Xét nghiệm vi chất dinh dưỡng: Là gì? Ai cần xét nghiệm? Ý nghĩa các chỉ số

Tác giả: - Xuất bản: 06/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 06/11/2023
Xét nghiệm vi chất dinh dưỡng
Xét nghiệm vi chất dinh dưỡng: Là gì? Ai cần xét nghiệm? Ý nghĩa các chỉ số - Ảnh: BookingCare
Bạn đang quan tâm tìm hiểu các thông tin liên quan tới chủ đề xét nghiệm vi chất dinh dưỡng, thì bài viết dưới đây của BookingCare là dành cho bạn.

Các vi chất dinh dưỡng bao gồm vitamin, khoáng chất, các chất chống oxy hóa,... là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ (tính bằng mg hoặc mcg) nhưng lại có vai trò không thể thiếu trong tăng trưởng, phát triển, duy trì và nâng cao sức khoẻ, phòng chống bệnh tật, đặc biệt là ở trẻ em.

Hầu hết các loại vi chất dinh dưỡng đều tham gia vào các quá trình hoạt động của cơ thể. Đặc biệt, một số loại còn hoạt động với vai trò giống như chất chống oxy hóa để bảo vệ trước tình trạng tổn thương tế bào liên quan đến các bệnh tim mạch, ung thư, alzheimer,...

Xét nghiệm vi chất dinh dưỡng là gì?

Để biết được trẻ đang bị thiếu hụt hay thừa vi chất dinh dưỡng, cha mẹ cần cho trẻ thăm khám trực tiếp với bác sĩ có chuyên môn và làm các xét nghiệm vi chất cần thiết theo chỉ định.

Xét nghiệm vi chất dinh dưỡng là một xét nghiệm máu giúp đánh giá tình trạng thiếu hụt hoặc thừa các vi chất dinh dưỡng trong cơ thể.  Xét nghiệm này có vai trò quan trọng trong việc:

  • Phát hiện sớm tình trạng thiếu hụt hoặc thừa vi chất dinh dưỡng
  • Đánh giá hiệu quả của việc bổ sung vi chất dinh dưỡng
  • Phòng ngừa các bệnh lý do thiếu hụt vi chất dinh dưỡng

Ai cần xét nghiệm vi chất dinh dưỡng

Bất cứ ai có biểu hiện của thiếu hụt vi chất dinh dưỡng hoặc có nguy cơ cao bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng đều nên thực hiện xét nghiệm vi chất dinh dưỡng. Tiêu biểu như:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
  • Trẻ đang trong giai đoạn phát triển thể chất và trí não
  • Phụ nữ mang thai, bà mẹ đang cho con bú
  • Người lớn tuổi, người vừa trải qua phẫu thuật
  • Người mắc các bệnh nan y cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt

Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, tất cả trẻ em đều cần được làm xét nghiệm vi chất dinh dưỡng định kỳ, đặc biệt với những trẻ có dấu hiệu sau:

  • Chậm lớn, không tăng cân, chiều cao kém phát triển
  • Chậm mọc răng, hay đau nhức xương khớp
  • Hay quấy khóc, giật mình về đêm, đổ mồ hôi trộm
  • Da xanh tái, nhợt nhạt, tóc dễ rụng
  • Biếng ăn, chán ăn, ăn không ngon miệng
  • Hay ốm, tiêu chảy, viêm mũi họng kéo dài

Các chỉ số trong xét nghiệm vi chất dinh dưỡng và ý nghĩa

Sự thiếu hụt hay thừa vi chất dinh dưỡng diễn biến âm thầm bên trong cơ thể trước khi xuất hiện dấu hiệu cảnh báo lâm sàng. Vì thế, để phát hiện chính xác tình trạng thiếu/thừa vi chất dinh dưỡng nên đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm vi chất.

Có rất nhiều chỉ số trong xét nghiệm vi chất dinh dưỡng ví dụ như sắt, vitamin B9, vitamin B12, kẽm,.... Các chỉ số xét nghiệm vi chất đều mang ý nghĩa và phản ánh tình trạng sức khỏe: 

  • Sắt và ferritin : Xét nghiệm định lượng nồng độ sắt tự do và dạng dự trữ của sắt (ferritin) nhằm đánh giá tình trạng thiếu sắt của cơ thể, từ đó dự đoán tình trạng thiếu máu.   
  • Vitamin B9 (Folates): Xét nghiệm đánh giá nồng độ folates trong máu, từ đó chẩn đoán tình trạng thiếu hụt vitamin B9 – nguyên nhân khiến bị loét ở miệng, lưỡi, cảm thấy khó thở, da nhợt nhạt,…
  • Vitamin B12: Xét nghiệm đánh giá nồng độ Vitamin B12 trong máu, nếu thiếu hụt dẫn đến thiếu máu và hồng cầu. 
  • Protein toàn phần: Xét nghiệm định lượng Protein toàn phần trong máu, từ đó đánh giá chức năng gan, thận và tình trạng dinh dưỡng của cơ thể.
  • Vitamin D toàn phần: Hỗ trợ đánh giá nguy cơ loãng xương ở người cao tuổi và còi xương ở trẻ em. 
  • Canxi: Hỗ trợ đánh giá chức năng tuyến cận giáp và sự chuyển hóa canxi trong cơ thể. 
  • Magie: Nồng độ magiê được kiểm tra để đánh giá mức độ nghiêm trọng của các vấn đề về thận và hoặc của bệnh tiểu đường không được kiểm soát và có thể hỗ trợ trong việc chẩn đoán các rối loạn tiêu hóa.
  • Phốt pho: Phốt pho có vai trò quan trọng trong việc sản xuất năng lượng, chức năng cơ bắp, dây thần kinh và tăng trưởng xương. Nếu thiếu hụt, nguy cơ cao người bệnh bị loạn nhịp tim, phá hủy cơ bắp. 
  • Kẽm:  Kẽm tham gia vào thành phần cấu trúc và tác động đến hầu hết các quá trình sinh học trong cơ thể, vì vậy, các cơ quan như hệ thần kinh trung ương, da, niêm mạc, hệ tiêu hoá, tuần hoàn,…rất nhạy cảm với sự thiếu hụt kẽm.
  • Xét nghiệm điện giải đồ: Xét nghiệm nhằm đánh giá nồng độ các chất điện giải trong cơ thể – có vai trò quan trọng đối với quá trình chuyển hóa của cơ thể và điều hòa nhịp tim. 

Sau khi có kết quả xét nghiệm và dựa vào các dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ sẽ cho bạn biết về tình trạng thiếu/thừa vi chất dinh dưỡng của chính mình, thừa/thiếu bao nhiêu và có biện pháp bổ sung phù hợp.

Lưu ý khi xét nghiệm vi chất dinh dưỡng

Xét nghiệm vi chất dinh dưỡng cần nhịn ăn tối thiểu 6 - 8 tiếng và tốt nhất nên được thực hiện vào buổi sáng.

Trước khi xét nghiệm vi chất dinh dưỡng, người thực hiện có thể ăn uống bình thường, không cần phải kiêng khem thứ gì. Tuy vậy, nếu có thể, tốt nhất bạn nên tránh sử dụng rượu bia, cà phê, hút thuốc lá...

Nhìn chung, xét nghiệm vi chất dinh dưỡng là cần thiết, giúp đánh giá tổng quát về tình trạng dinh dưỡng của cơ thể, từ đó phát hiện sự thiếu hụt vitamin, khoáng chất vi lượng để bạn có thể bổ sung kịp thời, hạn chế ảnh hưởng sức khỏe cũng như là sự phát triển toàn diện.