Xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường diễn ra như thế nào? Ý nghĩa của từng chỉ số
Xét nghiệm các chỉ số đường huyết gồm những gì? Ý nghĩa từng chỉ số
Xét nghiệm các chỉ số đường huyết gồm những gì? Ý nghĩa từng chỉ số - Ảnh: BookingCare

Xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường diễn ra như thế nào? Ý nghĩa của từng chỉ số

Tác giả: - Xuất bản: 05/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Bài viết này BookingCare sẽ cung cấp đầy đủ những thông tin về các loại xét nghiệm cần thực hiện cũng như những chỉ số quan trọng cần lưu ý trong chẩn đoán đái tháo đường.

Để chẩn đoán một người có mắc đái tháo đường hay không sẽ cần thực hiện kiểm tra các chỉ số về tiểu đường. Với mỗi loại xét nghiệm khác nhau sẽ có quy trình khác nhau cũng như chỉ định cho những đối tượng khác nhau. Trong bài viết này BookingCare sẽ cung cấp đầy đủ những thông tin về các loại xét nghiệm cần thực hiện cũng như những chỉ số quan trọng cần lưu ý trong chẩn đoán đái tháo đường.

1, Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói

Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói là phương pháp xét nghiệm đo đường huyết sau khi không ăn gì ít nhất là 8 giờ đồng hồ. Vì vậy, người bệnh nên thực hiện đi khám vào buổi sáng sau khi vừa mới ngủ dậy.

Phương pháp này cũng được tiến hành một cách rất đơn giản, nhân viên y tế sẽ tiến hành lấy máu ở ngón tay hoặc tại tĩnh mạch trên cánh tay của người bệnh và thực hiện xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm sẽ được trả trong vào vài giờ sau khi tiến hành xét nghiệm.

Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói được chỉ định với bất kỳ đối tượng nào, dù là người bệnh tiền đái tháo đường, người bệnh tiểu đường tuýp 1, người bệnh tiểu đường tuýp 2 hay kể cả người bình thường đến kiểm tra sức khỏe định kỳ. Với người đã được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường, hoàn toàn có thể kiểm tra chỉ số này tại nhà bằng máy đo đường huyết chuyên dụng.

Kết quả xét nghiệm trả về sẽ rơi vào 3 trường hợp sau đây:

  • Kết quả dưới 99 mg/dL là chỉ số đường huyết bình thường
  • Kết quả từ 100-125 mg/dL sẽ được chẩn đoán là tiền tiểu đường
  • Kết quả từ 126mg/dL trở lên thì sẽ được chẩn đoán là mắc bệnh tiểu đường

2, Xét nghiệm HbA1c

Xét nghiệm HbA1c là xét nghiệm cho biết chỉ số đường huyết trung bình của bạn trong vòng 3 tháng. Phương pháp xét nghiệm này dựa trên nguyên lý glucose dư thừa, không được insulin chuyển hóa trong máu sẽ bám vào bề mặt của hồng cầu. Từ xét nghiệm các tế bào hồng cầu, ta có thể định lượng được nồng độ glucose trong máu.

Đối tượng được chỉ định làm xét nghiệm cũng như phương pháp lấy máu tĩnh mạch cũng tương đồng với phương pháp xét nghiệm glucose khi đói. Tuy nhiên, thời điểm tiến hành xét nghiệm không nhất thiết phải trước khi ăn mà có thể là bất cứ lúc nào. Phương pháp này yêu cầu kỹ thuật cao và cần thiết bị để phân tích nên không thể tự thực hiện tại nhà mà phải đến các bệnh viện, cơ sở xét nghiệm để tiến hành. 

Xét nghiệm HbA1c cũng sẽ có 3 giới hạn kết quả để chẩn đoán:

  • Giá trị HbA1c dưới 5,7%: khoảng giá trị bình thường
  • Giá trị HbA1c từ 5,7 - 6,4%: chẩn đoán tiền đái tháo đường
  • Giá trị HbA1c từ 6,5% trở lên: chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường

3, Xét nghiệm dung nạp Glucose

Với phương pháp này, sẽ cần ba bước để tiến hành:

  • Bước 1: Người bệnh thực hiện xét nghiệm đường huyết lúc đói sau đói 
  • Bước 2: Người bệnh sẽ được uống khoảng 75g nước đường glucose
  • Bước 3: Sau lần lượt 1 tiếng, 2 tiếng kể từ lần lấy máu đầu tiên, người bệnh sẽ được lấy máu để kiểm tra đường huyết một lần. (Lưu ý, trong một tiếng người bệnh cần hạn chế vận động và không nên ăn uống các thực phẩm làm ảnh hưởng đến đường huyết)

Khác với hai phương pháp trên, phương pháp dung nạp Glucose thường sẽ được chỉ định cho thai phụ. Thông thường, thai phụ sẽ thực hiện lần xét nghiệm đường huyết lúc đói đầu tiên ở tuần thứ 4-8 của thai kỳ. Nếu kết quả đường huyết ở dưới 5,1 mmol/L thì sẽ được chỉ định thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose ở tuần thứ 24-28 của thai kỳ. 

Đối với phương pháp này, bác sĩ sẽ dựa trên kết quả của cả 3 lần xét nghiệm để chẩn đoán bệnh. Nếu thai phụ có ít nhất một kết quả vượt những chỉ số sau thì bác sĩ sẽ kết luận thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ:

  • Chỉ số đường huyết khi đói > 92 mg/dL (5,1 mmol/l)
  • Chỉ số đường huyết sau 1h dung nạp glucose > 180 mg/dL (10 mmol/l)
  • Chỉ số đường huyết sau 1h dung nạp glucose > 153 mg/dL (8,5 mmol/l)

Ngoài những phương pháp chính trên người bệnh còn có thể thực hiện kiểm tra đường huyết ngẫu nhiên bất kỳ khoảng thời gian nào trong ngày. Tuy nhiên, phương pháp này thường không được áp dụng trong chẩn đoán đái tháo đường mà thường được sử dụng để kiểm tra đường huyết hằng ngày của người bệnh.

Việc chủ động xét nghiệm máu các chỉ số đường huyết giúp phát hiện sớm bệnh tiểu đường, từ đó có các biện pháp kiểm soát đường huyết hiệu quả và nhanh chóng hơn. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết