Xét nghiệm AFP và ý nghĩa trong chẩn đoán, điều trị ung thư

Tác giả: - Xuất bản: 13/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 13/11/2023
y-nghia-xet-nghiem-afp
Xét nghiệm AFP là một trong số các xét nghiệm dấu ấn ung thư phổ biến - ảnh: BookingCare
Xét nghiệm AFP đóng vai trò quan trọng trong việc sàng lọc, đánh giá và điều trị ung thư gan, ung thư buồng trứng hoặc tinh hoàn. Kết quả xét nghiệm cung cấp thông tin hỗ trợ chẩn đoán, theo dõi tiến trình và định hướng phương pháp điều trị hiệu quả.

Xét nghiệm AFP (Alpha-fetoprotein) là một đánh giá quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị ung thư. Mức độ AFP trong máu có thể báo hiệu sự xuất hiện của ung thư, cung cấp thông tin cần thiết cho bác sĩ để đánh giá tình trạng bệnh, lựa chọn phương pháp và theo dõi hiệu quả điều trị.

Xét nghiệm AFP là gì?

Xét nghiệm AFP là phương pháp đo lượng AFP (alpha-fetoprotein) trong máu. AFP là một loại protein được gan tạo ra trong quá trình phát triển và phân chia tạo ra các tế bào mới. Mức AFP thường cao ở thai nhi và giảm dần sau sinh.

Đối với trẻ em khỏe mạnh, người lớn không mang thai có mức AFP rất thấp trong máu. Nếu trẻ em và người bình thường có mức AFP cao có thể là dấu hiệu xuất hiện các khối u liên quan đến các bộ phận như gan, buồng trứng hoặc tinh hoàn. Vì vậy, AFP là xét nghiệm có ý nghĩa dấu ấn phát hiện ung thư gan, tinh hoàn và buồng trứng.

Vai trò của xét nghiệm AFP

Xét nghiệm AFP thường được sử dụng để chẩn đoán một số loại ung thư và kiểm tra hiệu quả điều trị. Xét nghiệm AFP thường kết hợp với chẩn đoán hình ảnh để phát hiện ung thư gan ở giai đoạn sớm nhằm tăng khả năng điều trị thành công.

Đối với các trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh ung thư biểu mô tế bào gan, ung thư buồng trứng hoặc tinh hoàn, xét nghiệm AFP có thể được sử dụng để theo dõi điều trị và đánh giá tái phát ung thư.

Xét nghiệm này cũng được sử dụng trong việc kiểm tra một số dị tật bẩm sinh ở thai nhi như khuyết tật ống thần kinh hoặc hội chứng Down thông qua xét nghiệm dịch tủy sống của mẹ.

Đối tượng cần thực hiện xét nghiệm AFP

Xét nghiệm AFP được khuyến cáo thực hiện cho các nhóm đối tượng:

  • Người có kết quả khám sức khỏe hoặc các xét nghiệm khác cho thấy nguy cơ mắc ung thư gan, buồng trứng hoặc tinh hoàn.
  • Người đang điều trị ung thư làm tăng mức AFP cao hoặc đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị ung thư.
  • Người mới hoàn thành điều trị bệnh ung thư để kiểm tra kết quả điều trị và đánh giá nguy cơ tái phát.
  • Một số trường hợp mắc bệnh viêm gan mãn tính hoặc xơ gan có nguy cơ mắc ung thư gan cao.

Tần suất và thời điểm thực hiện xét nghiệm AFP

Tần suất và thời điểm thực hiện xét nghiệm AFP có thể khác nhau tùy thuộc vào mục đích sử dụng xét nghiệm, nhóm tuổi và yếu tố rủi ro cá nhân. Tần suất và thời điểm thực hiện xét nghiệm AFP có thể được thực hiện như sau:

Xét nghiệm AFP trong thai kỳ

  • Mục đích chính của xét nghiệm AFP trong thai kỳ là kiểm tra sự phát triển của thai nhi có bình thường hay không. Kết quả xét nghiệm AFP ở phụ nữ mang thai sẽ có giá trị tham chiếu riêng tùy theo tuổi thai.
  • Xét nghiệm AFP trong thai kỳ thường được thực hiện trong khoảng từ tuần 15 đến tuần 20 của thai kỳ.
  • Xét nghiệm AFP trong thai kỳ thường được thực hiện một lần duy nhất trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, một số trường hợp có tiền sử gia đình hoặc có các nguy cơ cao mắc bệnh gan cần tái xét nghiệm trong các tuần sau của thai kỳ.

Xét nghiệm AFP trong chẩn đoán ung thư gan

  • Xét nghiệm AFP có thể được thực hiện bất cứ khi nào có các triệu chứng.
  • Tần suất thực hiện xét nghiệm phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể và yếu tố rủi ro.
  • Trường hợp người bệnh được chẩn đoán mắc ung thư gan, xét nghiệm AFP có thể được thực hiện để theo dõi hiệu quả điều trị và theo dõi tái phát.

Xét nghiệm AFP trong theo dõi ung thư gan

  • Xét nghiệm AFP được thực hiện theo lịch trình điều trị của bệnh nhân, thông thường từ 3 - 6 tháng một lần.
  • Tần suất thực hiện xét nghiệm phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ cho từng trường hợp cụ thể vào các giai đoạn bệnh và kế hoạch điều trị.

Tần suất và thời điểm thực hiện xét nghiệm AFP có thể khác nhau tùy thuộc vào các hướng dẫn và thực tiễn cụ thể của từng quốc gia hoặc tổ chức y khoa. Vì vậy, việc tham khảo hướng dẫn từ các chuyên gia y tế là điều cần thiết để xác định tần suất và thời điểm thực hiện xét nghiệm AFP cho mỗi trường hợp.

Cách đọc kết quả xét nghiệm AFP

Kết quả xét nghiệm có thể khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, tiền sử bệnh lý và các yếu tố khác. Mức AFP được tính theo đơn vị nanogram trên mililit (ng/mL). Theo một số quy ước chung, mức AFP từ 0 ng/mL đến 40 ng/mL được xem là bình thường đối với những người trưởng thành.

Mức AFP cực cao trong máu (trên 400 ng/mL) có thể là dấu hiệu của ung thư gan hoặc các bệnh ung thư khác như ung thư hạch, ung thư biểu mô tế bào thận (ung thư thận), ung thư buồng trứng, ung thư tinh hoàn, bệnh Hodgkin,... Nhìn chung, kết quả xét nghiệm AFP ở bệnh nhân ung thư càng cao thì khối u càng lớn hoặc càng lan rộng nếu có di căn gan.

Mức AFP giảm xuống khi cơ thể phản ứng với phương pháp điều trị ung thư. Nếu mức AFP không trở lại bình thường trong vòng khoảng một tháng sau khi điều trị ung thư, có thể một số khối u vẫn còn tồn tại. Sự gia tăng AFP sau khi thuyên giảm cho thấy dấu hiệu khối u có nguy cơ tái phát.

Tuy nhiên, các khối u ban đầu sản xuất AFP có thể tái phát mà không tăng nồng độ AFP. Mặt khác, không phải tất cả trường hợp có AFP tăng cao đều mắc bệnh ung thư. Mức AFP tăng cao cũng có thể là dấu hiệu của bệnh xơ gan, viêm gan cấp tính, mãn tính hoặc các chấn thương khác liên quan đến gan.

Xét nghiệm AFP có ý nghĩa quan trọng trong việc sàng lọc, chẩn đoán theo dõi quá trình điều trị ung thư và đánh giá khả năng tái phát ung thư gan, ung thư tinh hoàn, buồng trứng và một số dấu hiệu bệnh khác. Người bệnh có thể đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và chỉ định xét nghiệm để sàng lọc nguy cơ và điều trị nếu cần thiết.