Viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Viêm tai giữa cấp tính trẻ em
Viêm tai giữa cấp tính trẻ em - Ảnh: BookingCare

Viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 20/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 20/11/2023
Viêm tai giữa cấp tính là tình trạng viêm nhiễm trong khoang tai giữa. Viêm tai giữa ở trẻ em cần được điều trị sớm để tránh những biến chứng nghiêm trọng và giảm nguy cơ tái phát về sau.

Viêm tai giữa cấp là tình trạng nhiễm trùng ở tai giữa, thường xảy ra cùng với nhiễm trùng đường hô hấp trên. Mặc dù viêm tai giữa cấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường xảy ra ở lứa tuổi 3 tháng tuổi tới 3 tuổi. Ở lứa tuổi này, ống eustachian (ống nối giữa vòm họng và tai) có cấu trúc và chức năng chưa trưởng thành nên trẻ dễ mắc viêm tai giữa hơn.

Nguyên nhân gây viêm tai giữa cấp ở trẻ 

Nguyên nhân phổ biến của viêm tai giữa cấp là do vi khuẩn hoặc virus. Những vi khuẩn hoặc virus này làm sưng ống eustachian khiến không khí không thể lọt vào tai giữa. Một số loại vi khuẩn, virus gây bệnh hô hấp có thể gây ra viêm tai: phế cầu, liên cầu khuẩn, cúm, á cúm, rhinovirus, adenovirus...

Bên cạnh đó, một số yếu tố gây dị ứng cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm tai giữa như phấn hoa, bụi, lông động vật hoặc thức ăn có thể gây ra tác dụng tương tự.

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khiến trẻ mắc viêm tai giữa cấp:

  • Trẻ nam có nguy cơ mắc viêm tai giữa cao hơn trẻ nữ.
  • Tiền sử gia đình bị nhiễm trùng tai
  • Cho trẻ bú bình
  • Đi nhà trẻ
  • Sống trong môi trường có khói thuốc lá
  • Trẻ có vấn đề về vòm miệng, như hở hàm ếch
  • Trẻ có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc bệnh hô hấp mãn tính

Triệu chứng viêm tai giữa cấp ở trẻ

Trẻ bị viêm tai giữa thường có biểu hiện đặc trưng:

  • Đau tai
  • Chảy mủ tai
  • Giảm sức nghe
  • Trẻ hay quấy khóc, đưa tay dụi hoặc cấu tai
  • Chán ăn, nôn hoặc tiêu chảy
  • Cảm giác chóng mặt và mất thăng bằng
  • Có thể sốt cao
  • Khi ấn vào vùng tai hoặc kéo vành tai bệnh nhi đau nhói
  • Ở trẻ lớn còn kêu đau đầu, nghe kém...

Khi soi sẽ thấy màng nhĩ đỏ, không di động hoặc căng phồng... Nhưng chảy mủ và đau tai là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán viêm tai giữa. Khi có những triệu chứng trên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám Tai Mũi Họng để điều trị sớm. Để lâu ngày, rất có khả năng trở thành viêm tai giữa mạn tính về sau. 

Điều trị viêm tai giữa cấp trẻ em

Thuốc giảm đau được kê đơn khi cần thiết bao gồm cả trẻ sơ sinh khi trẻ có các biểu hiện đau tai (kéo tai, chà xát tai, khóc quá nhiều). Có thể sử dụng dạng uống hoặc dạng nhỏ trực tiếp. Tuy nhiên, khi thủng màng nhĩ thì không nên sử dụng các thuốc giảm đau dạng nhỏ tai.

Thuốc kháng sinh được sử dụng khi trẻ có dấu hiệu nhiễm trùng nặng hơn hoặc kèm theo các nhiễm trùng khác ngoài viêm tai, hoặc những trẻ bị viêm tai cấp tính tái phát (từ 4 đợt trong vòng 6 tháng).

Chích rạch màng nhĩ là thủ thuật hiếm khi được chỉ định. Thủ thuật này được thực hiện cho trường hợp màng nhĩ phồng, đặc biệt nếu đau dữ dội hoặc liên tục, sốt, nôn hoặc xuất hiện tiêu chảy.

Việc điều trị viêm tai giữa cho trẻ cần có sự thăm khám của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ vì có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, tác dụng phụ không mong muốn.

Cách phòng ngừa viêm tai giữa cấp ở trẻ em

Dưới đây là một số biện pháp giúp phòng ngừa viêm tai giữa cấp ở trẻ. Dù không thể tránh khỏi hoàn toàn nhưng những biện pháp này có thể giúp phần nào giảm nguy cơ mắc viêm tai ở trẻ.

  • Nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong năm đầu tiên có thể giúp giảm nhiễm trùng tai trong 5 năm đầu tiên của trẻ.
  • Tránh khói thuốc lá: Không để trẻ hít phải khói thuốc lá.
  • Tiêm chủng: Đảm bảo trẻ được tiêm chủng đầy đủ, bao gồm cả mũi tiêm phòng cúm hàng năm cho trẻ từ sáu tháng tuổi trở lên.
  • Cho bé bú bình theo góc thẳng đứng: Nếu cho bé bú bình, hãy cho bé bú ở tư thế ngẩng đầu cao hơn bụng để tránh các chất lỏng chảy vào ống eustachian của bé.
  • Thực hành vệ sinh tốt: Rửa tay của chính bạn và con bạn thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.
  • Tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng bệnh hô hấp: Giữ con bạn tránh xa những người bị bệnh. Điều này không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được nếu trẻ ở trong môi trường nhà trẻ.
  • Theo dõi thở bằng miệng/ngáy: Ngáy thường xuyên hoặc thở bằng miệng có thể là dấu hiệu của u vòm họng to, có thể góp phần gây tăng nguy cơ viêm tai.
  • Cân nhắc nạo V.A. và cắt amidan ở những em bé hay bị viêm tai tái phát.

Viêm tai giữa cấp phổ biến ở trẻ nhỏ, cha mẹ có thể theo dõi và thực hiện các biện pháp phòng ngừa trên đây để giảm nguy cơ nhiễm trùng tai cho trẻ.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
ĐẶT KHÁM