyết áp tăng
  • Giảm khả năng tập trung 

Ở trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân có thể bị tích tụ dịch trong khoang màng phổi và màng ngoài tim. 

Ngoài các triệu chứng kể trên, nếu người bệnh không được điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như: 

  • Cholesterol tăng cao
  • Nguy cơ mắc bệnh tim và suy tim
  • Trầm cảm
  • Ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi như sảy thai, thai chết lưu ở nữ giới

Nguyên nhân gây bệnh viêm giáp Hashimoto

Viêm giáp là khi hệ thống miễn dịch của cơ thể sản sinh ra các kháng thể tự tấn công vào tuyến giáp và các cơ quan của chính nó. Do đó, các tế bào ở tuyến giáp bị ăn mòn, phá hủy đến mức không thể sản xuất đủ lượng hormone cho cơ thể. Cuối cùng dẫn đến suy giáp. 

Mặc dù vậy, nguyên nhân dẫn đến việc hệ thống miễn dịch tự sản sinh ra các kháng thể tấn công vào tuyến giáp vẫn chưa có giải thích thỏa đáng. Chỉ có những tác nhân liên quan dẫn đến bệnh Hashimoto là các yếu tố sau: 

  • Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có người từng mắc bệnh viêm giáp Hashimoto,khả năng cao sẽ di truyền bệnh cho các thế hệ sau đó. Đây cũng được cho là nguyên nhân phổ biến nhất ở bệnh này.
  • Yếu tố hormone: Tỷ lệ mắc bệnh đối với nam/ nữ là 1:10. Theo đó, nữ giới có nhiều khả năng mắc viêm giáp Hashimoto hơn nam giới và thường nằm ở độ tuổi từ 30 - 50. 
  • Yếu tố môi trường: Bệnh có thể được gây ra bởi sự nhiễm trùng từ virus, vi khuẩn hoặc phơi nhiễm phóng xạ. Ngoài ra, khi cơ thể hấp thụ lượng iod quá mức cho phép cũng là một nguyên nhân dẫn đến viêm giáp.

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh viêm giáp Hashimoto

Đầu tiên, người bệnh sẽ được hỏi về các triệu chứng để xác nhận tỷ lệ mắc viêm giáp Hashimoto. Sau đó sẽ tiến hành xét nghiệm chẩn đoán bằng các phương pháp sau: 

  • Xét nghiệm hormone: Nếu lượng hormone kích thích tuyến giáp (TSH) trong cơ thể ở mức cao, có nghĩa là tuyến giáp sản xuất không đủ hormone T4 để đáp ứng các nhu cầu sinh lý của cơ thể.
  • Xét nghiệm T4: Người bệnh có thể ở tình trạng suy giáp nếu mức T4 (thyroxine) thấp.
  • Xét nghiệm kháng thể tuyến giáp: Xét nghiệm này cho biết nguy cơ phát triển bệnh suy giáp cao hơn khi xuất hiện kháng thể tuyến giáp.

Siêu âm tuyến giáp: Trong trường hợp cơ thể người bệnh không có kháng thể tuyến giáp, phương pháp siêu âm sẽ cho biết kích thước tuyến giáp có tăng hay không hoặc các đặc điểm khác.

Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm phù hợp để chẩn đoán viêm giáp Hashimoto - Ảnh: Freepik
Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm phù hợp để chẩn đoán viêm giáp Hashimoto - Ảnh: Freepik

Phương pháp điều trị viêm giáp Hashimoto

Người bệnh sẽ được điều trị theo mức độ và tình trạng của bệnh. Nếu chưa bước đến giai đoạn suy giáp, người bệnh sẽ chỉ cần kiểm tra hormone và các triệu chứng.

Điều trị phải đạt các mục đích sau đây:

  • Giảm kích thích của kháng nguyên.
  • Ức chế quá trình tự miễn.
  • Giảm hoặc mất hiện tượng thâm nhiễm các tế bào lympho và tương bào vào tuyến giáp.

Dưới đây là một vài những phương pháp điều trị: 

  • Dùng hormone thay thế: Được sử dụng ở tình trạng suy giáp, tuỳ vào tình trạng sẽ tăng hoặc giảm liều thuốc.
  • Sử dụng Corticoid: Corticoid là nhóm thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch. Khi sử dụng cần có sự chỉ dẫn từ bác sĩ.
  • Phẫu thuật: Người bệnh có thể phẫu thuật khi bướu giáp sưng to gây chèn ép hoặc mất thẩm mỹ.

Chăm sóc hiệu quả tại nhà đối với bệnh viêm giáp

Chế độ ăn uống là một trong những yếu tố tác động đến tình trạng bệnh viêm giáp. Do đó, người bệnh nên tự chăm sóc tại nhà bằng cách điều chỉnh chế độ ăn của mình. 

Như đã nói phía trên, một trong những tác nhân gây bệnh đó là lượng iod hấp thụ vào cơ thể quá nhiều. Vì vậy, người bệnh cần bổ sung lượng iod vừa đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, giảm tiêu thụ các thực phẩm giàu iod như cá biển, các loại hải sản, rau cải xoong, cải thảo,…

Những thực phẩm nên ăn: 

  • Các loại trái cây họ cam quýt (bưởi, cam, chanh)
  • Quả hạch (lê, táo, đào, mận)
  • Ô liu và dầu ô liu
  • Mầm lúa mì
  • Các loại thảo mộc và gia vị

Tại thời điểm hiện nay, chưa có phương pháp nào có tác dụng triệt để đối với bệnh viêm giáp Hashimoto. Vậy nên, người bệnh cần sống chung với bệnh cả đời. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần theo dõi tình của trạng cơ thể, tự thay đổi chế độ ăn uống và làm theo lời chỉ dẫn của bác sĩ. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết