Viêm mào tinh hoàn: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Viêm mào tinh hoàn
Viêm mào tinh hoàn: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh: BookingCare

Viêm mào tinh hoàn: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 08/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 08/11/2023
Viêm mào tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng điển hình là nhóm nam giới 14 tuổi đến 35 tuổi. Theo dõi bài viết để biết nguyên nhân và cách điều trị viêm mào tinh hoàn.

Viêm mào tinh hoàn là tình trạng viêm mào tinh hoàn - một ống ở phía sau cực trên của tinh hoàn chứa và vận chuyển tinh trùng ra ống dẫn tinh. Tình trạng sưng này có thể gây đau dữ dội ở tinh hoàn. Viêm mào tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng điển hình là nhóm nam giới 14 tuổi đến 35 tuổi. Phát hiện sớm tình trạng viêm mào tinh hoàn giúp điều trị bệnh nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Theo dõi bài viết để biết nguyên nhân và cách điều trị viêm mào tinh hoàn.

Triệu chứng của viêm mào tinh hoàn

Các triệu chứng viêm mào tinh hoàn có thể bao gồm:

  • Đau ở bìu, đôi khi lan xuống phần còn lại của mặt trong đùi.
  • Cảm giác nặng vùng tinh hoàn bệnh
  • Tinh hoàn to
  • Đau vùng bụng hoặc chậu
  • Mắc tiểu liên tục
  • Có dịch tiết ra ở đầu dương vật
  • Đau khi xuất tinh hay quan hệ tình dục
  • Sưng và đỏ ở tinh hoàn
  • Máu trong tinh dịch
  • Sốt và ớn lạnh
  • Khó tiểu (đi tiểu đau)

Có 2 dạng viêm mào tinh hoàn:

  • Viêm mào tinh hoàn cấp: cơn đau kéo dài dưới 14 ngày, cơn đau và viêm tiến triển nhanh.
  • Viêm mào tinh hoàn mạn: cơn đau tiến triển chậm và nhẹ hơn. Đây là một tình trạng mạn tính và kéo dài hơn 2 tuần.

Nguyên nhân dẫn tới viêm mào tinh hoàn

Một số nguyên nhân dẫn tới viêm mào tinh hoàn thường gặp như:

  • Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs): Hầu hết các trường hợp viêm mào tinh hoàn là do vi khuẩn Mycoplasma hoặc Chlamydia dễ lây qua đường tình dục.
  • Nhiễm khuẩn ngược dòng khi có nhiễm khuẩn tiết niệu vị trí niệu đạo.
  • Tắc nghẽn niệu đạo (ống dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể).
  • Tuyến tiền liệt bị phì đại hoặc bị nhiễm trùng.
  • Sử dụng ống thông quá lâu (ống dẫn lưu bàng quang).
  • Phẫu thuật trên tuyến tiền liệt, niệu đạo hoặc bàng quang.
  • Chấn thương vùng chậu.
  • Viêm quy đầu, viêm da bao quy đầu.
  • Chấn thương tinh hoàn, mào tinh.

Viêm mào tinh hoàn được chẩn đoán như nào?

Để chẩn đoán viêm mào tinh hoàn bác sĩ sẽ khám lâm sàng và cận lâm sàng cho người bệnh. Một vài phương pháp chẩn đoán như sau:

  • Khám lâm sàng: Hỏi người bệnh về các triệu chứng gặp phải, kiểm tra vùng tiểu khung bằng mắt thường, tay. Khám hậu môn trực tràng để kiểm tra tuyến tiền liệt
  • Xét nghiệm sàng lọc bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STIs): phát hiện vi khuẩn bệnh lậu và chlamydia, nhuộm soi dịch niệu đạo
  • Xét nghiệm nước tiểu và máu
  • Siêu âm: xác định xem người bệnh có bị xoắn tinh hoàn hay không. Tổ chức viêm có hình ảnh tăng tưới máu, hình ảnh tăng kích thước bên mào tinh viêm.

Các phương pháp điều trị viêm mào tinh hoàn

Viêm mào tinh hoàn thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc phẫu thuật. Phương pháp điều trị viêm mào tinh hoàn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng bệnh.

  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh là cần thiết để điều trị viêm mào tinh hoàn do vi khuẩn và viêm mào tinh hoàn. Dùng đúng và đủ liều bác sĩ kê đơn kể cả khi các triệu chứng viêm mào tinh hoàn đã được thuyên giảm, để đảm bảo vi khuẩn đã được tiêu diệt hết.
  • Phẫu thuật: Nếu áp xe đã hình thành, bạn có thể cần phải phẫu thuật để dẫn lưu mào tinh hoàn. Đôi khi người bệnh cần cắt một phần hoặc toàn bộ mào tinh hoàn.

Lưu ý chăm sóc điều trị viêm mào tinh hoàn tại nhà

Viêm mào tinh hoàn thường gây ra rất nhiều đau đớn. Người bệnh có thể thực hiện một số điều sau để giảm bớt sự khó chịu:

  • Nghỉ ngơi đầy đủ
  • Nằm xuống sao cho bìu được nâng lên
  • Chườm túi lạnh vào bìu
  • Mặc đồ hỗ trợ thể thao, mặc quần lót chật
  • Tránh vận động mạnh như chạy, chơi thể thao.
  • Tránh quan hệ tình dục. Chủ động tự xuất tinh 1 tuần 2 lần để đào thải tinh trùng nhiễm khuẩn và tránh tắc ống dẫn tinh.
  • Uống ngày 2,5- 3 lít nước.
viêm mào tinh hoàn
nghỉ ngơi đầy đủ giúp giảm bớt sự khó chịu khi bị viêm mào tinh hoàn - Ảnh: Canva.com

Viêm mào tinh hoàn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể để lại một số biến chứng như:

  • Nhiễm trùng có thể dẫn đến tổn thương tinh hoàn, gây viêm mào tinh hoàn hoặc áp xe tinh hoàn.
  • Viêm mào tinh hoàn mạn.
  • Hở da bìu.
  • Hoại tử mô tinh hoàn do thiếu máu.
  • Vô sinh.
  • Trong một số trường hợp, nhiễm trùng có thể lan sang các bộ phận khác trên cơ thể.
  • Tắc ống dẫn tinh.

Phòng ngừa viêm mào tinh hoàn

Một số cách để giảm nguy cơ viêm mào tinh hoàn:

  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, quan hệ 1 bạn tình
  • Tránh nâng vật nặng hoặc hoạt động thể chất.
  • Giảm thiểu thời gian ngồi lâu.
  • Uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh.
  • Vệ sinh bao quy đầu và quy đầu.
  • Chủ động cắt bao quy đầu khi bị hẹp và bán hẹp.
  • Duy trì tần suất quan hệ tình dục tuần 2 lần.

Viêm mào tinh hoàn gây ra tình trạng đau đớn, khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Nếu được điều trị thích hợp, nhiễm trùng sẽ biến mất và các triệu chứng sẽ được cải thiện.

Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, anh em nên thăm khám với bác sĩ để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó anh em nên có thói quen sinh hoạt tình dục lành mạnh.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết