Bệnh Alzheimer: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh
Bệnh Alzheimer: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh
Bệnh Alzheimer: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh - Ảnh: BookingCare

Bệnh Alzheimer: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh

Tác giả: - Xuất bản: 04/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 13/10/2023
Bệnh Alzheimer thường xảy ra ở nhóm người cao tuổi. Bệnh gây nên tình trạng sa sút trí tuệ, ảnh hưởng đến suy nghĩ, trí nhớ và hành vi của người mắc. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về bệnh Alzheimer và các vấn đề xoay quanh nó.

Sa sút trí tuệ là một hội chứng lâm sàng do nhiều nguyên nhân gây nên, có đặc điểm điển hình là giảm trí nhớ ngắn hạn. Hội chứng này có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau, trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer, chiếm 60-80% tổng số các bệnh nhân sa sút trí tuệ. Đặc biệt, bệnh này xảy ra chủ yếu ở những người trên 65 tuổi.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra bệnh Alzheimer

Mặc dù các nhà khoa học đã tìm ra bệnh Alzheimer liên quan đến sự tổn thương không ngừng của tế bào não nhưng hiện nay vẫn chưa thể khẳng định nguyên nhân nào gây ra bệnh Alzheimer. Ngoài yếu tố di truyền, một số yếu tố khác như tuổi tác, bệnh lý và lối sống được xác định có thể làm tăng khả năng mắc căn bệnh này. 

Tiền sử mắc bệnh trong gia đình và di truyền học

Nghiên cứu cho thấy rằng những người có bố/mẹ hoặc anh/chị/em mắc bệnh Alzheimer sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn. Nguy cơ sẽ gia tăng nếu có nhiều hơn một thành viên trong gia đình mắc bệnh. 

Tuổi tác

Yếu tố nguy cơ được biết đến nhiều nhất của bệnh Alzheimer là sự gia tăng tuổi tác. Mặc dù không phải ai già đi cũng bị Alzheimer, nhưng tình trạng này xảy ra chủ yếu ở những người trên 65 tuổi. Cứ 8 người Mỹ trong độ tuổi từ 65 trở lên thì có 1 người mắc bệnh Alzheimer, và gần một nửa số người từ 85 tuổi trở lên mắc bệnh này.

Yếu tố nguy cơ được biết đến nhiều nhất của bệnh Alzheimer là sự gia tăng tuổi tác. - Ảnh: Canva

Các yếu tố nguy cơ khác

Hiện nay, nghiên cứu bắt đầu đưa ra những thông tin về các yếu tố nguy cơ khác mà chúng ta có thể hạn chế thông qua việc lựa chọn lối sống, cách chăm sóc sức khỏe nói chung và tầm soát các bệnh lý nguy cơ. Các yếu tố nguy cơ này bao gồm:

  • Chấn thương đầu: Nghiên cứu có thấy, những bệnh nhân có tiền sử chấn thương sọ não nhiều lần như gặp trong một số môn thể thao hoặc chấn thương sọ não dẫn đến bất tỉnh trên 30 phút sẽ ảnh hưởng đến não bộ, có thể tạo ra sự lắng đọng chất amyloid trong não, chính là cơ chế bệnh sinh chính của bệnh Alzheimer.
  • Mối liên hệ giữa não và bệnh lý tim mạch: Não của bạn được nuôi dưỡng bởi một trong những hệ mạch máu giàu dinh dưỡng nhất của cơ thể. Vì vậy, nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer hoặc chứng suy giảm trí nhớ sẽ tăng lên khi mắc các bệnh lý ảnh hưởng mạch máu như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu
  • Tuổi tác và sự lão hóa: Khi cơ thể già đi sẽ xảy ra quá trình  lão hóa và chúng cũng tác động đến sự lão hóa của não bộ.

Triệu chứng bệnh Alzheimer

Tình trạng suy giảm trí nhớ có thể là triệu chứng của bệnh Alzheimer, một bệnh lý về não có thể dẫn đến tử vong, gây ra sự suy giảm từ từ về trí nhớ, suy nghĩ và kĩ năng suy luận. Mỗi người bệnh có thể trải qua một hoặc nhiều biểu hiện ở các mức độ khác nhau.

1. Tình trạng suy giảm trí nhớ 

Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh Alzheimer là suy giảm trí nhớ, đặc biệt là quên đi các thông tin vừa mới tiếp nhận. Các vấn đề khác bao gồm quên các ngày tháng hay sự kiện quan trọng; người bệnh hay hỏi đi hỏi lại cùng một thông tin; phụ thuộc vào các công cụ hỗ trợ trí nhớ (như thiết bị điện tử hoặc giấy ghi chú) hoặc các thành viên gia đình trong những việc mà họ thường có thể tự giải quyết trước kia.

2. Khó khăn diễn đạt bằng ngôn ngữ

Người bệnh Alzheimer có thể gặp khó khăn khi theo dõi hay tham gia một cuộc trò chuyện. Khi triệu chứng của bệnh tiến triển, việc nhớ đúng các từ trở nên khó khăn hơn và thay vào đó người bệnh sử dụng các từ hoặc cụm từ không phù hợp với ngữ cảnh. Những người bị sa sút trí tuệ cũng quên nghĩa của từ. Điều này khiến việc giao tiếp bằng lời nói của họ ngày càng trở nên khó khăn hơn.

3. Tâm trạng và tính cách thay đổi

Tâm trạng và tính cách của người bệnh Alzheimer có thể thay đổi. Họ trở nên bối rối, đa nghi, chán nản, sợ hãi hay lo lắng. Họ có thể dễ dàng bực tức khi ở nhà, tại nơi làm việc, với bạn bè hay ở những nơi mà họ không cảm thấy thoải mái.

4. Nhầm lẫn về thời gian hoặc địa điểm

Người bệnh Alzheimer có thể không nhớ được ngày tháng, các mùa trong năm và mốc thời gian. Họ có thể gặp khó khăn trong việc hiểu một sự kiện nào đó nếu sự kiện đó không xảy ra ngay lập tức. Đôi khi, họ quên mất mình đang ở đâu hay làm sao họ đến được nơi đó.

5. Đặt đồ vật sai vị trí và không thể nhớ lại mình đã từng làm gì

Người bệnh Alzheimer có thể đặt đồ vật ở những nơi không quen thuộc. Họ có thể làm mất đồ vật và không thể nhớ để tìm lại chúng. Theo thời gian, triệu chứng này có thể xảy ra ngày càng thường xuyên hơn.

6. Rút lui khỏi công việc hay các hoạt động xã hội

Người bệnh Alzheimer có thể bắt đầu tự rút lui khỏi các sở thích, hoạt động xã hội, dự án công việc hay các môn thể thao. Họ không theo dõi kịp đội thể thao yêu thích hoặc không nhớ được cách thực hiện một công việc hoặc hoạt động yêu thích trước kia. Họ cũng tránh tham gia hoạt động xã hội do những thay đổi mà họ gặp phải.

Chẩn đoán bệnh Alzheimer

Chẩn đoán bệnh Alzheimer sẽ được thực hiện như sau:

Đánh giá tình trạng tâm thần

Kiểm tra tình trạng tâm thần giúp bác sĩ có ý niệm chung về việc trí não hoạt động tốt đến mức nào. Bài kiểm tra này cung cấp cho bác sĩ cái nhìn tổng quát, cho biết liệu người bệnh có thể:

  • Nhận thức được các triệu chứng hay không
  • Biết được ngày, giờ và nơi họ đang ở hay không
  • Nhớ được từ ngữ, theo kịp hướng dẫn và thực hiện được các phép tính đơn giản hay không

Khám lâm sàng và xét nghiệm chẩn đoán

Bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra sức khỏe tổng quát của người bệnh như đánh giá chế độ dinh dưỡng, đo huyết áp hay nhịp tim. Mẫu máu và nước tiểu sẽ được thu thập, một số xét nghiệm trong phòng thí nghiệm sẽ được tiến hành.

Thông tin từ các xét nghiệm này giúp xác định các rối loạn như bệnh thiếu máu, tiểu đường, bệnh gan hay thận, sự thiếu hụt một loại vitamin hoặc hormon nào đó, sự bất thường ở tuyến giáp và các vấn đề tim mạch. Tất cả các tình trạng này đều có thể dẫn đến suy nghĩ lẫn lộn, các vấn đề về trí nhớ hoặc các triệu chứng khác tương tự bệnh sa sút trí tuệ.

Bác sĩ sẽ kiểm tra phản xạ, khả năng cân bằng, chuyển động mắt, ngôn từ và cảm giác của người bệnh. Bác sĩ tìm kiếm những dấu hiệu của chứng đột quỵ nhẹ hoặc nặng, bệnh Parkinson, u não, tích tụ dịch trong não (não úng thủy) và các bệnh khác có thể làm suy giảm trí nhớ hay rối loạn nhận thức suy nghĩ cho người bệnh.

Quá trình khám thần kinh có thể bao gồm việc chụp cộng hưởng từ (MRI) hay chụp cắt lớp vi tính (CT). MRI và CT có thể phát hiện các khối u, bằng chứng của chứng đột quỵ nhẹ hoặc nặng, tổn thương từ các chấn thương đầu nghiêm trọng hay sự tích tụ quá nhiều dịch trong não. 

Phương pháp điều trị bệnh Alzheimer

Hiện nay vẫn chưa có cách điều trị bệnh Alzheimer khỏi hoàn toàn. Một số liệu pháp điều trị dùng thuốc hay không dùng thuốc chỉ giúp cải thiện triệu chứng và đều cho thấy hiệu quả với cả hai loại triệu chứng liên quan đến nhận thức và hành vi.

Điều trị triệu chứng liên quan đến nhận thức: Điều trị dùng thuốc

Những loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh Alzheimer mức độ trung bình đến nặng. Chúng hoạt động bằng cách điều chỉnh các chất dẫn truyền thần kinh, các chất hóa học truyền thông điệp giữa các tế bào thần kinh giúp giảm các triệu chứng và giải quyết một số vấn đề về hành vi cho người bệnh. 

Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể cho hiệu quả đối với một số người nhưng không phải tất cả mọi người và có thể chỉ hữu ích trong một thời gian giới hạn.

Điều trị triệu chứng liên quan đến hành vi

Các triệu chứng hành vi phổ biến của bệnh Alzheimer bao gồm mất ngủ, đi lang thang, kích động, lo lắng và trở nên nóng tính, hung dữ. Các nhà khoa học đang tìm hiểu lý do tại sao các triệu chứng này xảy ra và đang nghiên cứu các phương pháp điều trị mới bao gồm cả dùng thuốc và không dùng thuốc để kiểm soát bệnh. 

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, điều trị các triệu chứng hành vi có thể làm cho những người mắc bệnh thoải mái hơn và giúp người chăm sóc cảm thấy nhẹ nhàng hơn.

Việc kê đơn thuốc cho bệnh nhân Alzheimer phải được tiến hành vô cùng cẩn trọng. Việc sử dụng thuốc để điều trị các triệu chứng liên quan đến hành vi và tâm thần phải được giám sát chặt chẽ bởi bác sĩ và gia đình người bệnh.

Chăm sóc người bệnh Alzheimer tại nhà

Quá trình chăm sóc người bệnh Alzheimer gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không hiểu bệnh Alzheimer và không biết cách chăm sóc người bệnh ở từng giai đoạn thì người chăm sóc sẽ dễ gặp những tổn hại về sức khỏe và tâm lý.

Chăm sóc người mắc chứng Alzheimer cần nhiều sự đồng cảm và nhẫn nại. - Ảnh: Canva

Sau đây là những điều cần lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân Alzheimer:

  • Chăm sóc người bệnh giai đoạn nhẹ: người bệnh có thể bắt đầu gặp những khó khăn trong việc quản lý cuộc sống, bạn hãy thay họ đảm nhận những vị trí như lái xe, nấu nướng,... hoặc cùng họ thực hiện các công việc này để người bệnh vừa được giám sát và họ vừa có cảm giác vẫn có thể thực hiện các công việc một cách cẩn thận.
  • Chăm sóc người bệnh giai đoạn trung bình: người bệnh bắt đầu gặp khó khăn hơn trong việc tự lập, chăm sóc bản thân, nấu ăn, mua sắm, giữ nhà cửa sạch sẽ, đều cần được người thân nhắc nhở và có sự hỗ trợ. Người bệnh cũng bắt đầu có hiện tượng quên đường về nhà, họ dễ đi lạc, do đó bạn cần trông coi họ thường xuyên hơn.
  • Chăm sóc người bệnh giai đoạn nặng: Ở giai đoạn nặng, họ không thể tự thực hiện các hoạt động chăm sóc bản thân hàng ngày như tắm, rửa mặt, đánh răng, ăn, uống,… Họ thường cảm thấy bồn chồn, ảo giác, nhầm lẫn và ít hợp tác với người chăm sóc. Nếu có điều kiện, bạn có thể đưa người bệnh đến các cơ sở y tế có nhân viên chuyên chăm sóc cho người bệnh Alzheimer giúp người bệnh được chăm sóc một cách tốt hơn và đồng thời giảm bớt gánh nặng, áp lực cho những người thân trong gia đình.

Hi vọng qua bài viết, bạn đã có thông tin sơ bộ về bệnh, hiểu được Alzheimer là gì để có thể phòng tránh bệnh và biết cách chăm sóc cho người thân của mình.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết