Viêm khớp háng: Biểu hiện, nguyên nhân và cách điều trị
Viêm khớp háng
Viêm khớp háng: biểu hiện, nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh: BookingCare

Viêm khớp háng: Biểu hiện, nguyên nhân và cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 12/07/2023 - Cập nhật lần cuối: 04/10/2023
Viêm khớp háng tuy không ảnh hưởng tới tính mạng nhưng khiến việc đi đứng khó khăn, đau nhức. Mời bạn đọc tham khảo thông tin về triệu chứng bệnh, cách điều trị, sống chung với bệnh,... trong bài viết dưới để hiểu rõ về viêm khớp háng.

Viêm khớp háng là căn bệnh thường gặp, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng ảnh hưởng lớn khả năng vận động, hoạt động của người bệnh.

Người nhà, người bệnh có thể tham khảo tổng quan các thông tin về bệnh lý này: triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị, cách chăm sóc tại nhà, sống chung với bệnh hiệu quả,... trong bài viết dưới đây.

Viêm khớp háng là gì? Triệu chứng viêm khớp háng

Các bệnh viêm khớp nói chung là bệnh gây tổn thương lên phần lớn các mô trong khớp, bao gồm sụn khớp, bao hoạt dịch, dây chằng, đầu xương,... Khi bị viêm xương khớp, các lớp sụn sẽ dần bị mỏng đi và trở nên thô ráp hơn, khiến cho việc hoạt động của khớp hạn chế. Người bệnh dễ bị đau và cảm giác lục khục khi di chuyển, vận động.

Tương tự, với viêm khớp háng là tình trạng lớp sụn ở khớp háng vỡ hoặc mòn đi làm cho các xương dưới sụn cọ xát vào nhau gây đau sưng, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống người bệnh.

Bạn đọc nên lưu ý đến các dấu hiệu, triệu chứng sau để thăm khám, kịp thời điều trị bệnh viêm khớp háng:

  • Xuất hiện cơn đau dữ dội ở vùng háng
  • Đau xuống đùi, vùng mông, đi khập khễnh
  • Vận động khó khăn
  • Nghe tiếng lạo xạo khớp khi vận động
  • Cứng khớp háng sau khi ngồi quá lâu hoặc ngủ dậy vào buổi sáng, người bệnh không thể di chuyển ngay được mà phải nắn bóp một lúc
Triệu chứng đau ở người bệnh viêm khớp háng
Cơn đau dữ dội ở vùng háng là triệu chứng ở người bệnh viêm khớp háng - Ảnh: Canva

Nguyên nhân gây viêm khớp háng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm khớp háng. Trong đó, nếu người bệnh ở các tình trạng sau sẽ dễ gặp viêm khớp háng:

  • Do tuổi cao: Tuổi càng cao xương khớp càng bị thoái hóa, từ đó dẫn đến nhiều bệnh trong đó có bệnh viêm khớp háng ở người lớn tuổi. 
  • Người thừa cân, béo phì: Việc thừa cân sẽ khiến khớp háng bị gia tăng sức ép, rất dễ bị viêm khớp háng. Người béo phì do vậy sẽ có nguy cơ viêm khớp háng cao. 
  • Do chấn thương khớp háng: Lao động nặng hay tai nạn,... gây ảnh hưởng hệ xương khớp trong khi đó phần khớp háng lại là khu vực được cho là tác động nhiều nhất.
  • Nhiễm khuẩn hoặc khiếm khuyết nội tại gây viêm nhiễm khớp háng
  • ...
Mô ta viêm khớp háng
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm khớp háng - Ảnh: Canva

Chuẩn đoán bệnh viêm khớp háng

Để chuẩn đoán viêm khớp háng, bác sĩ Cơ xương khớp sẽ dựa trên các triệu chứng lâm sàng qua quan sát, hỏi bệnh kết hợp với kết quả cận lâm sàng. 

Nhìn chung, khi thăm khám, tùy tình trạng, bệnh nhân cần thực hiện một số chỉ định cận lâm sàng sau:

Xét nghiệm máu

Tùy tình trạng người bệnh bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm máu: đánh giá các chỉ số viêm, tầm soát các bệnh tự miễn,... giúp chẩn đoán chính xác bệnh, xác định tình trạng viêm đau khớp háng có liên quan tới nhiễm trùng hay không,... Nếu có cần điều trị nhiễm trùng kết hợp.

Chẩn đoán hình ảnh

Các chẩn đoán hình ảnh được chỉ định để bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác nhất bao gồm: 

  • Siêu âm khớp 
  • Chụp X-quang khớp

Phương pháp điều trị viêm khớp háng

Tùy trình trạng viêm khớp háng, người bệnh có thể được chỉ định điều trị nội khoa hoặc điều trị ngoại khoa kết hợp thay đổi thói quen sinh hoạt, lối sống.

Điều trị nội khoa bệnh viêm khớp háng

  • Sử dụng thuốc: Bệnh nhân viêm khớp háng có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng một số loại thuốc giảm đau trong trường hợp nhẹ. 
  • Vật lý trị liệu: Những phương pháp vật lý trị liệu như bấm huyệt, xoa bóp, nhiệt trị liệu, laser,... sẽ giúp cải thiện tuần hoàn máu, cải thiện các cơn đau nhức khớp háng do viêm hay tổn thương khác.

Điều trị ngoại khoa bệnh viêm khớp háng

Trong trường hợp viêm khớp háng nặng, người bệnh không thể di chuyển sẽ được chỉ định điều trị ngoại khoa hay chính là phẫu thuật thay khớp háng. 

Việc điều trị thay khớp háng khá tốn kém. Cộng với đó sau một khoảng thời gian nhất định khớp háng nhân tạo cũng cần được thay mới lại.

Nhìn chung, điều trị bệnh viêm khớp háng khá khó khăn. Bệnh nhân nên đi khám và điều trị với các bác sĩ Cơ xương khớp giỏi để bệnh nhanh chóng được cải thiện.

Thay khớp háng trong điều trị viêm khớp háng
Phẫu thuật thay khớp háng được chỉ định trong trường hợp viêm khớp háng năng, người bệnh không thể di chuyển - Ảnh: Canva

Chăm sóc điều trị bệnh viêm khớp háng tại nhà

Việc chăm sóc, điều trị tại nhà đóng vai trò quan trọng vào hiệu quả điều trị viêm khớp háng. Ngoài sử dụng thuốc, nên lưu ý các điều sau: 

  • Tập thể dục, có chế độ vận động hợp lý: Tập thể dục có thể làm giảm đau và cứng khớp, đồng thời tăng tính linh hoạt và sức mạnh cơ bắp. Nếu cần nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có chỉ định phù hợp. Một số lựa chọn tập thể dục có thể bao gồm:
    • Đi bộ
    • Thể dục nhịp điệu động tác nhẹ nhàng
    • Các bài tập giữ thăng bằng, chẳng hạn như thái cực quyền hoặc yoga
    • Bơi lội hoặc thể dục nhịp điệu dưới nước
  • Dành thời gian nghỉ ngơi, phục hồi. Hạn chế đi bộ đường dài, chơi các môn thể thao nặng hoặc leo cầu thang.
  • Thực hiện một chế độ ăn uống tốt cho bệnh viêm khớp giúp kiểm soát bệnh tốt hơn. Hạn chế các đồ ăn giàu chất béo, tăng cường rau xanh, chất xơ, bổ sung Vitamin D và Calci.

Sống chung với bệnh viêm khớp háng

Viêm khớp háng tuy chưa có biện pháp chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể điều trị để làm chậm tiến triển của bệnh, kiểm soát các triệu chứng, bảo tồn chức năng vận động của khớp và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.

Một số gợi ý sau để sống chung với bệnh: 

  • Dùng đúng thuốc, đúng liệu trình: Người bệnh lưu ý uống theo đúng hướng dẫn, nếu có tác dụng ngoại ý, cần thông báo cho bác sĩ biết để đổi thuốc. Trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào hoặc sử dụng các liệu pháp khác, hãy trao đổi với bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý dừng thuốc, tự ý dùng thuốc khác hoặc làm theo người khác mách bảo dễ bị biến chứng.
  • Kiểm soát cân nặng để giúp giảm áp lực cho các khớp. Nếu thừa cân hoặc béo phì, giảm cân có thể giúp giảm
  • Thăm khám định kỳ: Người bệnh viêm khớp háng cần thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Tránh để bệnh diễn biến nặng mới thăm khám. 
  • Kết hợp tập thể dục và chế độ ăn uống

Trên đây là một số thông tin tổng quan xoay quanh bệnh lý viêm khớp háng. Hy vọng đã giúp người bệnh, người nhà có kiến thức dễ hiểu nhất. Khi thấy bất kỳ triệu chứng nào của bệnh viêm khớp háng hay các bệnh lý Cơ xương khớp nói chung, người bệnh nên thăm khám sớm, tránh âm thầm chịu đựng dễ khiến tình trạng bệnh diễn tiến nặng, khó điều trị và chi phí cũng tốn kém hơn. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết