Với phụ nữ mang thai, huyết áp cao có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Nhận biết sớm các triệu chứng tăng huyết áp thai kỳ là chìa khóa quan trọng giúp ngăn chặn nhiều biến chứng nguy hiểm.
Huyết áp cao đôi khi được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì hầu hết người bệnh không nhận thấy huyết áp của mình đang tăng cao. Chị em cần đặc biệt lưu ý những vấn đề sức khỏe bất thường dù là nhỏ nhất, thăm khám ngay khi nhận thấy những biểu hiện lạ.
Triệu chứng tăng huyết áp thai kỳ
Tuỳ thuộc vào thời điểm xuất hiện tăng huyết áp với thai kỳ và các biểu hiện kèm theo mà tăng huyết áp với thai kỳ được chia thành các thể như sau:
- Hội chứng tiền sản giật - sản giật: là hội chứng bao gồm tăng huyết áp có kèm đạm niệu xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ.
- Tăng huyết áp thai kỳ: tăng huyết áp khởi phát sau tuần thứ 20 của thai kỳ và không có đạm niệu: thường huyết áp về bình thường sau 12 tuần hậu sản.
- Tăng huyết áp mạn tính: là trường hợp các tăng huyết áp xuất hiện trước tuần thứ 20 của thai kỳ hoặc trước khi mang thai.
- Tiền sản giật ghép trên nền tăng huyết áp mạn tính: là hình thái có tiên lượng xấu nhất trong các hình thái tăng huyết áp trong thai kỳ.
Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp ở phụ nữ bị tăng huyết áp thai kỳ mà chị em cần nắm rõ:
- Tăng huyết áp: đo huyết áp được thực hiện thường quy mỗi lần khám thai. Gọi là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên qua 2 lần đo cách nhau ít nhất 4 giờ.
- Tay chân sưng, phù nề
- Tăng cân đột ngột
- Nhức đầu
- Đau đầu dữ dội, đau vùng thượng vị, đau ngực sau xương ức và khó thở.
- Nôn hoặc buồn nôn
- Rối loạn thị lực (nhìn mờ, nhìn đôi, mất thị lực trong thời gian ngắn,…)
Tăng huyết áp thai kỳ có thể gây ra biến chứng gì?
Tăng huyết áp thai kỳ có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Mức độ nguy hiểm của bệnh phụ thuộc vào thời gian mang thai cũng như mức tăng huyết áp của người mẹ.
Huyết áp thai kì càng cao và thời gian bệnh càng kéo dài thì nguy cơ mắc biến chứng của mẹ và bé càng lớn.
Dưới đây là một số biến chứng nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp thai kỳ:
Với mẹ bầu
Tổn thương của tăng huyết áp có thể xuất hiện ở tất cả các bộ phận của toàn cơ thể như:
- Động kinh
- Đột quỵ
- suy gan
- Suy thận thậm chí có thể cần chạy thận
- Stress, lo âu
- Rau bong non, rối loạn đông máu
- Tiền sản giật: Thống kê cho thấy, 25% phụ nữ khi mang thai bị huyết áp cao đều có nguy cơ tiền sản giật, 5 – 8% các trường hợp sản giật tử vong.
- Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của thai phụ sau sinh, khả năng hồi phục sau sinh chậm.
- Dễ gặp tình trạng cao huyết áp ở những lần mang thai tiếp theo
Với thai nhi
Tăng huyết áp khi mang thai có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả của tuần hoàn rau thai. Lượng máu và nguồn cung cấp bị giảm có thể khiến em bé gặp các vấn đề như:
- Thai chậm phát triển trong tử cung
- Trẻ bị sinh non (sinh trước tuần thứ 37 của thai kỳ).
- Thai chết lưu.
- Nguy cơ cao mắc các bệnh lý khác
Ngay khi nhận thấy cơ thể xuất hiện những biểu hiện bất thường, chị em cần thăm khám trong thời gian sớm nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.