Vô tinh ở nam giới: triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị
Vô tinh ở nam giới: triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị
Tìm hiểu vô tinh ở nam giới
Vô tinh ở nam giới: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị. - Ảnh: BookingCare

Vô tinh ở nam giới: triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 16/01/2024 | Cập nhật lần cuối: 15/01/2024
Vô tinh là tình trạng không có tinh trùng khi xuất tinh. Nguyên nhân vô tinh có thể do tắc nghẽn, do nội tiết,... Tùy thuộc vào các loại nguyên nhân mà vô tinh có thể điều trị được hay không.

Trong bối cảnh hiện nay, tình  trạng vô sinh hiếm muộn ở các cặp vợ chồng đang rất phổ biến, một trong các nguyên nhân chính đó là vô tinh. Đây cũng là nguyên nhân nghiêm trọng nhất dẫn đến vô sinh. Cùng BookingCare tìm hiểu bài viết dưới đây để nắm bắt rõ hơn các thông tin về vô tinh.

Vô tinh là gì? 

Vô tinh là tình trạng không có tinh trùng trong lần xuất tinh của một người. Được đánh giá 2 lần tại cùng 1 trung tâm xét nghiệm theo tiêu chuẩn của tổ chức y tế thế giới.Vô tinh có thể được chia làm nhiều loại dựa vào nguyên nhân sự có tắc nghẽn ống dẫn tinh hay không mà còn được phân loại thành vô tinh do tắc nghẽn và vô tinh không do tắc nghẽn hay theo như: vô tinh trước tinh hoàn,tại tinh hoàn và sau tinh hoàn.

  • Vô tinh trước tinh hoàn: trong trường hợp này tinh hoàn và đường sinh sản đều bình thường nhưng không được kích thích đủ bởi hormon để tạo ra tinh trùng. Đây cũng là dạng bệnh vô tinh không do tắc nghẽn.
  • Vô tinh tại tinh hoàn: loại vô tinh này do sản xuất tinh trùng kém hoặc không có tinh trùng do rối loạn cấu trúc/ chức năng tinh hoàn. Đây cũng là dạng vô tinh không do tắc nghẽn.
  • Vô tinh sau tinh hoàn: vô tinh sau tinh hoàn do có sự tắc nghẽn đường sinh sản. Tinh trùng được sản xuất nhưng không thoát được ra ngoài do bị chặn lại. Đây là dạng phổ biến nhất trong tất cả các dạng vô  tinh.

Triệu chứng của vô tinh 

Tình trạng vô tinh thường không có bất kỳ triệu chứng cụ thể nào đến khi bắt đầu cố gắng sinh con với người vợ của mình. Tuy nhiên ở một số người có thể xuất hiện một vài triệu chứng liên quan như:

  • Giảm ham muốn tình dục
  • Rối loạn cương dương
  • Có khối u xung quanh tinh hoàn 
  • Dương vật nhỏ hơn bình thường
  • Dậy thì muộn hoặc bất thường ở tuổi dậy thì so với đồng trang lứa.
Triệu chứng giảm ham muốn tình dục ở nam giới vô tinh. - Ảnh: Freepik
Triệu chứng giảm ham muốn tình dục ở nam giới vô tinh. - Ảnh: Freepik

Nguyên nhân gây vô tinh

Nguyên nhân gây ra tình trạng vô tinh có thể do tắc nghẽn hoặc do các nguyên về nội tiết di truyền.

Vô tinh sau tinh hoàn ( vô sinh do tắc nghẽn)

Mào tinh, ống dẫn tinh và ống phóng tinh là những nơi xảy ra sự tắc nghẽn phổ biến nhất. Bản chất của sự tắc nghẽn này tạo thành vật cản và không cho tinh trùng qua. Một số nguyên nhân vô tinh sau tinh hoàn như:

  • Chấn thương tinh hoàn
  • Không có ống dẫn tinh 2 bên bẩm sinh: nguyên nhân xảy ra chủ yếu do đột biến gen điều hòa màng xơ nang và sự biệt hóa ống trung thận bị khiếm khuyết.
  • Tắc nghẽn mạch máu: các trường hợp này thường thấy sau khi phẫu thuật điều trị thoát vị ống bẹn. Biểu hiện bằng việc kích thước tinh hoàn khi khám vẫn bình thường nhưng mào tinh có cảm giác cứng.
  • Xuất tinh ngược dòng
  • Tắc nghẽn ống xuất tinh: tăng nghẽn ống xuất tinh có thể xảy ra ở 1 hoặc 2 bên do nhiễm khuẩn ngược dòng hoặc do thắt ống dẫn tinh

Vô tinh trước tinh hoàn và tinh hoàn (vô tinh không tắc nghẽn)

Các nguyên nhân không do tắc nghẽn có thể do rối loạn nội tiết tố hoặc do di truyền. Một số nguyên nhân cụ thể như:

  • Rối loạn nội tiết tố: testosterone thấp, tăng prolactin máu và androgen, giải phóng gonadotrophin gây vô tinh.
  • Bệnh lý di truyền: bất thường số lượng nhiễm sắc thể (Hội chứng Down, Hội chứng Klinefelter…) hoặc bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể (Hội chứng Kallmann, Mất đoạn AZF trên nhiễm sắc thể Y)
  • Điều trị bằng bức xạ, hóa trị hoặc tiếp xúc với các loại kim loại nặng hoặc chất độc.
  • Viêm tinh hoàn quai bị: nó có thể dẫn đến teo tinh hoàn hai bên và có thể dẫn đến vô sinh 13%.
  • Liệu pháp bổ sung tinh hoàn và sử dụng steroid đồng hóa.
  • Không có tinh hoàn hoặc tinh hoàn lạc chỗ.

Chẩn đoán vô tinh

Chẩn đoán không có tinh trùng khó có thể phát hiện thông qua các triệu chứng biểu hiện bên ngoài. Vậy nên để chẩn đoán vô tinh chủ yếu dựa vào các xét nghiệm tinh dịch đồ. 

Phân tích xét nghiệm tinh dịch đồ

Xét nghiệm tinh dịch đồ trong 2 lần riêng biệt với 3 ngày kiêng quan hệ tình dục trước khi lấy mẫu và kết quả 2 lần cho thấy không có tinh trùng trong tinh dịch được chẩn đoán vô tinh.

Đánh giá nội tiết tố

Khi kích thước và tính chất tinh hoàn bình thường khi thăm khám thực thể, việc đánh giá nội tiết chi tiết là cần thiết để đưa ra các chẩn đoán cụ thể và phác đồ điều trị.

Xét nghiệm định lượng nồng độ testosterone (toàn phần và tự do), FSH - hormone , hormmone LH, prolactin và estradiol.

Chẩn đoán hình ảnh - Siêu âm bìu

Siêu âm bìu trong đánh giá vô sinh được sử dụng thường xuyên và ngày càng pháp triển hơn. Nó cho phép đo kích thước tinh hoàn chính xác và xác định các tình trạng u nang, giãn tĩnh mạch tinh,  hay các tổn thương mà các phương pháp khó có thể phát hiện được.

Xét nghiệm di truyền

Xét nghiệm tìm kiếm những bất thường về di truyền : hội chứng Klinefelter, hội chứng Down, hội chứng Kallmann,...

Điều trị vô tinh

Tùy vào nguyên nhân gây ra vô tinh mà có thể có các cách điều trị khác nhau. Bên cạnh đó cũng có một số nguyên nhân không có phương pháp chữa trị.

Một số phương pháp điều trị vô tinh như:

  • Phẫu thuật: Phẫu thuật thông các ống dẫn hoặc tái tạo lại các ống không cho tinh trùng đi qua trong trường hợp tắc nghẽn.
  • Phương pháp điều trị bằng hormone: trong trường hợp vô tinh do rối loạn nội tiết tố. Các thuốc nội tiết có thể sử dụng như: LH, FSH, Gonadotropin, letrozole,...
  • Các phương pháp lấy tinh trùng trực tiếp giúp mang thai bằng công nghệ hỗ trợ sinh sản như IVF - thụ tinh trong ống nghiệm và ICSI- tiêm tinh trùng vào bào tương trứng. Các phương pháp lấy tinh trùng: 
    • PESA: Chọc hút lấy tinh trùng từ mào tinh qua da.
    • MESA: Vi phẫu lấy tinh trùng từ mào tinh.
    • Micro-TESE: Vi phẫu lấy tinh trùng từ tinh hoàn.

Trong trường hợp nguyên nhân vô tinh do di truyền có thể đề nghị tư vấn di truyền trước khi thực hiện các  biện pháp hỗ trợ để tránh những ca phẫu thuật không cần thiết. Một số trường hợp do di truyền có thể như:

  • Thiếu ống dẫn tinh hoặc túi tinh gợi ý đột biến gen xơ nang. Kiểm tra CFTR.
  • Tinh hoàn nhỏ và cứng hai bên là gợi ý của hội chứng Klinefelter. Thực hiện một kiểu nhân.
  • Kích thước tinh hoàn nhỏ hoặc bình thường và nồng độ FSH tăng cao gợi ý vô tinh không tắc nghẽn là do rối loạn nguyên phát ở tinh hoàn về sinh tinh như ngừng trưởng thành, hội chứng chỉ có tế bào Sertoli, mất đoạn nhiễm sắc thể Y hoặc tương tự. Xem xét xét nghiệm di truyền và sinh thiết tinh hoàn.

Tùy thuộc vào loại vô tinh mắc phải có điều trị được không mà tiên lượng vô sinh có con được hay không.

Biến chứng vô tinh

Các biến chứng của vô tinh và/hoặc điều trị phẫu thuật liên quan gồm: 

  • Hình thành các khối máu tụ do các thủ thuật, phẫu thuật.
  • Nhiễm trùng
  • Xơ hóa nhu mô tinh hoàn
  • Teo tinh hoàn 

Ngoài ra , vô tinh có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng tinh thần, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của những người liên quan, thậm chí làm căng thẳng mối quan hệ vợ chồng. Việc thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản có thể đem lại hy vọng thụ thai nhưng kéo theo đó là thêm gánh nặng tài chính cho gia đình.

Chăm sóc vô tinh tại nhà như thế nào?

Để nâng cao cơ hội xóa bỏ tình trạng vô tinh và thụ thai thành công, có thể duy trì áp dụng những gợi ý như:

  • Duy trì sử dụng thuốc đúng liều lượng, thời gian và hình thức sử dụng theo chỉ định của bác sĩ nhằm phục vụ quá trình chữa trị.
  • Ăn uống các loại thực phẩm lành mạnh tốt cho sức khỏe của bản thân và tình trùng, bao gồm:
  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì, gạo nâu,...
  • Những chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua,...
  • Các nguồn protein lành mạnh như thịt gà, cá, trứng, thịt bò, cá hồi, hải sản, đậu, hạt… 
  • Sử dụng nhiều loại rau củ, trái cây có màu xanh đậm ,màu đỏ.
  • Chú trọng quan tâm đến sức khỏe bản thân nhiều hơn bằng một số cách như:
    • Hạn chế các loại đồ uống có cồn như rượu bia sẽ làm giảm quá trình sản xuất tinh trùng.
    • Không sử dụng thuốc lá - nicotin trong thuốc lá có thể ảnh hưởng xấu đến chất  lượng tinh dịch.
    • Không mặc quần áo quá chật hoặc tắm nước quá nóng bởi khi nhiệt độ cao sẽ hạn sẽ số lượng tinh trùng xuất hiện và cũng tác động xấu đến chất lượng tinh trùng được tạo ra.

Hy vọng bài viết trên đây của BookingCare đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn về tình trạng vô tinh ở nam giới. Hãy đến gặp ngay các bác sĩ chuyên khoa Nam học nếu phát hiện các bất thường ở cơ quan sinh dục để có thể chẩn đoán và điều trị sớm nhất.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết