Vô tinh: Các phương pháp để chẩn đoán không có tinh trùng ở nam giới?
Các phương pháp chẩn đoán không có tinh trùng ở nam giới
Vô tinh: Các phương pháp để chẩn đoán không có tinh trùng ở nam giới - Ảnh: BookingCare

Vô tinh: Các phương pháp để chẩn đoán không có tinh trùng ở nam giới?

Tác giả: - Xuất bản: 16/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 15/01/2024
Tình trạng vô tinh ở nam giới rất khó phát hiện qua các triệu chứng bên ngoài. Một số phương pháp để chẩn đoán không có tinh trùng như: xét nghiệm máu đo nồng độ testosterone, phân tích tinh dịch đồ,....

Hiện tượng vô tinh là không có tinh trùng trong tinh dịch của nam giới, đây là một trong những nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn phổ biến ở các cặp vợ chồng. Các triệu chứng bên ngoài rất khó để phát hiện vô tinh. Bởi vậy, để đánh giá chính xác nhất tình trạng không có tinh trùng ở nam giới, bác sĩ sẽ đề xuất một số xét nghiệm như: tinh dịch đồ,  xét nghiệm các nội tiết tố sinh dục như testosterone, xét nghiệm di truyền,.....

Phương pháp chẩn đoán không có tinh trùng

Trước khi đề xuất các xét nghiệm đánh giá tình trạng tinh trùng, bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bệnh lý, tình trạng sức khỏe để đánh giá một số yếu tố nguy cơ của nam giới, kết hợp thăm khám lâm sàng. Sau đó, người bệnh sẽ được tiến hành làm một số các xét nghiệm sau: 

Xét nghiệm tinh dịch đồ

Xét nghiệm tinh dịch đồ là phương pháp xét nghiệm đầu tay để đánh giá được sức khỏe sinh sản của phái nam, giúp khảo sát quá trình sinh tinh của nam giới có diễn ra bình thường không. 

Mẫu tinh dịch của người nam sẽ được soi dưới kính hiển vi và thực hiện một số xét nghiệm trong phòng thí nghiệm nhằm đánh giá các yếu tố sau:

  • Độ pH: Đánh giá tinh dịch có tính axit hay kiềm, điều này có thể gây ảnh hưởng sức khỏe tinh trùng.
  • Lượng tinh dịch trong mẫu (milimet)
  • Số lượng tinh trùng mỗi milimet tinh dịch.
  • Hình thái: Kích thước, hình dạng tinh trùng.
  • Khả năng di chuyển, vận động của tinh trùng.
  • Thời gian tinh dịch từ chất dính sang chất lỏng.
  • Phần trăm tinh trùng sống trong mẫu tinh dịch.
  • Tinh dịch có tế bào bạch cầu không (thể hiện viêm hoặc nhiễm trùng).

Trước khi lấy mẫu tinh dịch, người nam giới cần chú ý: 

  • Kiêng xuất tinh trong thời gian 2-7 ngày
  • Không dùng những chất kích thích, đồ uống có cồn
  • Không sử dụng các loại thuốc có thành phần nội tiết tố
  • Tình trạng sốt cao hoặc viêm nhiễm không nên lấy tinh dịch. 
  • Duy trì tâm lý thoải mái và nên lấy tinh dịch vào sáng sớm. 

Các yếu tố trên đảm bảo chất lượng tinh dịch và số lượng tinh trùng ở mức tốt nhất.

Nam giới được chẩn đoán xác định không có tinh trùng khi kết quả phân tích tinh dịch đồ sau hai lần xét nghiệm tinh dịch riêng biệt đều không thấy tinh trùng trong tinh dịch ở cùng 1 trung tâm.

Một số xét nghiệm khác

Ngoài xét nghiệm tinh dịch đồ, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số các xét nghiệm khác để kiểm tra kỹ hơn hoặc tìm nguyên nhân gây vô tinh

  • Siêu âm tinh hoàn, có thể MRI ổ bụng trường hợp tinh hoàn lạc chỗ, MRI tuyến yên với trường hợp nghi ngờ suy tuyến yên hoặc hóc môn prolactin tăng cao.
  • Xét nghiệm các hormone nội tiết sinh dục: Xét nghiệm máu đo nồng độ testosterone và FSH, LH). Xét nghiệm nội tiết giúp đánh giá chức năng sinh sản, xem xét người bệnh có thiếu hormone sinh dục không để có hướng điều trị.
  • Xét nghiệm di truyền: Xét nghiệm về bộ NST và gen AZF để phát hiện các bất thường về di truyền gây nên tình trạng hiếm muộn: Hội chứng Klinefelter 47XXY, đột biến gen CFTR liên quan đến không có ống dẫn tinh bẩm sinh hai bên, hội chứng Kallmann,....Kiểm tra ADN tinh trùng, tỷ lệ đứt gãy cao trên 30% làm giảm khả năng thụ tinh, giảm chất lượng phôi thai.
  • Xét nghiệm nước tiểu sau xuất tinh: Xét nghiệm này kiểm tra xem có hiện tượng xuất tinh ngược dòng hay không.

Trên đây là các phương pháp chẩn đoán không có tinh trùng. Nam giới cần đi kiểm tra sức khỏe sinh sản để phát hiện tình trạng vô tinh hoặc những bệnh lý gây nên vô sinh hiếm muộn ở phái nam, từ đó có phương pháp điều trị vô tinh phù hợp.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết