Vô tinh có chữa được không? Các phương pháp điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 16/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 15/01/2024
Các phương pháp điều trị vô tinh
Vô tinh có chữa được không? Các phương pháp điều trị. - Ảnh: BookingCare
Vô tinh là hiện tượng không có tinh trùng khi xuất tinh của một người. Tùy vào nguyên nhân gây vô tinh mà một số phương pháp điều trị như: sử dụng thuốc hormone, phẫu thuật đảo ngược thắt ống dẫn tinh hay TESA,...

Vô tinh là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vô sinh ở nam giới. Tình trạng này làm cho hành trình tìm con của các cặp vợ chồng ngày càng khó khăn. “Vô tinh có chữa được không?” và “Các phương pháp điều trị?” là những thắc mắc hàng đầu của các cặp vợ chồng đang gặp phải tình trạng trên.Cùng BookingCare đi tìm câu trả lời trong bài viết này.

Các phương pháp hỗ trợ và điều trị vô tinh ở nam giới

Hiện nay công nghệ y học phát triển, các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiên tiến tạo cho các cặp vợ chồng vô tinh có nhiều sự lựa chọn tạo điều kiện thuận lợi cho hành trình “tìm con” của ba mẹ. Việc lựa chọn các phương pháp điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân vô tinh. Dưới dây là một số phương pháp điều trị vô tinh do tắc nghẽn và vô tinh không do tắc nghẽn.

Điều trị vô tinh do tắc nghẽn

Mục đích chính của của việc điều trị vô tinh là điều chỉnh lại các vị trí tắc nghẽn bằng sử dụng các kỹ thuật phẫu thuật tái tạo.

  • Đảo ngược ống dẫn tinh hoặc thắt ống dẫn tinh: phần lớn nam giới đã từng cắt ống dẫn tinh có thể thụ thai được bằng phương pháp đảo ngược ống dẫn tinh hoặc thắt ống dẫn tinh.
  • Cắt nội soi ống dẫn tinh qua niệu đạo (TURED): phương pháp này có thể được sử dụng ở những người đàn ông tắc ống xuất tinh với tỷ lệ thành công cao và ít biến chứng.
  • Chọc hút tinh trùng từ tinh hoàn (TESA): đây là kỹ thuật lấy tinh trùng từ dịch hút được từ mô tinh hoàn. Tinh trùng được lấy ra ở đây có thể được sử dụng để thực hiện IVF - thu tinh trong ống nghiệm. Thủ thuật này có thể sử dụng trong cả hai nguyên nhân do tắc nghẽn và không do tắc nghẽn. Phương pháp này áp dụng khi PESA không có hiệu quả.
  • Vi phẫu lấy tinh trùng từ mào tinh (MESA): thủ thuật này sử dụng ở những người vô tinh do tắc ống dẫn tinh. Với tỷ lệ thành công cao và thu được nhiều tinh trùng. Tuy nhiên phải thực hiện một tiểu phẫu dịch thu được có thể chứa nhiều hồng cầu.
  • Chọc hút tinh trùng từ mào tinh qua da (PESA): là một phương pháp ít xâm lấn hơn MESA không cần mở màng tinh hoàn và bộc lộ mào tinh. Ngoài ra dịch thu được ít máu hơn so với MESA. đây là thủ thuật được ưu tiên hàng đầu trong điều trị vô tinh do tắc nghẽn.
  • Cắt bao quy đầu: ở những người đàn ông khi hẹp bao quy đầu làm ngăn cản việc xuất tinh ra khỏi dương vật. Vậy nên có thể cắt bao quy đầu làm tinh trùng di chuyển thuận lợi.
  • Phẫu thuật nội soi điều trị sẹo: một số trường hợp để lại sẹo do viêm nhiễm đường sinh dục khiến tắc bên trong ống dẫn tinh. 

Điều trị vô tinh không do tắc nghẽn

Một số nguyên nhân gây ra vô tinh không do tắc nghẽn kể đến như rối loạn nội tiết tố và di truyền. Từ đó có thể điều trị bằng một số phương pháp sau:

  • Thuốc hormone: những người đàn ông vô tinh bởi suy tuyến yên có thể điều trị bằng gonadotrophin, cabergoline trong tăng tiết prolactin hay clomiphene citrate hoặc clomid khi lượng testosterone khả dụng sinh học thấp.
  • Vi phẫu chiết tinh trùng từ tinh hoàn (micro TESE): phương pháp xẻ tinh hoàn dưới kính hiển vi. Nên sử dụng phương pháp cho những người đàn ông có đủ testosterone khi xét nghiệm chẩn đoán. Trong trường hợp lượng testosterone thấp, nên dùng micro TESE sau khi dùng thuốc điều chỉnh testosterone trong ít nhất 4 tháng.

Chống chỉ định tuyệt đối duy nhất khi lấy tinh trùng ở người vô tinh không do tắc nghẽn là mất đoạn nhiễm sắc thể Y của tiểu vùng AZFa hoặc AZFb hoàn toàn và sau phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn hai bên vì tỷ lệ hồi phục tinh trùng trong trường hợp này sẽ bằng 0.

Những phương pháp hỗ trợ sinh sản sau khi lấy được tinh trùng có thể sử dụng như:

  • Bơm tinh trùng của người chồng vào buồng tử cung của vợ.
  • Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF - ICSI).
  • Trữ đông tinh trùng sau khi lấy được từ tinh hoàn hay mào tinh.
  • Nuôi cấy các tế bào dòng tinh.
  • Cấy ghép các tế bào dòng tinh.

Từ những phương pháp hỗ trợ và điều trị vô tinh trình bày ở trên, có thể thấy tình trạng vô tinh vẫn có khả năng có con. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp không thể có thai được do tinh trung không có bất kỳ khả năng phục hồi nào.

Vậy nên với câu hỏi “Vô tinh có chữa được không?” thì không thể trả lời chắc chắn là “CÓ” hay “KHÔNG”. Tùy thuộc vào các nguyên nhân dẫn đến vô tinh và phương pháp điều trị mà hành trình “tìm con” của các cặp gia đình có kết quả hay không. Mong rằng với bài viết trên đây của BookingCare sẽ  cung cấp các thông tin cần thiết trả lời cho những thắc mắc của bạn.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết