Xét nghiệm viêm gan C và những lưu ý khi thực hiện xét nghiệm
nhung-dieu-can-biet-ve-viem-gan-c
Xét nghiệm viêm gan C là phương pháp chẩn đoán virus viêm gan C nhanh và hiệu quả nhất - ảnh: BookingCare

Xét nghiệm viêm gan C và những lưu ý khi thực hiện xét nghiệm

Tác giả: - Xuất bản: 30/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 30/10/2023
Xét nghiệm viêm gan C có mục đích gì và những lưu ý quan trọng mà người làm xét nghiệm cần biết trong quá trình thực hiện xét nghiệm viêm gan C? Tham khảo ngay bài viết sau đây.

Xét nghiệm viêm gan C là phương pháp nhanh và chính xác nhất để chẩn đoán một người có mắc virus HCV hay không. Xét nghiệm viêm gan C cũng có một số bước tương tự như một số xét nghiệm cận lâm sàng khác mà bạn đọc có thể tham khảo.

Xét nghiệm viêm gan C để làm gì?

Xét nghiệm viêm gan C nhằm mục đích tìm kiếm sự tồn tại của virus HCV trong máu. Xét nghiệm viêm gan C là phương pháp rất quan trọng để chẩn đoán chính xác người nghi nhiễm có thực sự mắc viêm gan C hay không.

Kết quả xét nghiệm giúp bác sĩ và người bệnh xác định khả năng, tình trạng gan và mức độ nặng nhẹ của bệnh, từ đó đưa ra phương pháp điều trị viêm gan C phù hợp.

Hầu hết các ca mắc viêm gan cấp tính thường được trong khoảng 8 đến 12 tuần. Các ca bệnh mãn tính được điều trị lâu dài bằng thuốc để kiểm soát và hạn chế những biến chứng nặng ảnh hưởng đến tính mạng.

Những đối tượng cần xét nghiệm viêm gan C

Tất cả mọi người đều có khả năng mắc viêm gan C, đặc biệt các trường hợp mắc bệnh ở độ tuổi càng trẻ càng có nguy cơ cao chuyển biến thành bệnh mãn tính. Các xét nghiệm viêm gan C được đề nghị thực hiện ít nhất một lần trong đời cho tất cả những người trên 18 tuổi, đặc biệt là các trường hợp phụ nữ đang mang thai, các trường hợp có quan hệ tình dục đồng tính nam, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân viêm gan C hoặc những người đang điều trị bệnh…

Ngoài ra, xét nghiệm viêm gan C được khuyến khích thực hiện định kỳ cho những người có nguy cơ cao mắc virus HCV.

Các phương pháp xét nghiệm viêm gan C

Các phương pháp xét nghiệm nhằm mục đích tìm ra sự tồn tại của virus trong cơ thể người. Tùy thuộc vào các phương pháp xét nghiệm được sử dụng mà người bệnh hoặc bác sĩ có thể sàng lọc và đánh giá được khả năng và mức độ của bệnh. Có 3 phương pháp phổ biến được dùng trong xét nghiệm viêm gan C như sau:

Xét nghiệm kháng thể viêm gan C (anti-HCV)

Xét nghiệm kháng thể viêm gan C là phương pháp xác định sự xuất hiện kháng thể virus HCV trong cơ thể người. Xét nghiệm này mang tính sàng lọc các trường hợp tiếp xúc với virus viêm gan C, từ đó đưa ra quyết định thực hiện các xét nghiệm bổ sung khác.

xet-nghiem-khang-the-viem-gan-c
Xét nghiệm kháng thể sàng lọc các trường hợp tiếp xúc với virus viêm gan C - ảnh: canva.com

Xét nghiệm ARN viêm gan C

Xét nghiệm này thường được sử dụng cho các trường hợp dương tính với xét nghiệm kháng thể. ARN là vật liệu di truyền của virus HCV khi xâm nhập được tiết vào trong máu. Xét nghiệm này thường được sử dụng để tìm kiếm hoặc đo lượng vi rút trong máu (xét nghiệm định lượng).

Kết quả của xét nghiệm này cho thấy mức độ đang nhân lên của virus trong cơ thể, qua đó đánh giá mức độ bệnh và hỗ trợ lớn vào việc theo dõi đáp ứng điều trị cho bệnh nhân.

Xét nghiệm kiểu gen

Xét nghiệm kiểu gen là phương pháp xét nghiệm tìm kiếm virus dựa trên kiểu gen di truyền của chúng. Dựa vào xét nghiệm này, các nhà nghiên cứu y học đã phân chia virus viêm gan C ra thành 6 chủng khác nhau. Nhờ đó các bác sĩ có thể đưa ra những hướng dẫn điều trị hiệu quả cho từng trường hợp mắc một hoặc nhiều loại virus cùng lúc.

Cách đọc kết quả xét nghiệm

Cách đọc kết quả xét nghiệm dựa trên việc phân tích các yếu tố để khẳng định người bệnh có nhiễm (dương tính) hoặc không nhiễm (âm tính) virus HCV.

Xét nghiệm kháng thể

  • Trường hợp kết quả dương tính (+): khẳng định người nghi nhiễm đã tiếp xúc với virus vào một thời điểm nào đó. Các trường hợp có kết quả dương tính, người nghi nhiễm thường được đề xuất thực hiện xét nghiệm ARN HCV để khẳng định.
  • Trường hợp kết quả xét nghiệm kháng thể viêm gan C âm tính (-): người nghi nhiễm hiện tại không bị nhiễm virus viêm gan C, tuy nhiên vẫn cần theo dõi và xét nghiệm lại nếu nghi ngờ từng tiếp xúc với nguồn bệnh trong vòng 6 tháng.

Xét nghiệm ARN HCV

  • Trường hợp kết quả dương tính (+): có xuất hiện vật liệu di truyền của virus HCV, khẳng định người đó dương tính với viêm gan C.
  • Trường hợp kết quả âm tính (-): có thể người này đã từng mắc bệnh và tự loại bỏ virus khỏi cơ thể mà không cần điều trị.

Xét nghiệm kiểu gen

Trường hợp dương tính với xét nghiệm ARN HCV, người bệnh sẽ được thực hiện xét nghiệm kiểu gen để xác định chủng viêm gan C. Chủng này có thể giúp bác sĩ đánh giá sức khỏe và lên phác đồ điều trị phù hợp. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh thực hiện thêm các xét nghiệm sàng lọc HIV và viêm gan B vì những bệnh nhiễm trùng này lây lan giống như HCV.

Một số xét nghiệm khác

Trong quá trình xét nghiệm virus HCV, người bệnh có thể được thực hiện thêm các xét nghiệm để tìm kiếm và đánh giá tổn thương gan do bệnh viêm gan C như:

  • Đo độ đàn hồi cộng hưởng từ (MRE): xét nghiệm không xâm lấn này thường được thay thế cho xét nghiệm sinh thiết gan để tìm kiếm những nơi gan bị tổn thương (xơ, sẹo, cứng).
  • Xét nghiệm đo độ đàn hồi, kiểm tra tổn thương (mức độ gan bị cứng) bằng việc đo tốc độ rung động đi qua mô gan (thường dùng sóng siêu âm).
  • Xét nghiệm máu: một loạt các xét nghiệm máu có thể cho thấy mức độ tổn thương gan của người bệnh.

Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm viêm gan C

Trong quá trình xét nghiệm viêm gan C cần chú ý đến một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm như:

Quy trình, phương pháp xét nghiệm

Sự lựa chọn và phương pháp xét nghiệm được sử dụng có thể ảnh hưởng đến kết quả. Có một số phương pháp xét nghiệm viêm gan C khác nhau như xét nghiệm kháng nguyên, xét nghiệm kháng thể, xét nghiệm PCR... và mỗi phương pháp có độ nhạy và độ chính xác khác nhau.

Bên cạnh đó trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm, nếu nhân viên y tế không lấy đúng cách hoặc trong quá trình vận chuyển mẫu không được bảo quản đúng cách có thể dẫn đến kết quả không chính xác.

yeu-to-anh-huong-den-ket-qua-xet-nghiem-viem-gan-c
Tác động từ quy trình xét nghiệm có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm viêm gan C - ảnh: canva.com

Thời điểm lấy mẫu

Kết quả xét nghiệm viêm gan C có thể khác nhau tùy thuộc vào thời gian lây nhiễm và phát bệnh. Trong giai đoạn sớm của viêm gan C, số lượng vật liệu di truyền ARN của virus HCV có thể ở mức cao, trong khi trong giai đoạn muộn hoặc sau điều trị số lượng này có thể giảm xuống khiến một số xét nghiệm không thể phát hiện được. Ngoài ra, các yếu tố về sức khỏe, tình trạng miễn dịch của người lấy mẫu cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

Mức độ nhiễm trùng

Mức độ nhiễm trùng viêm gan C có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Các chỉ số như hàm lượng vật liệu ARN HCV hoặc các chỉ số viêm gan khác có thể thay đổi dựa trên mức độ nhiễm trùng.

Các lưu ý khi xét nghiệm viêm gan C

Người làm xét nghiệm hầu hết không cần chuẩn bị gì đặc biệt trước khi xét nghiệm viêm gan C. Tuy nhiên nếu bạn đang dùng bất cứ loại thuốc nào (kể cả thuốc bổ, thực phẩm chức năng) khác cần thông báo chi tiết với bác sĩ để được hướng dẫn.

Ngoài ra, người bệnh nên thực hiện ăn uống lành mạnh, không sử dụng chất kích thích, sinh hoạt điều độ trước xét nghiệm khoảng 3 - 5 ngày để đảm bảo sức khỏe và chuẩn bị mẫu bệnh phẩm ở trạng thái tốt nhất.

Các xét nghiệm viêm gan C thường sử dụng mẫu máu để xét nghiệm. Vì vậy, người bệnh có thể được lấy máu bằng ống kim tiêm hoặc lưỡi trích (đối với trẻ nhỏ). Quá trình lấy mẫu người bệnh có thể cảm thấy hơi đau. Nếu bác sĩ lấy máu từ tĩnh mạch, người bệnh có thể bị bầm tím và đau nhức, tuy nhiên hiện tượng này sẽ kết thúc trong vài ngày sau đó.

Hầu hết người bệnh không bị hạn chế các hoạt động sau khi lấy mẫu xét nghiệm. Tùy vào từng phương pháp xét nghiệm, người bệnh có thể nhận được kết quả trong vòng vài giờ ( như xét nghiệm nhanh kháng nguyên) hoặc vài ngày làm việc (như xét nghiệm ARN HCV, xét nghiệm kiểu gen).

Trên đây là những lưu ý về việc xét nghiệm viêm gan C. Hy vọng mọi người có thể tham khảo và đánh giá thực hiện các xét nghiệm phù hợp để phòng tránh viêm gan C và điều trị bệnh hiệu quả.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết