Viêm tai giữa có mủ là một dạng tiến triển của viêm tai giữa, một căn bệnh khá quen thuộc ở trẻ nhỏ và là nguyên nhân gây ra các vấn đề về thính giác từ đó dẫn đến rối loạn phát triển ngôn ngữ ở trẻ. Bài viết dưới đây tập trung giải thích về mức độ nguy hiểm của viêm tai giữa có mủ có ảnh hưởng đến trẻ như thế nào.
Nguyên nhân gây viêm tai giữa có mủ
Mặc dù virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm tai giữa cấp nhưng vi khuẩn lại là tác nhân thường gặp ở trẻ bị viêm tai giữa mủ. Vi khuẩn thường được tìm thấy trong bệnh lý này là Streptococcus pneumoniae, Moraxella catarrhalis, Haemophilus influenzae trong trường hợp viêm tai giữa cấp mủ, còn trong viêm tai giữa mạn mủ thường gặp Pseudomonas aeruginosa, Staphylococcus aureus…
Ở vùng dịch tễ lao, vi khuẩn này cũng có thể gây ra tình trạng viêm tai giữa có mủ.
Bệnh thường phổ biến ở trẻ nhỏ, bởi hệ miễn dịch của trẻ còn yếu, chưa phát triển hoàn toàn. Cấu trúc tai của trẻ cũng chưa hoàn chỉnh nên cũng dễ viêm hơn người lớn. Ngoài ra, trẻ cũng hay mắc các bệnh lý về tai mũi họng như: viêm mũi, viêm VA,... cũng dễ biến chứng thành viêm tai giữa.
Viêm tai giữa có mủ có gây biến chứng không?
Viêm tai giữa có mủ được coi là giai đoạn viêm tiến triển của bệnh viêm tai giữa. Nếu vẫn tiếp tục không được điều trị triệt để, bệnh có thể gây ra các biến chứng khó điều trị hơn, hoặc không hồi phục hoàn toàn.
Ở trẻ em cấu tạo vòi nhĩ ngắn hơn, nằm ngang hơn và lỗ mở thường hở hơn so với người lớn, nên vi khuẩn và dịch ở mũi họng rất dễ lan lên tai giữa. Đặc biệt, hệ thống niêm mạc đường hô hấp (niêm mạc mũi họng, niêm mạc hòm tai, niêm mạc khí phế quản…) ở trẻ nhỏ rất nhạy cảm, rất dễ phản ứng với những kích thích bằng hiện tượng xuất tiết dịch, làm cho dịch ứ đọng nhiều trong hòm tai, gây viêm.
Điều nguy hiểm là viêm tai giữa có mủ ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương… ảnh hưởng đến khả năng nghe của trẻ. Mà ở độ tuổi này trẻ cần nghe nhiều nhằm phát triển khả năng nói, việc mắc viêm tai giữa có mủ ảnh hưởng đến việc sử dụng ngôn ngữ của trẻ sau này.
Nếu không được điều trị triệt để, bệnh có thể gây các biến chứng nội sọ hoặc trong xương đá rất nguy hiểm như: áp xe não, viêm tắc xoang tĩnh mạch bên, viêm màng não, liệt dây thần kinh số 7, viêm mê nhĩ…
Viêm tai giữa có mủ là tình trạng tai bị nhiễm trùng nguy hiểm cần được điều trị ngay và dứt điểm để tránh nguy cơ biến chứng viêm xương chũm và biến chứng nội sọ, nhất là đối với trẻ nhỏ. Vì vậy, khi thấy các dấu hiệu viêm tai như trên không được chủ quan, đặc biệt không nên chữa bệnh theo phương pháp dân gian chưa được kiểm chứng, tránh nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn.