Xét nghiệm HB là xét nghiệm gì? Ý nghĩa xét nghiệm Hb

Tác giả: - Xuất bản: 14/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 20/11/2023
xet-nghiem-hb
Xét nghiệm Hb có ý nghĩa đặc biệt trong việc kiểm tra chất lượng thành phần máu - ảnh: BookingCare
Hemoglobin là một loại protein trong các tế bào hồng cầu. Các vấn đề liên quan đến chỉ số Hb bất thường có thể cảnh báo một số bệnh lý nhất định.

Xét nghiệm Hb đánh giá khả năng sản xuất tế bào máu trong cơ thể. Mức độ tăng giảm của chỉ số có thể là triệu chứng của một số bệnh lý liên quan đến rối loạn tuần hoàn máu hoặc một số loại ung thư khác nhau.

Xét nghiệm Hb là gì?

Xét nghiệm Hb là cách đo lường số lượng tế bào Hemoglobin trong máu. Hemoglobin là protein có trong các tế bào hồng cầu chịu trách nhiệm cung cấp oxy đến các mô, cơ quan trong cơ thể. Xét nghiệm Hb thường được thực hiện để đánh giá khả năng máu vận chuyển oxy trong cơ thể. Các loại Hb phổ biến gồm: HbA, HbF, HbA2.

Mức Hb có thể phản ánh các tình trạng bệnh lý như: thiếu máu, tim mạch, bệnh gan và các bệnh lý khác liên quan đến vận chuyển oxy trong cơ thể. Kết quả xét nghiệm là căn cứ để bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác và quyết định phương pháp điều trị phù hợp cũng như đánh giá hiệu quả hoặc điều chỉnh liệu pháp điều trị khi cần thiết.

Đối tượng cần thực hiện xét nghiệm Hb

Những người có dấu hiệu và triệu chứng thiếu oxy, thiếu sắt hay các triệu chứng cảnh báo nồng độ Hb cao như:

  • Mệt mỏi, chóng mặt, chân tay lạnh
  • Khó thở khi vận động
  • Da nhợt nhạt hoặc vàng hơn bình thường
  • Nhức đầu
  • Nhịp tim không đều
  • Rối loạn thị giác
  • Đau đầu
  • Nói lắp
  • Mặt đỏ

Ngoài ra, xét nghiệm Hb còn được khuyến cáo cho các trường hợp nghi ngờ hoặc chẩn đoán mắc các tình trạng:

  • Bệnh lý rối loạn máu như: bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia sản sinh Hb bất thường…
  • Các bệnh lý phổi, gan, thận hoặc hệ tim mạch
  • Chấn thương chảy máu hoặc phẫu thuật
  • Suy giảm nhận thức, đặc biệt ở người già
  • Nhiễm trùng mãn tính, thiếu sắt hoặc một số bệnh ung thư: ung thư máu, tủy sống,...

Cách tiến hành xét nghiệm Hb

Xét nghiệm Hb thường được tiến hành bằng cách lấy mẫu máu từ tĩnh mạch. Mẫu máu này sau đó được đưa vào phòng thí nghiệm để đo lường mức độ Hb. Có hai phương pháp chính để tiến hành xét nghiệm Hb:

  • Phương pháp quang phổ (Spectrophotometry)
  • Phương pháp điện hóa (Electrochemistry).

Cả hai phương pháp này đều cho kết quả chính xác cao về mức độ Hb trong máu. Kết quả xét nghiệm sẽ có sau khoảng 1-2 ngày lấy mẫu.

Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm Hb

Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức độ Hb trong cơ thể., trong đó bao gồm một số yếu tố phổ biến như:

  • Yếu tố dinh dưỡng: thiếu hụt chất sắt, axit folic, vitamin B12 và các dưỡng chất khác có thể gây suy giảm nồng độ Hb.
  • Các bệnh lý như thiếu máu thiếu sắt, thalassemia, ung thư, bệnh thận, viêm gan, bệnh tim mạch và các bệnh lý khác có thể ảnh hưởng đến mức Hb.
  • Các yếu tố liên quan đến môi trường sống: vùng địa lý, mức độ ô nhiễm không khí và yếu tố môi trường khác có thể làm thay đổi mức Hb trong máu.
  • Tình trạng sức khỏe tổng quát: trạng thái tâm lý, mệt mỏi, stress, tình trạng viêm nhiễm, thể lực… có thể ảnh hưởng đến mức Hb.

Cách đọc kết quả xét nghiệm Hb

Lượng Hb được đo lường bằng đơn vị gam trên deciliter (g/dl). Chỉ số Hb bình thường có thể khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và các yếu tố khác. Theo số liệu từ Clinical Methods: The History, Physical, and Laboratory Examinations (3rd edition), chỉ số Hb bình thường ở người trưởng thành phân theo giới tính như sau:

  • Nam giới: từ 14 đến 18 g/dl.
  • Nữ giới: từ 12 đến 16 g/dl.

Kết quả xét nghiệm nồng độ Hemoglobin thấp có thể là dấu hiệu của:

  • Bệnh thiếu máu, thiếu sắt
  • Bệnh Thalassemia
  • Bệnh gan
  • Ung thư và các bệnh khác

Nếu kết quả xét nghiệm nồng độ hemoglobin cao có thể cảnh báo các vấn đề liên quan đến:

  • Bệnh phổi
  • Bệnh tim
  • Bệnh đa hồng cầu nguyên phát gây đau đầu, mệt mỏi và khó thở.

Những điều cần làm sau khi có kết quả xét nghiệm Hb

Sau khi có được kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ căn cứ kết hợp cùng các yếu tố lâm sàng, tình trạng sức khỏe và bệnh lý khác để chẩn đoán. Mức Hemoglobin bất thường không có nghĩa là người làm xét nghiệm đang mắc bệnh.

Kết luận cuối cùng được xem xét dựa trên việc đánh giá của bác sĩ về các triệu chứng, công thức máu và kết quả xét nghiệm bổ sung để chẩn đoán nguyên nhân thay đổi nồng độ Hb trong máu. Vì vậy, người bệnh sau khi có kết quả xét nghiệm cần hội chẩn với bác sĩ để biết được chính xác tình trạng sức khỏe của mình.

Xét nghiệm Hb có vai trò quan trọng trong quá trình chẩn đoán và theo dõi bệnh lý dựa trên khả năng cung cấp oxy nuôi dưỡng cơ thể. Mức độ Hb có thể phản ánh các tình trạng bệnh lý liên quan, giúp bác sĩ đưa ra những chẩn đoán chính xác và phương pháp điều trị phù hợp để cải thiện sức khỏe cho người bệnh.