Xét nghiệm điện giải đồ: Là gì? Khi nào cần xét nghiệm? Các chỉ số và ý nghĩa?

Tác giả: - Xuất bản: 06/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 06/11/2023
Xét nghiệm điện giải đồ
Xét nghiệm điện giải đồ: Là gì? Khi nào cần xét nghiệm? Các chỉ số và ý nghĩa? - Ảnh: BookingCare
Điện giải đồ là xét nghiệm để đo chất điện giải (khoáng chất) trong máu. Mất cân bằng điện giải có thể là dấu hiệu của vấn đề về tim, phổi hoặc thận. Mất nước cũng gây mất cân bằng điện giải.

Các chất điện giải trong cơ thể bao gồm các loại khoáng chất và dịch mang điện tích hòa tan trong các dịch cơ thể, quan trọng nhất là các ion Natri, Kali, Clo( Na+, K+, Cl-).

Các chất điện giải đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng nội môi trong cơ thể, cung cấp năng lượng giúp điều hòa chức năng tim và thần kinh, huyết áp bình thường của cơ thể giúp cơ thể bổ sung dưỡng chất, phân phối oxy, cân bằng axit-bazơ và nhiều chức năng khác nữa.

Xét nghiệm điện giải đồ là phương pháp phổ biến nhằm đo mức độ điện giải trong cơ thể. Việc định lượng nồng độ các điện giải rất quan trọng trong việc xác định phương hướng điều trị đối với bệnh nhân bị rối loạn điện giải và các bệnh lý có liên quan khác.

Cùng BookingCare tìm hiểu chi tiết về xét nghiệm điện giải đồ qua bài viết dưới đây.

Xét nghiệm điện giải đồ là gì?

Xét nghiệm điện giải đồ là một xét nghiệm định lượng nồng độ các ion điện giải trong cơ thể. Thông thường thực hiện các xét nghiệm Na+, K+, Cl-, Ca2+... Các chỉ số này sẽ cho biết mức độ điện giải ở mức bình thường, cao hay thấp. Các chất điện giải máu thường được định lượng theo phương pháp điện cực chọn lọc gián tiếp.

Kết quả xét nghiệm điện giải đồ đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán, theo dõi điều trị bệnh nhân bị rối loạn điện giải và điều trị các bệnh lý liên quan khác.

Khi nào cần xét nghiệm điện giải đồ?

Xét nghiệm điện giải đồ thường được xem là một phần của xét nghiệm sức khỏe định kỳ. Bên cạnh đó, xét nghiệm điện giải đồ cũng có thể là một xét nghiệm riêng biệt được chỉ định khi bệnh nhân có các dấu hiệu của tình trạng rối loạn điện giải trong cơ thể; kèm theo những triệu chứng như: mất nước, tim đập bất thường, hoa mắt chóng mặt, tuần hoàn máu kém,…

Riêng với những bệnh nhân đã biết bệnh lý từ trước thì việc xét nghiệm các chất điện giải được chỉ định kết hợp để đánh giá bệnh cấp hay mạn tính, hay ảnh hưởng của thuốc điều trị.

Ngoài ra, xét nghiệm điện giải đồ cũng được ứng dụng trong theo dõi điều trị các bệnh lý như: suy tim, tăng huyết áp, bệnh lý về gan, thận,...

Các chỉ số trong xét nghiệm điện giải đồ và ý nghĩa

Ý nghĩa của xét nghiệm các chất điện giải được làm rõ qua các chỉ số trong bộ xét nghiệm các chất điện giải. Bộ xét nghiệm này bao gồm các xét nghiệm định lượng nồng độ các ion điện giải quan trọng nhất như Natri, Kali, Clo. Cụ thể như sau:

Nồng độ Natri

Giá trị natri máu ở người bình thường dao động trong khoảng 135 – 145 mmol/L. Natri đóng vai trò cơ bản trong điều hòa cân bằng nước và duy trì áp lực thẩm thấu máu. Bình thường, cơ thể sử dụng lượng natri từ khẩu phần ăn mà cơ thể cần và lượng dư thừa sẽ được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu, một phần nhỏ qua mồ hôi.

  • Natri trong máu tăng trong mất nước, đái tháo nhạt, viêm khí phế quản, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, cường aldosteron tiên phát, truyền quá nhiều dịch muối, chế độ ăn quá nhiều muối, dùng thuốc lợi tiểu…
  • Natri trong máu giảm khi cơ thể bị mất Natri quá mức, trong các trường hợp như nôn, ỉa chảy, bỏng, suy tim, dùng thuốc lợi tiểu,…

Nồng độ Kali

Giá trị kali máu ở người bình thường là 3,5- 5.1 mmol/L. Nồng độ Kali trong máu ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của cơ tim, sự truyền dẫn, nhịp tim.

Kali trong máu tăng trong các bệnh lý suy thận cấp và mạn, bệnh Addison, đái tháo đường, suy tim, tình trạng truyền quá nhiều dung dịch muối ưu trương, phản ứng truyền máu, thiếu máu tan máu, tiêu cơ vân,…

Kali trong máu giảm trong các bệnh lý thận (bệnh thận kẽ, bệnh mạch thận, ống thận, u thận chế tiết renin,…), do mất K+ (nôn, ỉa chảy, bỏng, mất quá nhiều mồ hôi, dùng thuốc thụt tháo, lợi tiểu,…), truyền dịch muối không cung cấp kali, cường Aldosteron, hội chứng Cushing,…

Nồng độ Clo

Nồng độ Clo trong máu bình thường từ 90-110 mmol/l. Clo tham gia duy trì tình trạng trung hòa về điện tích bằng cách đối trọng với cation như Natri, do đó những thay đổi của nồng độ Clo thường đi kèm những thay đổi tương ứng của nồng độ Natri.

Nồng độ Clo trong máu tăng trong các trường hợp toan chuyển hóa, ăn mặn kéo dài, ỉa chảy kéo dài gây mất natri bicarbonat, bệnh lý ống thận, kiềm hô hấp, hội chứng Cushing, suy tim, suy thận cấp, thiếu máu, đái tháo nhạt, ỉa chảy, mất nước nặng,…

Clo trong máu giảm trong trường hợp ăn nhạt kéo dài, nôn, bỏng, mất nhiều mồ hôi, hút dịch dạ dày, đái tháo đường, nhiễm khuẩn cấp, suy thận mạn, dùng thuốc lợi niệu, bệnh Addison, suy vỏ thượng thận,…

Nếu xuất hiện những bất thường về nồng độ các chất điện giải trong cơ thể thì được gọi là mất cân bằng điện giải. Sự mất cân bằng này có thể phát triển hoặc diễn tiến nhanh hơn bởi các cơ chế sau: ăn quá nhiều hoặc giảm uống hay loại bỏ quá nhiều các chất điện phân nên nồng độ điện giải trong cơ thể bị thay đổi. 

Xét nghiệm điện giải đồ có cần nhịn ăn không?

Bạn không cần phải nhịn ăn trước khi xét nghiệm điện giải máu. Nhưng nếu bạn thực hiện xét nghiệm điện giải đồ chung với xét nghiệm đường máu, mỡ máu,... thì sẽ cần phải nhịn ăn để đảm bảo kết quả chính xác. 

Như vậy, xét nghiệm điện giải đồ là xét nghiệm máu đơn giản, hữu ích giúp bác sĩ chẩn đoán, theo dõi điều trị một số bệnh lý nhất định như tăng huyết áp, suy tim, bệnh lý gan và thận của người bệnh, giúp xác định nguyên nhân và điều trị để khôi phục lại sự cân bằng điện giải thích hợp của cơ thể.