Viêm họng hạt là gì? Có chữa khỏi được không?
Viêm họng hạt là gì? Có chữa khỏi được không?
Viêm họng hạt là gì? Có chữa khỏi được không? - Ảnh BookingCare
Viêm họng hạt là gì? Có chữa khỏi được không? - Ảnh BookingCare

Viêm họng hạt là gì? Có chữa khỏi được không?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 07/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 05/01/2024
Viêm họng hạt là một bệnh viêm nhiễm Tai Mũi Họng mạn tính thường gặp và chủ yếu xảy ra ở người trưởng thành, tái phát nhiều lần. Tuy nhiên, bệnh viêm họng hạt vẫn có thể chữa khỏi bằng cách phòng tránh bệnh tái phát, dùng thuốc đúng và có thể cân nhắc đốt họng hạt.

Thực tế, viêm họng hạt là một dạng của viêm họng mạn tính, tức là do họng bị viêm nhiễm tái diễn nhiều lần khiến các thể lympho trong họng phì đại và phát triển thành dạng hạt. Vậy viêm họng hạt chữa bằng cách nào? Cùng tìm hiểu cách chữa viêm họng hạt qua bài viết dưới đây. 

Nguyên nhân gây viêm họng hạt

Viêm họng hạt có nhiều nguyên nhân gây ra, muốn điều trị triệt để viêm họng hạt phải tìm đúng nguyên nhân gây bệnh để giải quyết.

- Do viêm mũi xoang mạn tính

Dịch chảy từ các xoang xuống thành sau họng làm cho niêm mạc thành sau họng bị lớp chất nhầy bao phủ, vì vậy vi khuẩn dễ phát triển làm họng viêm thường xuyên. Đây là điều kiện để viêm họng tái diễn và từ đó các hạt ở thành sau họng xuất hiện.

- Viêm mũi, viêm xoang, polyp mũi, quá phát cuốn mũi, khối u ở vòm gây tắc mũi

Khi mũi bị tắc, người bệnh phải thở miệng. Không khí có bụi hữu cơ, vô cơ và hơi nóng khô không được làm ẩm làm sạch nên bệnh nhân dễ bị viêm họng.  

- Trào ngược dạ dày thực quản

Dịch dạ dày xuất hiện nhiều làm pH của vùng họng giảm, niêm mạc họng trước đây hoạt động trong môi trường kiềm nhẹ nay lại phải hoạt động trong môi trường acid - là môi trường thích hợp cho các loại vi khuẩn gây bệnh hoạt động.

- Viêm amidan mạn tính

Viêm amidan thực chất cũng là một dạng viêm họng khu trú ở amidan khẩu cái - cũng là tổ chức lympho ở họng.

Bệnh nhân cắt amidan đôi khi viêm họng hạt cũng xuất hiện, thậm chí nặng hơn do các tổ chức lympho thành sau họng phát triển để bù đắp lại phần đã bị cắt bỏ. 

Các hạt bám ở thành họng
Hạt mọc trên thành sau họng 

Cách chữa viêm họng hạt 

Cho đến nay viêm họng hạt vẫn được xem là bệnh khó điều trị dứt điểm, người bệnh cần kiên trì và tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.

Xác định nguyên nhân gây bệnh viêm họng hạt là rất quan trọng vì chỉ khi giải quyết được nguyên nhân thì bệnh mới được điều trị dứt điểm. Ví dụ nếu viêm họng hạt do trào ngược dạ dày thực quản, thì phải tìm cách khắc phục tình trạng trào ngược. Hiện nay, có hai phương pháp chính điều trị viêm họng hạt.

Điều trị nội khoa

Trong điều trị viêm họng hạt, bác sĩ thường kê các loại thuốc như:

  • Thuốc giảm ho, loãng đờm: Bromhexin, Dextromethorphan…
  • Thuốc giảm đau, hạ sốt: acetaminophen (Tylenol), ibuprofen (Advil, Motrin)…
  • Thuốc ức chế sự lây lan của vi khuẩn và nhiễm trùng: Penicillin, amoxicillin hoặc azithromycin…
  • Thuốc điều trị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản: Cimetidin, Ranitidin, kháng sinh diệt vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP), thuốc ức chế bơm proton, thuốc kháng histamin H2…
  • Các thuốc phối hợp ngậm, xịt tại chỗ như Dorithricin, Difflam…

Điều trị ngoại khoa bằng phương pháp đốt họng hạt

Trong trường hợp viêm họng hạt dai dẳng, không thể điều trị hiệu quả bằng phương pháp nội khoa, các nang lympho phát triển với kích thước lớn và tập trung thành từng đám phù nề, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định điều trị bằng phương pháp đốt viêm họng hạt bằng dao diện, coblator, laser hoặc đốt lạnh. Phương pháp này giúp loại bỏ các lympho tăng sản ở thành họng và giảm cảm giác vướng víu, khó nuốt ở họng.

Việc đốt họng hạt chỉ giải quyết tạm triệu chứng mà chưa điều trị được căn nguyên. Trên thực tế, có nhiều người mắc bệnh đốt họng hạt vẫn tiếp tục bị viêm họng hạt mọc lại. Sau khi đốt, phải giải quyết triệt để nguyên nhân, nếu chỉ đốt hạt to thì những hạt nhỏ còn lại thì lâu ngày những hạt này to lên lại sẽ hình thành nên những hạt mới.

Việc đốt họng hạt sẽ khiến hạt không phát triển to lên nhưng dễ dẫn đến sẹo ở họng gây ra cảm giác vướng víu như có vật cản trong họng khi ăn uống hoặc nói chuyện. Vì vậy bác sĩ sẽ tính toán và cân nhắc kĩ lợi ích và tác hại phương pháp này để áp dụng cho từng bệnh nhân cụ thể.

Bệnh viêm họng hạt không nguy hiểm đến tính mạng nhưng dễ mắc phải và tái phát nhiều lần. Vì đây là một dạng của viêm họng mạn tính nên việc điều trị cũng đem lại nhiều khó khăn, bao gồm cả thời gian và tiền bạc. 

 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
ĐẶT KHÁM