Xét nghiệm giang mai: Các xét nghiệm và quy trình thực hiện
Xét nghiệm giang mai: Các xét nghiệm và quy trình thực hiện
xet-nghiem-giang-mai-la-gi
Xét nghiệm giang mai là một trong những xét nghiệm kiểm tra các bệnh liên quan đến đường sinh dục - ảnh: Bookingcare

Xét nghiệm giang mai: Các xét nghiệm và quy trình thực hiện

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 20/11/2023 | Cập nhật lần cuối: 27/11/2023
Xét nghiệm giang mai là một trong các phương pháp chẩn đoán bệnh an toàn, chính xác giúp ngăn ngừa lây lan và bảo vệ sức khỏe. Đọc thêm trong bài viết!

Xét nghiệm giang mai có thể đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe tình dục người xét nghiệm và đối tác. Việc thực hiện xét nghiệm tạo cơ hội cho người bệnh phát hiện sớm và có các biện pháp điều trị kịp thời.

Mục đích xét nghiệm giang mai

Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Bệnh lây lan qua tiếp xúc với vết loét giang mai khi quan hệ tình dục hoặc lây truyền sang con nếu cha mẹ có mắc bệnh.

Bệnh giang mai thường trỉa qua các giai đoạn:

  • Giang mai nguyên phát.
  • Giang mai thứ phát.
  • Giang mai tiềm ẩn.
  • Giang mai tam phát.
  • Giang mai thần kinh và mắt: vi khuẩn giang mai có thể lan sang não hoặc tủy sống trong các giai đoạn này gây ra nhiều tổn thương liên quan đến hệ thần kinh.

Xét nghiệm giang mai nhằm mục đích sàng lọc, chẩn đoán mức độ và theo dõi điều trị. Thời gian ủ bệnh của vi khuẩn giang mai khá dài, vì vậy nếu thực hiện xét nghiệm sớm có thể phát hiện và áp dụng các biện pháp chữa trị kịp thời để giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Các trường hợp cần thực hiện xét nghiệm giang mai

Người bệnh cần thực hiện xét nghiệm giang mai nếu gặp một trong các dấu hiệu như:

  • Xuất hiện vết loét nhỏ không đau quanh bộ phận sinh dục, miệng, hậu môn hoặc trực tràng.
  • Nổi mẩn đỏ sần sùi ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân.
  • Sốt, đau đầu, đau cơ, đau họng.
  • Mệt mỏi, sút cân.
  • Rụng tóc từng mảng.

Ngoài ra, một số trường hợp cần thực hiện xét nghiệm giang mai nếu thuộc các nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm:

  • Người quan hệ tình dục không an toàn hoặc tham gia hoạt động mại dâm.
  • Sống ở khu vực có tỷ lệ nhiễm giang mai cao.
  • Những người được chẩn đoán nhiễm HIV, bệnh lậu.

Quy trình và phương pháp xét nghiệm giang mai

Quy trình xét nghiệm

Xét nghiệm giang mai sử dụng mẫu máu được lấy từ tĩnh mạch trên cánh tay. Sau khi lấy mẫu, máu sẽ được chuyển về phòng xét nghiệm để phân tích. Nếu các triệu chứng bệnh giang mai có thể ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh, người bệnh có thể cần thực hiện xét nghiệm dịch não tủy (CSF) để chẩn đoán.

Phương pháp xét nghiệm

  • Xét nghiệm kháng thể không đặc hiệu (non-treponemal): thường được sử dụng làm xét nghiệm sàng lọc ban đầu, trong đó có các hình thức xét nghiệm gồm:
    • Xét nghiệm reagin huyết tương nhanh (RPR): tìm kiếm kháng thể reagin chống lại vi khuẩn giang mai.
    • Xét nghiệm nghiên cứu bệnh hoa liễu (VDRL): sử dụng mẫu máu hoặc tủy sống đo lường kháng thể sau khi có vết loét.
  • Xét nghiệm kháng thể Treponemal: phát hiện các kháng thể sau khi nhiễm vi khuẩn gây bệnh giang mai. Kháng thể này có thể phát hiện sớm hơn so với kháng thể không đặc hiệu và tồn tại lâu dài trong cơ thể.
  • Xét nghiệm tìm vi khuẩn và vật liệu di truyền của vi khuẩn: bao gồm:
    • Xét nghiệm kính hiển vi trường tối: sử dụng một mẫu chất lỏng từ vết loét da hoặc hạch phân tích bằng kính hiển vi nền tối để phát hiện khuẩn Treponema pallidum.
    • Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR): Xét nghiệm này phát hiện vật liệu di truyền (DNA) của vi khuẩn Treponema pallidum

Tùy vào tình trạng sức khỏe và tiến triển của bệnh, bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể về các xét nghiệm phù hợp cho từng trường hợp để chẩn đoán.

Cách đọc kết quả xét nghiệm giang mai

Sau khi xét nghiệm giang mai, người làm xét nghiệm sẽ nhận được kết quả sau khoảng vài giờ hoặc vài ngày tùy vào phương pháp thực hiện.

  • Nếu kết quả xét nghiệm không đặc hiệu âm tính: có thể không mắc bệnh giang mai. Người làm xét nghiệm cần theo dõi và thực hiện một số xét nghiệm khác nếu nằm trong diện có nguy cơ mắc bệnh.
  • Nếu kết quả xét nghiệm không đặc hiệu dương tính: có thể mắc đã hoặc từng mắc bệnh giang mai. Người làm xét nghiệm cần thực hiện chẩn đoán bổ sung để khẳng định có đang mắc bệnh hay không.

Cần làm gì sau khi có kết quả xét nghiệm giang mai?

Trường hợp có kết quả xét nghiệm khẳng định âm tính, người bệnh cần thực hiện các biện pháp an toàn như:

  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục làm giảm nguy cơ lây nhiễm giang mai và các bệnh lây truyền khác.
  • Thực hiện kiểm tra định kỳ, đặc biệt với các trường hợp có nguy cơ cao để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Đối với các trường hợp được chẩn đoán dương tính:

  • Thực hiện điều trị bằng thuốc kháng sinh như penicillin hoặc các loại kháng sinh khác. Quá trình điều trị kéo dài từ 1 đến 3 tuần, tùy thuộc vào giai đoạn và mức độ nhiễm trùng.
  • Thực hiện kiểm tra định kỳ để đánh giá hiệu quả điều trị bệnh.

Xét nghiệm giang mai là một phương pháp quan trọng để sàng lọc và chẩn đoán các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Việc thực hiện xét nghiệm giang mai và các xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục khác là biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và đối tác.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare