Xẹp đốt sống lưng: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị xẹp đốt sống lưng
Xẹp đốt sống lưng có thể khiến đau lưng dữ dội - Ảnh: BookingCare

Xẹp đốt sống lưng: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 18/04/2024 - Cập nhật lần cuối: 19/04/2024
Xẹp đốt sống là bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi, bệnh có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng và ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Vậy triệu chứng thường gặp là gì? Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh lý này và cách điều trị ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Xẹp đốt sống là bệnh lý xương khớp thường thứ phát sau chấn thương, loãng xương hoặc ung thư xương. Bệnh sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Cùng tìm hiểu để hiểu rõ hơn bệnh lý này để có thể phát hiện và điều trị sớm.

Xẹp đốt sống là gì?

Xẹp đốt sống hay còn gọi là lún, gãy đốt sống được hiểu là tình trạng chiều cao thân đốt sống bất thường so với sinh lý bình thường.

Cột sống gồm đốt sống cổ, ngực, lưng và cùng cụt thì đốt sống lưng được tính từ vị trí L1 đến L5, là vùng chịu nhiều lực của cơ thể. Các đốt sống lưng thường bị lún xẹp là L1, L2 và L5.

Khi một hoặc nhiều đốt bị lún xẹp sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ cột sống, các cấu trúc xung quanh như thần kinh, cơ hoặc lâu hơn sẽ gây ảnh hưởng đến các vùng khác trên cơ thể, ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở người lớn tuổi, khi chất lượng xương đã suy giảm dẫn đến loãng xương, người bệnh dễ chấn thương và gãy xương.

Triệu chứng thường gặp của xẹp đốt sống

Trên lâm sàng, phần lớn trường hợp lún xẹp đốt ống không được chẩn đoán do không gây ra các triệu chứng điển hình, mà các triệu chứng lại dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Có thể điểm qua một số triệu chứng thường gặp như sau:

  • Đau cột sống lưng, thắt lưng: xuất hiện đột ngột, đau tăng khi đứng hoặc đi, giảm khi nghỉ ngơi. Cũng tồn tại một tỷ lệ lún xẹp đốt sống mà không có triệu chứng đau.
  • Hạn chế vận động cột sống lưng
  • Giảm hoặc mất đường cong sinh lý cột sống: gù, vẹo cột sống, trượt đốt sống
  • Nặng hơn có thể gây biến dạng cột sống, tàn tật 

Nguyên nhân xẹp đốt sống

Có nhiều nguyên nhân gây xẹp đốt sống như: chấn thương, ung thư di căn thân đốt sống, loãng xương,... Trong đó, loãng xương là nguyên nhân phổ biến hàng đầu dẫn đến xẹp đốt sống. 

  • Loãng xương
    • Loãng xương đặc trưng bởi tình trạng suy giảm khối lượng xương, biến đổi cấu trúc xương làm giảm sức mạnh của xương.
    • Khi xương trở nên xốp thì khả năng chịu lực kém, tăng nguy cơ gãy xương
    • Nếu loãng xương ở mức độ nặng thì những động tác thay đổi tư thế đơn giản cũng có thể gây ra lún xẹp đốt sống.
  • Chấn thương: Tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, té ngã,...
  • Các bệnh lý khác:
    • Viêm tủy xương
    • Đa u tủy xương
    • Ung thư di căn xương
    • Bệnh viêm xương biến dạng Paget

Bên cạnh đó nguy cơ lún xẹp đốt sống có thể tăng lên ở những người có các yếu tố nguy cơ như:

  • Phụ nữ da trắng và châu Á có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
  • Mãn kinh sớm trước 50 tuổi tăng nguy cơ loãng xương ở nữ giới
  • Người hút thuốc lá khiến xương yếu hơn
  • Người suy dinh dưỡng, còi xương

Chẩn đoán xẹp đốt sống

Chẩn đoán xẹp đốt sống lưng cần dựa trên các triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh và các công cụ chẩn đoán hình ảnh. Người bệnh cần được thăm khám sớm và chẩn đoán kịp thời để tránh để lại các biến chứng nguy hiểm.

Người bệnh xẹp đốt sống có thể xuất hiện đau cột sống thắt lưng đột ngột dữ dội, hạn chế vận động, giảm chiều cao cột sống,... Bệnh có thể xuất hiện thứ phát sau các chấn thương, loãng xương, ung thư di căn,...

Bên cạnh đó các kỹ thuật cận lâm sàng cũng rất cần thiết để củng cố chẩn đoán, nhằm chẩn đoán chính xác và đưa ra phương án điều trị phù hợp cho bệnh nhân

  • Chụp X - quang cột sống lưng thẳng, nghiêng
  • Chụp cắt lớp vi tính vùng lưng
  • Chụp cộng hưởng từ vùng lưng
  • Đo mật độ xương

Điều trị xẹp đốt sống

Điều trị bảo tồn

  • Cho đến nay, điều trị bảo tồn cho người bệnh lún xẹp đốt sống, đặc biệt kèm theo loãng xương là: bất động tại chỗ, dùng thuốc giảm đau, sử dụng đai nẹp cố định và điều trị loãng xương đi kèm. 
  • Tuy nhiên ở người cao tuổi nằm bất động lâu sẽ dẫn đến các biến chứng như loét vùng tỳ đè, viêm phổi, viêm đường tiết niệu, viêm tắc tĩnh mạch, loãng xương gia tăng, nặng hơn có thể tử vong do suy kiệt và tỷ lệ liền xương rất thấp.

Điều trị phẫu thuật

Có thể sử dụng một trong hai phương pháp phẫu thuật sau:

  • Bơm Cement cột sống:
    • Bơm Cement thân đốt sống là một giải pháp hiệu quả và an toàn trong điều trị gãy xẹp đốt sống do loãng xương, là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, tỷ lệ biến chứng thấp nhằm 2 mục đích: giảm đau và tạo hình thân đốt sống.
    • Bơm Cement là đưa một lượng Cement sinh học vào thân đốt sống để giúp hàn gắn lại các gãy xương siêu nhỏ, cố định đốt vỡ, phục hồi chiều cao thân đốt sống, cải thiện góc gù thân đốt để từ đó làm vững lại cột sống, giúp bệnh nhân đỡ đau và khôi phục lại vận động sớm hơn so với điều trị bảo tồn
  • Phẫu thuật mở cố định bằng nẹp vít cột sống: được chỉ định trong các trường hợp xẹp đốt sống nặng gây biến dạng cột sống

Xẹp đốt sống lưng là một bệnh lý nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đặc biệt trong những trường hợp các triệu chứng không biểu hiện rõ ràng. Người bệnh cần thăm khám kỹ càng để đưa ra phương án điều trị phù hợp. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về triệu chứng thường gặp, nguyên nhân cũng như cách điều trị bệnh lý này.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết