Bệnh viêm phúc mạc là một trong những tình trạng ngoại khoa cấp cứu hay gặp. Là bệnh lý có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người vì vậy cần có những hiểu biết đúng đắn về viêm phúc mạc để kịp thời đưa ra phương án xử trí nhanh chóng. Nếu để muộn, tình trạng viêm có thể lan rộng khắp cơ thể dẫn đến tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề.
Tổng quan về viêm phúc mạc
Phúc mạc (hay màng bụng) là phần màng thanh mạc mỏng che phủ tất cả mặt trong của thành bụng, mặt dưới cơ hoành, mặt trên hoành chậu và bao bọc tất cả các cơ quan trong ổ bụng, có chức năng chính là bao bọc và bảo vệ các cơ quan trong ổ bụng.
Khi ổ bụng bị các tác nhân gây nhiễm trùng xâm nhập như vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm,... có thể dẫn tới viêm phúc mạc.
Thường có hai loại viêm phúc mạc:
- Viêm phúc mạc nguyên phát: thường là do vi khuẩn xâm nhập bằng các đường khác nhau như đường máu, đường bạch huyết,... không có tổn thương cơ quan trong ổ bụng.
- Viêm phúc mạc thứ phát: do chấn thương, viêm loét, khối u xâm lấn dẫn đến thủng hoặc vỡ một cơ quan trong ổ bụng, từ đó vi khuẩn xâm nhập vào ổ bụng gây viêm phúc mạc.
Nguyên nhân gây viêm phúc mạc
Tác nhân chính gây viêm phúc mạc đó là do nhiễm trùng từ sự xâm nhập của vi khuẩn, nấm hay ký sinh trùng,... chia thành nguyên nhân tự phát và thứ phát.
Viêm phúc mạc nguyên phát
- Nguyên nhân chính là do vi khuẩn xâm nhập mà không có chấn thương ở ổ bụng, con đường lây truyền chủ yếu là đường máu, đường bạch huyết hoặc từ lòng ruột ra ngoài. Trong đó, hay gặp các chủng vi khuẩn gram âm như: Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Bacteroides,...
- Ngoài ra, ít gặp hơn một số vi khuẩn gram dương như Streptococcus pneumoniae. Không những vậy, các trường hợp xơ gan mất bù gây cổ trướng cũng dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc nguyên phát.
Viêm phúc mạc thứ phát
Nguyên nhân dẫn đến viêm phúc mạc thứ phát là do nhiễm trùng thứ phát sau chấn thương ổ bụng hoặc là biến chứng của một số bệnh lý ngoại khoa, có thể kể đến một số nguyên nhân như:
- Thủng các tạng trong ổ bụng, như: thủng ổ loét dạ dày - tá tràng, viêm túi mật hoại tử,...
- Viêm các cơ quan trong ổ bụng: viêm ruột thừa, viêm tụy hoại tử, viêm phần phụ,...
- Sau vỡ áp xe/ung thư cơ quan lân cận: áp xe gan vỡ, ung thư đại - trực tràng vỡ,...
- Biến chứng sau phẫu thuật.
- Chấn thương xuyên vào ổ bụng.
Triệu chứng điển hình của viêm phúc mạc
Bệnh nhân nhiễm trùng phúc mạc thường có các triệu chứng điển hình như sau:
- Triệu chứng đặc trưng nhất của viêm phúc mạc là đau bụng, thường gặp 90% các trường hợp và xuất hiện sớm nhất
- Sốt cao liên tục 39 - 40 độ C
- Đầy bụng, chướng bụng, khó tiêu, cảm giác khó chịu trong bụng
- Buồn nôn hoặc nôn nhiều
- Tiêu chảy hoặc bí trung đại tiện
- Người mệt mỏi, hốc hác, li bì hoặc có thể hôn mê
- Da xanh nhợt, vã mồ hôi
- Có thể khát nước, tiểu ít hoặc rất ít.
Các phương pháp chẩn đoán viêm phúc mạc
Để chẩn đoán chính xác viêm phúc mạc ngoài những triệu chứng điển hình của bệnh cần kết hợp một số phương pháp cận lâm sàng để chẩn đoán như sau:
- Xét nghiệm máu:
- Có tình trạng nhiễm khuẩn: số lượng bạch cầu tăng chủ yếu là bạch cầu đa nhân trung tính, chỉ số CRP, pro-calcitonin tăng cao
- Các chỉ số về chức năng gan, thận, hô hấp thay đổi, có rối loạn điện giải,...
- Về chẩn đoán hình ảnh:
- Chụp X-quang bụng không chuẩn bị thấy có một số dấu hiệu có giá trị như: liềm hơi trong thủng tạng rỗng, liệt ruột,...
- Siêu âm: ổ bụng có dịch, hơi hoặc có thể phát hiện được một số nguyên nhân gây viêm phúc mạc như: ổ áp xe gan vỡ, viêm ruột thừa vỡ,...
- Chụp cắt lớp vi tính: là phương pháp hiệu quả giúp xác định được nguyên nhân gây viêm phúc mạc thứ phát trong các trường hợp khó
- Ngoài ra còn kết hợp một số phương pháp khác như: chọc dò ổ bụng, chọc rửa ổ bụng hay nội soi ổ bụng để đưa ra chẩn đoán một cách chính xác.
Điều trị viêm phúc mạc
Nguyên nhân gây viêm phúc mạc chủ yếu là do nhiễm trùng gây nên bởi vi khuẩn. Đây là một trong những cấp cứu ngoại khoa thường gặp. Tình trạng bệnh nặng, diễn biến nhanh, vì vậy cần kết hợp cả nội khoa tích cực và phẫu thuật cấp cứu để điều trị hiệu quả viêm phúc mạc.
Một số phương pháp điều trị viêm phúc mạc như sau:
- Dùng thuốc kháng sinh: để chống nhiễm trùng và ngăn cản sự lây lan của vi khuẩn. Tùy vào mức độ bệnh và chủng vi khuẩn để lựa chọn kháng sinh phù hợp.
- Điều trị phẫu thuật: làm sạch ổ bụng và xử trí nguyên nhân (nếu có ổ áp xe cần dẫn lưu ổ áp xe, một số trường hợp cần cắt bỏ vị trí cơ quan bị nhiễm trùng nặng không phục hồi,...
- Ngoài ra có thể: dùng giảm đau trong trường hợp đã xác định được chẩn đoán, thở oxy hỗ trợ, truyền máu nếu thiếu máu mức độ nặng, hay điều chỉnh các rối loạn điện giải, toan kiềm ...
Bệnh viêm phúc mạc nguy hiểm như thế nào?
Viêm phúc mạc là tình trạng cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, cần phải can thiệp và xử trí kịp thời. Nếu để quá muộn, nhiễm khuẩn sẽ lan rộng và làm tổn thương toàn bộ cơ quan cơ thể và dẫn tới tử vong.
Các biến chứng của viêm phúc mạc cần chú ý như sau:
- Mất nước dẫn đến rối loạn điện giải
- Dính phúc mạc và dẫn tới tắc ruột
- Nhiễm khuẩn huyết
- Sốc nhiễm khuẩn
- Suy đa tạng
- Tử vong
Viêm phúc mạc luôn tiềm ẩn những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Cần có những hiểu biết đúng đắn về bệnh lý này để phòng tránh cũng như xử trí đúng cách.