Viêm tụy cấp có chữa khỏi được không? 
Viêm tụy cấp có chữa khỏi được không? 
Viêm tụy cấp là bệnh lý cấp cứu nội khoa nghiêm trọng
Viêm tụy cấp là bệnh lý cấp cứu nội khoa nghiêm trọng - Ảnh BookingCare

Viêm tụy cấp có chữa khỏi được không? 

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 19/04/2024 | Cập nhật lần cuối: 20/04/2024
Viêm tụy cấp là bệnh lý vô cùng nguy hiểm vì có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. Trường hợp khác, nếu viêm tụy cấp không được điều trị dứt điểm có thể tái phát nhiều lần và diễn tiến thành viêm tụy mạn. 

Giảm đau và bù dịch là hai nguyên tắc quan trọng nhất trong điều trị viêm tủy cấp. Điều trị nguyên nhân như giảm mỡ máu (triglyceride), can thiệp sỏi mật, chấn thương,… được thực hiện sau khi bệnh nhân ổn định.  Điều trị kháng sinh nếu có bằng chứng nhiễm trùng. 

Phương pháp điều trị viêm tụy cấp tính

Viêm tụy cấp là bệnh lý cấp cứu đường tiêu hóa thường gặp và cần phải điều trị triệt để nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm. Nguyên tắc chung để điều trị viêm tụy cấp bao gồm: 

  • Điều trị nội - ngoại khoa kết hợp gồm có điều trị hồi sức nội khoa và theo dõi sát diễn tiến của viêm tụy cấp để chỉ định can thiệp ngoại khoa vào thời điểm thích hợp nhất.
  • Để tuyến tụy nghỉ, tránh kích thích tụy bài tiết bằng thuốc và bằng phương pháp nuôi ăn.
  • Điều trị nâng đỡ hỗ trợ toàn thân.
  • Điều trị các biến chứng.

Điều trị nội khoa 

Phương pháp điều trị viêm tụy cấp nhằm giảm đau, giảm tiết dịch tuỵ, phòng và chống sốc, nuôi ăn, sử dụng kháng sinh khi có bội nhiễm và các biện pháp điều trị hỗ trợ khác.

  • Giảm đau: Có thể sử dụng các thuốc giảm đau, giảm co thắt tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch (Buscopan). Thuốc chống đau: Dolargan, Meperidine (tiêm bắp). 
  • Giảm tiết dịch tuỵ: Hút dịch dạ dày liên tục (đặt sonde mũi-dạ dày). Thuốc chống tiết dịch vị như ức chế thụ thể H2 (Anti H2), ức chế bơm proton (PPI) tiêm tĩnh mạch có tác dụng gián tiếp giảm tiết tuyến tụy. Somatostatin, Octreotide 100mcg x 3 ngày.
  • Điều trị các biến chứng khác: 
    • Suy hô hấp: Hỗ trợ hô hấp.
    • Suy thận: Lọc máu.
    • Rối loạn đông máu: Dùng Heparin.
    • Nhiễm trùng: Dùng kháng sinh phổ rộng, kết hợp diệt khuẩn Gram (-), Gram (+) và khuẩn kỵ khí: CG3 + Metronidazole.
    • Thẩm phân phúc mạc (48-96 giờ) trong ca VTC nặng giúp thải loại các độc chất nhanh hơn và có thể làm giảm nguy cơ tử vong.
  • Phòng và điều trị sốc: 
    • Truyền dịch lượng nhiều (4-6 lít/ngày) trong những ngày đầu.
    • Điều chỉnh các rối loạn nước điện giải, thăng bằng kiềm toan, chú ý điều chỉnh ion Calcium, Magnesium.
  • Chỉ định kháng sinh trong trường hợp viêm tụy cấp nặng:  
    • Mới xuất hiện nhiễm trùng huyết hay hội chứng đáp ứng viêm toàn thân.
    • Mới xuất hiện suy chức năng từ hai cơ quan trở lên.
    • Có bằng chứng nhiễm trùng tại tuyến tụy hay ngoài tuyến tụy.
    • Tăng CRP, PCT kết hợp với nhiễm trùng tại tuyến tụy hay ngoài tuyến tụy.

Điều trị ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ nhu mô tụy khi: 

  • Có biến chứng ngoại khoa như xuất huyết, viêm phúc mạc, áp xe tuỵ, ổ tụ dịch hoại tử.
  • Có bệnh đường mật kết hợp chỉ định can thiệp ngoại khoa để giải tỏa, dẫn lưu đường mật. Ngày nay kỹ thuật lấy sỏi qua nội soi (ERCP) có thể làm giảm đáng kể chỉ định này.
  • Điều trị nội khoa thất bại: khi đã điều trị nội khoa tích cực mà không cải thiện được tình trạng bệnh. 

Viêm tụy cấp là bệnh lý cấp cứu nội khoa nghiêm trọng với nhiều biến chứng có thể xảy ra. Do đó, người bệnh cần phải đến bệnh viện kịp thời, tránh bệnh diễn tiến nặng. Mặc khác, viêm tuỵ cấp rất dễ tái phát, nhất là người có thói quen uống rượu bia hoặc có bệnh nền như sỏi mật, mỡ máu, đái tháo đường. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết