Viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Viêm tai giữa dễ lan sang các cấu trúc xung quanh
Viêm tai giữa dễ lan sang các cấu trúc xung quanh

Viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 20/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 20/11/2023
Viêm giữa mạn tính ở trẻ em hoàn toàn có thể điều trị hiệu quả và phòng ngừa được. Cha mẹ cần theo dõi và đưa trẻ đến khám với bác sĩ chuyên khoa kịp thời.

Viêm tai giữa mạn tính là tình trạng viêm nhiễm mạn tính không chỉ trong khoang tai giữa mà còn lan đến sào bào, thượng nhĩ và xương chũm, thời gian chảy mủ tai kéo dài trên 3 tháng. 

Điều trị viêm tai giữa mạn tính cần kiên trì và theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Ba mẹ không nên chủ quan không chữa trị cho bé, hoặc tự mua thuốc theo kinh nghiệm truyền miệng. Vì tình trạng và sức khỏe của mỗi trẻ là khác nhau, cần có loại thuốc và phác đồ riêng. 

Nguyên nhân gây viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em

Viêm tai giữa mạn tính có thể do viêm tai giữa cấp tính không khỏi hoàn toàn hoặc viêm tai giữa tái phát. Viêm tai giữa cấp tính và ứ dịch là hai dạng viêm tai thường gặp ở trẻ em, đặc biệt đối với trẻ dưới 3 tuổi và có thể trở thành mạn tính.

Viêm tai giữa ứ dịch có thể xảy ra sau khi nhiễm trùng đã hết nhưng chất lỏng vẫn bị ứ lại trong tai giữa. Tình trạng này được gọi là viêm tai giữa thanh dịch.

Viêm tai giữa cấp tính cũng có thể dẫn đến viêm tai giữa mủ mạn tính, trong đó dịch tai không biến mất hoặc tiếp tục quay trở lại. Viêm tai giữa mủ mạn tính được coi là một biến chứng của viêm tai giữa.

Triệu chứng

Để được coi là viêm tai giữa mạn tính, các triệu chứng phải kéo dài ít nhất ba tháng.

Vấn đề với viêm tai giữa mạn tính là không phải lúc nào cũng có các triệu chứng giống như viêm tai cấp tính hoặc các triệu chứng nhẹ hơn nhiều. Vì điều này mà cha mẹ có thể nhầm lẫn và không nhận ra là viêm tai giữa mạn tính. Các triệu chứng của viêm tai giữa mạn tính có thể bao gồm:

  • Đau tai nhẹ hoặc khó chịu
  • Ù tai
  • Sốt dai dẳng hoặc sốt tái đi tái lại
  • Chảy mủ từ tai
  • Giảm/mất thính lực

Nếu trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh bị viêm tai giữa mạn tính, trẻ có thể sẽ có những dấu hiệu khó chịu sau:

  • Ăn bú kém
  • Chậm tương tác với âm thanh/tiếng động
  • Chậm nói
  • Thường xuyên xoa hoặc kéo tai...

Chẩn đoán viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em

Quá trình chẩn đoán thông thường bác sĩ sẽ kiểm tra lâm sàng. Bác sĩ sẽ nội soi tai để quan sát ống tai và màng nhĩ. Khi quan sát bác sĩ sẽ đánh giá các yếu tố:

  • Màng nhĩ sung huyết
  • Bong bóng khí
  • Tích tụ chất lỏng dày
  • Màng nhĩ dính vào xương tai giữa
  • Chất lỏng chảy ra từ tai giữa
  • Dấu hiệu thủng màng nhĩ
  • Màng nhĩ phồng lên hoặc màng nhĩ bị xẹp (khi màng nhĩ bị kéo vào trong)

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định cấy dịch mủ tai để tìm tác nhân gây viêm nhiễm mạn tính. Có thể cần phải chụp CT (chụp cắt lớp vi tính) để xem liệu nhiễm trùng có lan rộng hay không và các cấu trúc lân cận có bị tổn thương hay không. Trong trường hợp thính lực của trẻ suy giảm, bác sĩ có thể sử dụng các công cụ đo thính lực cho trẻ.

Điều trị viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em

Điều trị viêm tai giữa mạn tính phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Ví dụ, nếu nguyên nhân là do vi khuẩn, thuốc kháng sinh sẽ được kê đơn. Nếu nguyên nhân là do thủng màng nhĩ, có thể cần phải phẫu thuật.

Dùng thuốc

Thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị đầu tiên cho viêm tai giữa mạn tính do vi khuẩn gây ra, thuốc dạng viên hoặc nhỏ tai. Nếu nhiễm trùng do nấm, thuốc kháng nấm sẽ được kê đơn.

Phẫu thuật 

Nếu màng nhĩ hoặc xương nhỏ ở tai giữa bị tổn thương, có thể cần phải phẫu thuật. Phẫu thuật để vá lỗ thủng trong màng nhĩ được gọi là phẫu thuật tạo hình màng nhĩ.

Nếu nhiễm trùng đã lan đến xương chũm nằm phía sau tai, phẫu thuật cắt bỏ xương chũm có thể được thực hiện. Vì xương chũm chứa các túi khí nhỏ nên nhiễm trùng có thể lan vào các túi này và khiến xương bị gãy. Phẫu thuật cắt bỏ xương chũm sẽ loại bỏ phần bị nhiễm trùng khỏi những khoảng trống đó.

Nếu nhiễm trùng tai mạn tính do viêm amidan quá phát tái đi tái lại nhiều lần, có thể cần phải phẫu thuật cắt amidan.

Phẫu thuật đặt ống thông khí màng nhĩ là một phương pháp điều trị khác thường được áp dụng cho trẻ bị nhiễm trùng tai mạn tính.

Phòng bệnh viêm tai giữa mạn tính ở trẻ

Để phòng bệnh viêm tai giữa ở trẻ chuyển thành mạn tính, cha mẹ có thể thực hiện một số biện pháp sau:

  • Ngăn ngừa viêm tai giữa cấp tính biến thành viêm tai giữa mạn tính, phải tích cực điều trị viêm tai giữa cấp tính bằng cách chích rạch màng nhĩ khi có chỉ định, bảo đảm dẫn lưu tốt, cảnh giác đối với những màng nhĩ đóng kín quá sớm kèm theo giảm thính lực (viêm tai giữa màng nhĩ đóng kín của trẻ em).
  • Cần sử dụng kháng sinh đúng loại, đủ liều và đủ thời gian theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Phải giải quyết những ổ viêm như viêm mũi, viêm xoang, vẹo vách ngăn, quá phát cuốn mũi, VA, amidan…
  • Nhận diện sớm các biến chứng: Viêm tai giữa mạn tính có thể gây ra biến chứng trong khi chảy mủ hoặc khi không chảy mủ. Vì vậy trong khi điều trị bằng thuốc và sau khi tai đã khô phải luôn cảnh giác, nếu thấy bệnh nhân có nhức đầu chóng mặt, đau tai, điếc tăng đột ngột, sốt.
  • Thường xuyên rửa tay với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.. Hướng dẫn trẻ tự thực hiện quy trình rửa tay.

Như vậy viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em thông thường có xuất phát điểm từ viêm tai giữa cấp tính. Vì vậy điều quan trọng là cha mẹ cần lưu ý điều trị dứt điểm cho trẻ để tránh bệnh chuyển thành mạn tính.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết