Xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt: ý nghĩa, kết quả và những lưu ý cần biết
xet-nghiem-thieu-mau-thieu-sat
Xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt là một xét nghiệm quan trọng để đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể - ảnh: BookingCare

Xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt: ý nghĩa, kết quả và những lưu ý cần biết

Tác giả: - Xuất bản: 14/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 20/11/2023
Xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt là xét nghiệm tổng hợp đánh giá hàm lượng sắt trong cơ thể, có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan đến thiếu máu.

Xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt là phương pháp phổ biến để đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát và chức năng tuần hoàn máu của cơ thể. Tìm hiểu về ý nghĩa kết quả xét nghiệm và những lưu ý trong quá trình xét nghiệm qua bài viết!

Ý nghĩa xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt

Xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt là phép đo tổng hợp tất cả các yếu tố trong máu để kiểm tra nồng độ sắt trong cơ thể. Sắt là một khoáng chất cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu có chức năng mang oxy từ phổi đến các mô, cơ quan của cơ thể. Sắt cũng quan trọng trong việc duy trì chức năng cơ bắp, tủy xương và một số cơ quan khác.

Thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng cơ thể không có đủ sắt để sản xuất hồng cầu trong cơ thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Việc thực hiện xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt có ý nghĩa đặc biệt trong việc xác định mức độ thiếu sắt và đưa ra các thông tin quan trọng để chẩn đoán và điều trị bệnh lý.

Dấu hiệu cần thực hiện xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt

Các trường hợp có thể cần xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt nếu có các dấu hiệu như:

  • Da nhợt nhạt
  • Mệt mỏi
  • Mất sức
  • Chóng mặt
  • Hụt hơi
  • Tim đập loạn nhịp
  • Đau khớp
  • Đau bụng
  • Thiếu năng lượng
  • Lưỡi và miệng sưng phù
  • Lông, tóc, móng khô dễ gãy
  • Rong kinh
  • Giảm trí nhớ, mất tập trung
  • Sút cân không rõ nguyên nhân

Ai cần thực hiện xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt?

Bất kỳ ai có triệu chứng thiếu máu thiếu sắt đều cần thực hiện xét nghiệm. Đặc biêt, một số nhóm người có nguy cơ cao cần thực hiện xét nghiệm với tần suất cao hơn như:

  • Phụ nữ có kỳ kinh nguyệt dài, lượng kinh nguyệt mỗi kỳ rất nhiều
  • Phụ nữ mang thai
  • Trẻ em đang phát triển, người cao tuổi
  • Người có chế độ ăn uống không cân đối, sử dụng chất kích thích thường xuyên
  • Người mất máu do chấn thương hoặc phẫu thuật.

Tần suất thực hiện xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt

Tần suất cần thực hiện xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe cá nhân, triệu chứng, lịch sử bệnh lý và hướng dẫn của bác sĩ.

  • Đối với những người có tình trạng sức khỏe bình thường, không có triệu chứng đáng kể của thiếu máu thiếu sắt có thể thực hiện xét nghiệm định kỳ hàng năm hoặc 2 năm/lần.
  • Các trường hợp có yếu tố nguy cơ cao (tiền sử thiếu máu thiếu sắt, chu kỳ kinh nguyệt thất thường, mang thai, chảy máu dạ dày, ruột, hấp thụ sắt kém…) hoặc triệu chứng liên quan đến thiếu máu thiếu sắt, người bệnh có thể được yêu cầu xét nghiệm thường xuyên hơn để theo dõi.
  • Các trường hợp được chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt và đang điều trị, tần suất xét nghiệm có thể được điều chỉnh theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều này giúp theo dõi hàm lượng sắt trong cơ thể và đánh giá hiệu quả điều trị.

Để biết cụ thể tần suất các xét nghiệm máu này cho từng trường hợp, người làm xét nghiệm nên tới các cơ sở y tế để được bác sĩ đánh giá và hướng dẫn phù hợp để theo dõi tình trạng sức khỏe.

Các xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt

Quy trình xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt bao gồm thu thập mẫu máu từ bệnh nhân và tiến hành các phép đo cụ thể để đánh giá mức độ sắt và các chỉ số liên quan. Các xét nghiệm sắt liên quan khác bao gồm:

  • Xét nghiệm công thức máu: Xem tình trạng thiếu máu, MCV, MCHC…
  • Xét nghiệm sắt huyết thanh: đo lượng sắt trong máu 
  • Xét nghiệm bão hòa transferrin: đo tỉ lệ phần trăm các vị trí liên kết với sắt trên  transferrin - loại protein vận chuyển sắt đi khắp cơ thể
  • Tổng khả năng liên kết sắt (TIBC): xét nghiệm đo lường mức độ transferrin trong máu có khả năng vận chuyển sắt đến hồng cầu hoặc tới các cơ quan dự trữ.
  • Xét nghiệm Ferritin: đo lượng sắt được dự trữ trong cơ thể

Các xét nghiệm này có thể được thực hiện đơn lẻ hoặc đồng thời tùy vào mục đích chẩn đoán của bác sĩ. Ngoài ra có thể thực hiện thêm các xét nghiệm khác tìm nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt.

Phạm vi chỉ số bình thường trong xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt

Kết quả xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt được đánh giá dựa trên các chỉ số quan trọng như hàm lượng sắt, chỉ số Ferritin, TIBC và Transferrin. Mức chỉ số bình thường có thể khác nhau tùy theo giới tính, độ tuổi và yếu tố cá nhân. Kết quả xét nghiệm sẽ cho biết mức độ thiếu sắt và đánh giá tình trạng thiếu máu của bệnh nhân.

  • Hàm lượng sắt và khả năng gắn kết sắt TIBC được đo bằng đơn vị microgam trên deciliter (mcg/dL). Hàm lượng sắt trong cơ thể bình thường là:
    • Từ 70 đến 175 mcg/dL đối với nam giới
    • Từ 50 đến 170 mcg/dL đối với phụ nữ
    • Từ 50 đến 120 mcg/dL đối với trẻ em
  • Phạm vi TIBC bình thường dao động ở mức từ 250 đến 450 mcg/dL đối với nam và nữ.
  • Phạm vi chỉ số Transferrin bình thường dao động ở mức từ 215 đến 380 mg/dl mcg/dL đối với nam và nữ.

Kết luận về tình trạng thiếu máu thiếu sắt sẽ được đánh giá sau khi bác sĩ nhận được kết quả từ các xét nghiệm sắt trong máu có liên quan để đưa ra chẩn đoán cuối cùng cho người xét nghiệm.

Những lưu ý trong quá trình xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt

  • Người kiểm tra có thể được yêu cầu làm các xét nghiệm máu này vào buổi sáng do khi đó nồng độ sắt gần với mức bình thường nhất. Người làm xét nghiệm cần nhịn ăn trước xét nghiệm khoảng từ 8-12 giờ để cho mẫu máu chất lượng nhất.
  • Nếu đang sử dụng các loại thuốc, thảo dược, vitamin,... người làm xét nghiệm cần thông tin cho bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể việc ngừng thuốc nhằm tránh ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
  • Hầu hết các trường hợp thiếu máu thiếu sắt đều có thể được điều trị thành công bằng cách bổ sung sắt, chế độ ăn uống, điều trị bằng thuốc hoặc các phương pháp khác. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để đáp ứng việc điều trị.
  • Bên cạnh đó, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý: bổ sung thực phẩm giàu sắt (thịt đỏ, rau lá xanh, đậu, sữa, trứng,...), vitamin B12 hỗ trợ hấp thu sắt, tránh uống rượu bia, vận động hợp lý,... để cải thiện và duy trì cơ thể khỏe mạnh.

Thực hiện xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt có ý nghĩa lớn trong việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời các vấn đề tuần hoàn máu và các bệnh lý liên quan. Bạn đọc có thể đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn bởi các bác sĩ, chuyên gia thực hiện xét nghiệm máu chuyên sâu giúp kiểm soát bệnh tật và chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết