Xét ngiệm ion đồ máu để làm gì? Ý nghĩa các chỉ số trong xét nghiệm?

Tác giả: - Xuất bản: 06/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 06/11/2023
Xét ngiệm ion đồ máu để làm gì? Ý nghĩa các chỉ số trong xét nghiệm?
Xét ngiệm ion đồ máu để làm gì? Ý nghĩa các chỉ số trong xét nghiệm? - Ảnh: BookingCare
Xét nghiệm ion đồ là xét nghiệm chuyên sâu về điện giải máu, cho phép đánh giá mức độ các ion chủ yếu trong cơ thể để phát hiện các rối loạn điện giải.

Các chất điện giải trong cơ thể đóng vai trò rất quan trọng bởi vì chúng là những chất mà tế bào (đặc biệt là các tế bào thần kinh, tim và cơ) sử dụng để duy trì điện áp trên màng tế bào và mang xung điện (xung thần kinh, co thắt cơ) trên chính chúng đến các tế bào khác.

Xét nghiệm ion đồ máu là phương pháp xác định hàm lượng các ion như natri, kali, canxi, magie, clo,... trong máu để đánh giá chức năng của các cơ quan trong cơ thể.

Kết quả xét nghiệm điện giải đồ cũng đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân bị rối loạn điện giải và điều trị các bệnh lý liên quan khác.

Xét nghiệm ion đồ máu để làm gì?

Xét nghiệm ion đồ máu có thể ứng dụng trong nhiều trường hợp khác nhau:

  • Xét nghiệm điện giải đồ thường được chỉ định khi bệnh nhân có các dấu hiệu của tình trạng rối loạn điện giải trong cơ thể; kèm theo những triệu chứng như: Mất nước, tim đập bất thường, hoa mắt chóng mặt, tuần hoàn máu kém,…

  • Riêng với những bệnh nhân đã biết bệnh lý từ trước thì việc xét nghiệm các chất điện giải được chỉ định kết hợp để đánh giá bệnh cấp hay mạn tính, hay ảnh hưởng của thuốc điều trị.

  • Xét nghiệm điện giải đồ đưa ra chỉ số định lượng cụ thể các chất điện giải, giúp bác sĩ xác định chính xác tình trạng của bệnh nhân để điều trị.

  • Ngoài ra, trong theo dõi điều trị các bệnh lý như: Suy tim, tăng huyết áp, bệnh lý về gan, thận thì xét nghiệm điện giải đồ cũng có thể được chỉ định.

Ý nghĩa các chỉ số trong xét nghiệm ion đồ máu?

Một số chỉ số chính trong xét nghiệm điện giải đồ bao gồm: Natri, Kali, Canxi, Magiê, Clo, Bicacbonat. Mỗi chỉ số này đều có vai trò quan trọng trong việc đánh giá tình trạng điện giải và chức năng các cơ quan trong cơ thể.

Natri

Natri là ion khoáng chính trong cơ thể, chiếm khoảng 60% lượng khoáng trong máu và giúp duy trì thể tích nước ngoại bào.

Nồng độ Natri bình thường trong máu: 135-145 mmol/L

  • Tăng natri máu: Hội chứng Conn (hay cường Aldosteron nguyên phát), hội chứng cường năng vỏ thượng thận và tác dụng phụ khi điều trị bằng corticoid, mất nước, đái tháo nhạt
  • Hạ natri máu: Vấn đề tại thận (bệnh thiểu năng vỏ thượng thận, suy thận mạn, ống thận bị tổn thương nặng,...), mất nước, say nắng, đổ nhiều mồ hôi

Kali

Kali là ion khoáng quan trọng trong cơ thể, đóng vai trò tham gia vào các phản ứng cơ bắp và phản xạ thần kinh.

Nồng độ Kali bình thường trong máu: 3,5 – 5,0 mmol/L

  • Tăng kali máu: Suy thận nặng cấp tính hoặc mạn tính, suy thượng thận, nhiễm toan chuyển hóa, là hệ quả của bỏng nặng, chấn thương nặng, tiêu cơ vân, sốc phản vệ,...
  • Hạ kali máu: Mất nước nhiều (gặp vấn đề tại đường tiêu hóa do tiêu chảy, nôn mửa, bỏng, mắc bệnh về thận), dùng thuốc lợi tiểu hoặc corticoid trong thời gian dài

Canxi

Canxi là một chất khoáng quan trọng trong cơ thể, không chỉ giúp xương và răng chắc khỏe, nó cũng được sử dụng để điều khiển cơ bắp, truyền tín hiệu trong dây thần kinh,  điều hoà nhịp tim và một số chức năng khác như có vai trò trong đông cầm máu.

Nồng độ Canxi bình thường trong máu: 2,1 – 2,6 mmol/L

Có quá nhiều hoặc quá ít canxi trong máu có thể gây ra một loạt các triệu chứng khác nhau trong cơ thể bạn.

  • Tăng canxi máu có thể gây: nhiễm toan hóa máu, hội chứng nhiễm kiềm do sữa, đa u tủy xương, ngộ độc vitamin D,...
  • Hạ canxi máu: suy cận giáp tiên phát hoặc thứ phát, kiềm hóa máu, thiếu hụt vitamin D, hội chứng sốc do độc tố, tắc mạch do mỡ, giảm hấp thu.

Clo

Clo là ion có nhiều thứ hai trong cơ thể. Đây cũng là khoáng chất quan trọng duy trì sự cân bằng chất lỏng bên trong và bên ngoài. Nó cũng đóng một vai trò trong việc duy trì sự cân bằng độ pH tự nhiên của cơ thể.

Nồng độ Clo bình thường trong máu:  90-110 mmol/L

  • Tăng clo máu: Đái tháo nhạt, mất nước nhiều, vấn đề tại thận (suy thận cấp, ưu năng vỏ thượng thận), đái tháo đường gây tăng áp lực thẩm thấu.
  • Hạ clo máu: Người bệnh bị mất muối hoặc khẩu vị ăn uống hàng ngày quá nhạt, nhiễm trùng cấp, thiểu năng vỏ thượng thận,...

Magiê

Magie là khoáng chất quan trọng. Magiê có mặt trong thành phần khoảng 300 enzym khác nhau, có vai trò điều hoà các chức năng và nhiều quá trình chuyển hoá năng lượng.

Nồng độ Magie bình thường trong máu: 0,7-1,0 mmol/L.

  • Tăng magie máu: suy thận, cường cận giáp, suy giáp, mất nước, nhiễm acid do đái tháo đường, bệnh Addison, sử dụng các thuốc kháng acid chứa magiê hoặc thuốc nhuận tràng.
  • Hạ magie máu: Chế độ ăn uống kém (có thể gặp ở người cao tuổi, suy dinh dưỡng và nghiện rượu), rối loạn tiêu hóa, đái tháo đường mất kiểm soát, suy tuyến cận giáp,...

Bicacbonat

Bicarbonat là loại xét nghiệm hóa sinh dùng để đo lường tổng lượng bicarbonat có trong máu.

Nồng độ Bicacbonat bình thường trong máu: 22 – 26 mmol/L

Khi các chất điện giải bị rối loạn sẽ dẫn đến rối loạn cân bằng kiềm toan (rối loạn cân bằng acid-base) từ đó gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm.

  • Tăng bicarbonate máu: Nôn mửa nhiều, kéo dài, bệnh phổi, hội chứng Cushing,...
  • Hạ bicarbonate máu: bệnh Addison, tiêu chảy mãn tính, nhiễm acid chuyển hóa, bệnh thận,...

Mọi kết quả xét nghiệm ion đồ cao hơn hoặc thấp hơn mức bình thường đều phản ánh tình trạng rối loạn liên quan trực tiếp đến các vấn đề sức khỏe, vậy nên việc thực hiện xét nghiệm và theo dõi định kỳ là vô cùng cần thiết.