Vô kinh thứ phát: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa
Vô kinh thứ phát: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa
Vô kinh thứ phát: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa - Ảnh: BookingCare

Vô kinh thứ phát: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa

Tác giả: - Xuất bản: 27/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 06/11/2023
Vô kinh thứ phát là tình trạng xảy ra ở phụ nữ đã có kinh nguyệt. Vô kinh thứ phát ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ, đi kèm với các triệu chứng khác. Trong bài viết dưới đây BookingCare sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về bệnh này.

Hiện tượng vô kinh thứ phát phổ biến ở nữ giới dưới 25 tuổi và trong độ tuổi dậy thì. Bệnh cũng thường gặp ở các phụ nữ có nghề nghiệp đòi hỏi hoạt động thể lực mạnh và quá sức như diễn viên múa, vận động viên...

Vô kinh thứ phát là gì?

Vô kinh thứ phát là không có kinh nguyệt trong 3 tháng ở bệnh nhân có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hoặc ≥ 6 tháng ở bệnh nhân trước đó có kinh nguyệt không đều.

Vô kinh thứ phát thường gặp hơn vô kinh nguyên phát. Theo số liệu thống kê ở Mỹ, tần suất vô kinh nguyên phát chiếm khoảng 1% và vô kinh thứ phát là 4% (đã loại trừ các trường hợp vô kinh thứ phát do mang thai) ở phụ nữ độ tuổi sinh sản.

Nguyên nhân gây ra vô kinh thứ phát

Các nguyên nhân gây ra vô kinh thứ phát:

  • Vô kinh do sinh lý như: đang có thai, đang nuôi con bú bằng sữa mẹ hoàn toàn, thời kỳ mãn kinh.
  • Vô kinh do sử dụng thuốc hoặc phương pháp tránh thai như: tiêm thuốc tránh thai, cấy que tránh thai dưới da, đặt vòng tránh thai …
  • Do tác dụng phụ khi dùng thuốc như : thuốc điều trị trầm cảm, thuốc huyết áp, thuốc dị ứng, trong hóa trị ung thư,…
  • Do yếu tố lối sống như:
    • BMI (chỉ số khối cơ thể thấp: BMI quá thấp (khoảng 10% so với trọng lượng bình thường) sẽ ảnh hưởng nhiều chức năng nội tiết tố trong cơ thể, có thể ngăn cản quá trình rụng trứng. Những phụ nữ mắc chứng bệnh rối loạn ăn uống, như không thèm ăn hoặc ăn không kiểm soát, thường bị mất kinh do những thay đổi nội tiết tố do những bất thường này).
    • Tập thể dục quá sức: những vận động viên hoặc phụ nữ đòi hỏi luyện tập thể lực căng thẳng, tiêu hao nhiều năng lực, nghiêm ngặt.
    • Căng thẳng (stress): Tinh thần căng thẳng kéo dài có thể tạm thời làm rối loạn hoạt động của vùng dưới đồi. Do đó, hiện tượng rụng trứng và có kinh nguyệt có thể bị dừng đột ngột. 
  • Mất cân bằng hormone nội tiết:
    • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): PCOS làm cho mức độ hormone như: LH, Androgen luôn ở mức cao và hằng định, thay vì mức độ dao động trong chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ bình thường.
    • Bệnh lý tuyến giáp: Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) hoặc tuyến giáp bị suy giảm chức năng (suy giáp) có thể gây ra kinh nguyệt không đều, bao gồm cả vô kinh.
    • U tuyến yên: Khối u trong tuyến yên có thể cản trở việc điều hòa nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt.
    • Thời kỳ mãn kinh sớm: Thời kỳ mãn kinh thường gặp ở người phụ nữ bắt đầu bước vào tuổi 50. Tuy nhiên, đối với một số người, nguồn dự trữ trứng của buồng trứng giảm trước 40 tuổi và kinh nguyệt bị ngừng lại.
  • Các vấn đề về cấu trúc cơ quan sinh dục:
    • Dính buồng tử cung: Hội chứng Asherman (hay dính buồng tử cung) là tình trạng trong đó mô sẹo tích tụ trong niêm mạc tử cung, thường xảy ra sau khi nạo hút buồng tử cung, mổ lấy thai hoặc điều trị bóc u xơ tử cung. Sẹo dính ở tử cung ngăn cản sự dày lên và bong ra của lớp nội mạc tử cung.

Ngoài ra, một số yếu tố sau thể làm tăng nguy cơ vô kinh như:

  • Tiền sử gia đình: Nếu mẹ hoặc chị gái bị vô kinh, bạn cũng có thể bị vô kinh.
  • Rối loạn ăn uống: Chán ăn hoặc ăn không kiểm soát, cũng có nguy cơ cao bị vô kinh.
  • Hoạt động thể chất: Tập luyện, vận động thể thao khắc nghiệt có thể làm tăng nguy cơ bị vô kinh.
  • Tiền sử của một số thủ thuật phụ khoa: nạo, hút buồng tử cung, khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP),.. nguy cơ vô kinh cao.

Dấu hiệu vô kinh thứ phát

Trong vô kinh thứ phát, dấu hiệu chính là đang có kinh nguyệt bỗng mất kinh, không thấy kinh nguyệt xuất hiện. Thời gian được xác nhận là vô kinh thứ phát ở người có kinh nguyệt đều là 3 tháng, ở người có kinh nguyệt không đều là 6 tháng.

Dấu hiệu chính của vô kinh thứ phát là mất kinh đột ngột từ 3 - 6 tháng. - Ảnh: Canva

Những dấu hiệu đi kèm là:

  • Đau vùng xương chậu
  • Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi
  • Rụng tóc, da khô
  • Thị lực giảm
  • Tăng cân mất kiểm soát
  • Nổi mụn, nóng trong người, táo bón
  • Lông mặt mọc nhiều bất thường

Ngoài ra, các dấu hiệu lâm sàng đôi khi gợi ý một cơ chế:

  • Tiết sữa bất thường cho thấy có tăng prolactin trong máu (ví dụ, rối loạn chức năng tuyến yên, sử dụng một số loại thuốc); nếu có các dấu hiệu kèm theo của thị giác và đau đầu thì cần nghi ngờ u tuyến yên.
  • Các triệu chứng và dấu hiệu của sự thiếu hụt estrogen (ví dụ: bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, khô âm đạo hoặc teo âm đạo) gợi ý suy buồng trứng nguyên phát (suy buồng trứng sớm) hoặc vô kinh cơ năng do vùng dưới đồi (ví dụ: do tập thể dục quá mức, trọng lượng cơ thể thấp hoặc cơ thể ít mỡ).
  • Sự nam hóa và phì đại âm vật cho thấy sự thừa nội tiết tố nam (ví dụ, hội chứng buồng trứng đa nang, khối u giải phóng nội tiết tố nam, hội chứng Cushing, sử dụng một số thuốc nhất định). Ở bệnh nhân có BMI cao, dấu hiệu gai đen, hoặc cả hai có thể gợi ý hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).

Điều trị vô kinh thứ phát

Điều trị theo hướng trực tiếp vào rối loạn căn nguyên. Nếu vô kinh thứ phát do những thay đổi sinh lí hay rối loạn nội tiết tạm thời thì có thể chờ đợi cơ thể hồi phục.

Nếu do các bệnh lí nội tiết hoặc tác dụng phụ của thuốc cần được điều trị bệnh lí nội tiết nguồn gốc và ngưng hoặc điều chỉnh loại thuốc gây vô kinh tương ứng. Các bất thường liên quan đến cấu trúc như tắc nghẽn đường ra, dính buồng tử cung… cần được can thiệp phẫu thuật để phục hồi chu kì kinh nguyệt. 

Các vấn đề phổ biến liên quan đến vô kinh cũng có thể cần điều trị, bao gồm:

  • Đối với vô sinh nếu muốn mang thai, gây rụng trứng.
  • Điều trị các triệu chứng và tác động lâu dài của thiếu hụt estrogen ví dụ, loãng xương, rối loạn tim mạch, teo âm đạo.
  • Điều trị triệu chứng và quản lý hiệu quả lâu dài của estrogen quá mức (ví dụ, chảy máu kéo dài, căng đau vú nguy cơ tăng sản nội mạc tử cung và ung thư).
  • Điều trị tình trạng rậm lông và các ảnh hưởng lâu dài của thừa nội tiết tố nam (ví dụ rối loạn tim mạch, cao huyết áp).

Chăm sóc và phòng ngừa vô kinh thứ phát

Vô kinh ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người bệnh, có thể dẫn đến vô sinh. Do đó, để ngăn chặn tình trạng vô kinh thứ phát mọi người cần lưu ý: 

  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: không được bỏ bữa sáng, chế độ ăn có chứa đầy đủ thành phần chất xơ, tinh bột, đạm, chất béo. Chọn các thực phẩm dễ tiêu, ăn nhiều trái cây và hoa quả, hạn chế dùng những thức ăn chứa chất béo không lành mạnh.
  • Uống nhiều nước và hạn chế dùng rượu, đồ uống có gas hay hút thuốc lá.
  • Cần có chế độ nghỉ ngơi phù hợp: ngủ đúng giờ, đủ giấc; tập yoga; thư giãn; tránh những cảm xúc mạnh.
  • Ngoài ra, phụ nữ cần đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời đặc biệt là khám phụ khoa.

Để ngăn ngừa bệnh vô kinh thứ phát, chị em phụ nữ cần lưu ý duy trì một lối sống lành mạnh, khoa học. Nếu phát hiện bản thân mắc bệnh cần đến cơ sở y tế có chuyên môn gần nhất để được chữa trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết