Xem ngay: Cách xoay ngôi thai ngược về vị trí ngôi thai đầu

Tác giả: - Xuất bản: 21/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 21/11/2023
Cách xoay ngôi thai ngược
Cách xoay ngôi thai ngược - Ảnh: BookingCare
Thai nhi bị ngôi thai ngược có thể xoay đầu bằng cách nào là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Ngôi thai ngược là hiện tượng phổ biến trong giai đoạn đầu của thai kỳ và hầu hết trẻ sơ sinh sẽ tự chuyển sang tư thế ngôi thai thuận trước khi thai được 36 tuần, sẵn sàng cho quá trình chuyển dạ.

Một số trường hợp thai nhi không thể tự quay đầu về ngôi thuận mà vẫn giữ nguyên ngôi ngược - ngôi mông. Về cơ bản, ngôi ngược không ảnh hưởng đến sự sống của thai cho đến khi chuyển dạ, ngôi ngược có thể gây khó khăn cho việc thai ra ngoài. Lúc này, các bác sĩ có thể xem xét sử dụng một số biện pháp can thiệp từ bên ngoài giúp xoay ngôi thai ngược gọi là ngoại xoay thai. Ngày nay, với sự phát triển của các kỹ thuật mổ sinh mà ngoại xoay thai gần như không được thực hiện. 

Cách xoay ngôi thai ngược

Trong trường hợp ngôi thai ngược, các bác sĩ thường can thiệp bằng  phương pháp ngoại xoay thai  ECV (External Cephalic Version) -Trước khi thực hiện thủ thuật này, người mẹ được tiêm một loại thuốc đặc biệt gọi là Tocolytic có tác dụng làm mềm cơ bụng, giúp thư giãn tử cung và ngăn chặn các cơn co thắt tử cung.

Thuốc tocolytic thông dụng nhất là terbutaline. Tỉ lệ thành công trung bình là khoảng 65% khi xoay thai bên ngoài và nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: lượng ối, cân nặng thai nhi, vị trí của thai nhi và đặc biệt là trình độ, kinh nghiệm của bác sĩ thực hiện…

Dưới đây là một số biện pháp hỗ trợ mà chị em có thể sử dụng khi sinh hoạt tại nhà để nâng cao khả năng bé xoay đầu về vị trí ngôi thuận, tuy nhiên mức độ hiệu quả không cao. 

  • Bài tập nghiêng ngôi mông

Bài tập nghiêng ngôi mông sử dụng trọng lực để khuyến khích bé xoay người, phương pháp thực hiện đơn giản, có thể được thực hiện tại nhà, bao gồm việc nâng hông lên cao hơn tim. 

Chị em có thể thực hiện bằng cách xếp một vài chiếc gối dưới hông khi nằm ngửa trên sàn hoặc trên giường. 

  • Nghiêng xương chậu và các tư thế khác

Nằm trên sàn, hai chân cong và bàn chân đặt phẳng trên mặt đất. Nâng hông và xương chậu. Giữ tư thế này trong 10 hoặc 15 phút vài lần trong ngày có thể đem lại hiệu quả tích cực.

  • Nhiệt độ

Phương pháp sử dụng nhiệt độ nóng và lạnh là chườm lạnh gần nơi đầu bé hiện tại (ở phía trên tử cung) và chườm ấm ở nơi bạn muốn đầu bé hướng vào (gần đáy tử cung). Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, bé đã muốn được giữ ấm và ôm ấp nên bất kỳ cái lạnh nào đặt gần bé sẽ khiến bé phản ứng và di chuyển ra xa.

  • Âm thanh

Có một số kích thích nhất định mà em bé sẽ phản ứng ngay cả khi còn trong bụng mẹ, một trong số đó chính là âm nhạc. 

Chị em có thể lấy tai nghe và phát nhạc với âm lượng nhỏ đặt ở vị trí gần xương  mu . Điều này có thể thúc đẩy em bé tiến về phía âm thanh. Ban đầu có thể bắt đầu bằng cách phát nhạc ở một bên bụng, sau đó di chuyển xuống phía dưới về phía xương mu.

Những đối tượng không được khuyến khích ngoại xoay thai 

Không phải tất cả mọi trường hợp bị ngôi thai ngược đều có thể can thiệp xoay ngôi thai. Đôi khi, rủi ro mà hành động này mang lại có thể nhiều hơn lợi ích.

Chị em gặp phải một trong số những trường hợp dưới đây thường không được khuyến khích xoay ngôi thai:

  • Lượng nước ối thấp
  • Nhịp tim thai nhi thấp hoặc cao
  • Người mẹ mang thai đôi, thai ba,... (đa thai)
  • Phụ nữ bị nhau thai tiền đạo (nhau thai bao phủ toàn bộ hoặc một phần cổ tử cung của người mẹ).

Những rủi ro khi ngoại xoay thai là gì?

Không phải tất cả trường hợp xoay ngôi thai đều thành công, dưới đây là một số rủi ro có thể xảy ra:

  • Sinh non
  • Vỡ ối sớm
  • Vỡ tử cung
  • Thai nhi bị tác động xuất hiện dấu hiệu xấu, có thể cần nhập viện cấp cứu
  • Vị trí ngôi thai ngược không thay đổi
  • Rau bong non

Mặc dù những rủi ro này là không cao nhưng hầu hết các bác sĩ đều không khuyến khích sử dụng các biện pháp can thiệp để đảo vị trí ngôi thai.

Thai nhi có thể tự bình chỉnh về ngôi thai thuận được không?

Hầu hết thai nhi sẽ tự xoay đầu xuống trước khi đủ tháng (37 tuần). Nếu đến thời điểm sát thời gian dự sinh mà thai nhi vẫn ở vị trí ngôi mông, các bác sĩ sẽ xem xét xem liệu người mẹ có thể sinh thường hay không.

Nếu trẻ ngôi mông không thể xoay được, rất có thể bác sĩ sẽ đề nghị sinh mổ , phương pháp này thường có nguy cơ biến chứng thấp hơn nhiều so với ngôi thai ngược sinh thường.

Ngôi thai ngược tuy khiến chị em gặp khó khăn trong quá trình vượt cạn nhưng chị em không nên quá lo lắng vì ngôi ngược không ảnh hưởng đến ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi cho đến khi quá trình chuyển dạ diễn ra. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và sự trợ giúp từ bác sĩ, em bé vẫn sẽ chào đời an toàn.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết