Xuất tinh ngược: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Xuất tinh ngược: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Xuất tinh ngược: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Xuất tinh ngược: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa - Ảnh: BookingCare

Xuất tinh ngược: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 21/11/2023 | Cập nhật lần cuối: 04/12/2023
Xuất tinh ngược là một hiện tượng thường gặp ở nam giới và gây khó khăn trong quá trình quan hệ tình dục. Đây là tình trạng khi nam giới xuất tinh nhưng không thấy tinh dịch ra ngoài. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về tình trạng này.

Xuất tinh ngược là một vấn đề nhạy cảm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe sinh sản của nam giới. Hiểu rõ tình trạng này và tìm ra cách điều trị là điều cần thiết với sức khỏe nam giới.

Xuất tinh ngược là gì?

Xuất tinh ngược là một tình trạng nam giới gặp phải khi tinh dịch đi ngược vào bàng quang và rồi được đẩy ra ngoài cùng với nước tiểu thay vì thông qua niệu đạo khi xuất tinh. Hiện tượng này còn được gọi là cực khoái khô.

Khi gặp phải xuất tinh ngược, nam giới sẽ có cảm giác xuất tinh nhưng lượng tinh dịch xuất ra sẽ rất ít hoặc không có. Sau khi giao hợp, người bệnh đi tiểu thấy nước tiểu có lẫn những lợn cợn màu trắng đục.

Nguyên nhân gây xuất tinh ngược

Xuất tinh ngược là một tình trạng nam giới gặp phải khi tinh dịch đi ngược vào bàng quang thay vì được phóng thích ra ngoài thông qua niệu đạo khi xuất tinh. Hiểu rõ nguyên nhân của xuất tinh ngược là quan trọng để tìm hiểu và điều trị hiệu quả tình trạng này.

Dưới đây là một số nguyên nhân chính:

  • Tổn thương thần kinh giao cảm: Các tình trạng bệnh lý như tổn thương các sợi thần kinh giao cảm trung gian vùng cổ bàng quang và cơ thắt tuyến tiền liệt có thể làm mất khả năng co thắt của các cơ vòng ở vùng này, dẫn đến xuất tinh ngược.
  • Bệnh đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường có thể gây tổn thương các sợi thần kinh và các cơ vòng liên quan đến quá trình xuất tinh, gây ra xuất tinh ngược.
  • Bệnh đa xơ cứng: Đa xơ cứng là một bệnh lý tổn thương mô liên kết và sợi thần kinh, có thể ảnh hưởng đến chức năng co bóp của cơ vòng niệu quản và gây ra xuất tinh ngược.
  • Phẫu thuật và các biến chứng bệnh lý: Sau phẫu thuật cắt bỏ u xơ tuyến tiền liệt, cắt bỏ đại tràng hoặc các phẫu thuật vùng tiểu khung, có thể xảy ra tổn thương hoặc biến chứng gây ra xuất tinh ngược.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số thuốc điều trị bệnh tâm thần, tăng huyết áp, phì đại tuyến tiền liệt có thể gây tác dụng phụ làm tăng nguy cơ xuất tinh ngược.
  • Dị tật bẩm sinh: Một số dị tật bẩm sinh ở niệu đạo và bàng quang có thể làm xuất tinh ngược trở nên phổ biến.
  • Kìm hãm xuất tinh: Nam giới thường xuyên kìm hãm việc xuất tinh trong quan hệ tình dục có thể gây ra xuất tinh ngược.
  • Bệnh lý u tuyến yên: Một số bệnh lý u tuyến yên có thể làm tăng mức prolactin máu, ảnh hưởng đến quá trình xuất tinh và gây ra xuất tinh ngược.

Triệu chứng xuất tinh ngược

Triệu chứng xuất tinh ngược là hiện tượng khi tinh dịch không được đẩy ra ngoài cơ quan sinh dục nam mà lại tràn ngược vào bàng quang. Triệu chứng bệnh xuất tinh ngược được biểu hiện như sau:

  • Nam giới có cảm giác cực khoái nhưng không thấy tinh dịch xuất hiện sau mỗi lần giao hợp.
  • Sau khi quan hệ tình dục khi đi tiểu thấy lợn cợn màu trắng đục có lẫn trong nước tiểu.
Tinh trùng màu trắng đục lẫn trong nước tiểu là dấu hiệu điển hình của xuất tinh ngược. - Ảnh: Canva

Chẩn đoán xuất tinh ngược

Chẩn đoán dựa vào triệu chứng của bệnh, tiền sử bản thân, xét nghiệm tinh dịch đồ không có tinh trùng, xét nghiệm có tinh trùng trong nước tiểu.

Điều trị xuất tinh ngược

Điều trị xuất tinh ngược bằng 2 phương pháp phổ biến là thuốc và hỗ trợ sinh sản.

1. Điều trị bằng thuốc

Các loại thuốc được sử dụng để đóng cổ bàng quang như pseudoephedrine, phenylephrine, chlorpheniramine, brompheniramine hoặc imipramine. Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc này có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp, có thể gây nguy hiểm ở nam giới có bệnh tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch.

Một số loại thuốc điều trị đa xơ cứng, tiểu đường,..gây ra xuất tinh ngược. - Ảnh: Canva

Nếu người bệnh đang dùng các loại thuốc khác ảnh hưởng đến việc xuất tinh cũng chia sẻ để bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc cho phù hợp.

2. Hỗ trợ sinh sản

Với những người không có mong muốn sinh con thì phương pháp này là không cần thiết. Với những trường hợp muốn có con, tinh trùng sẽ được lấy từ tinh hoàn, mào tinh, xử lý trong phòng thí nghiệm để phục vụ cho việc thụ tinh ống nghiệm và đã được chứng minh hiệu quả cho những trường hợp vô sinh do xuất tinh ngược dòng.

Phòng ngừa xuất tinh ngược

Để phòng ngừa xuất tinh ngược hiệu quả, những lời khuyên sau đây sẽ giúp ích cho bạn:

  • Khi phải phẫu thuật chọn các phương pháp mổ ít xâm lấn, ít gây tổn thương thần kinh, cơ, mang lại hiệu quả cao.
  • Khi điều trị phì đại tuyến tiền liệt người bệnh sẽ được bác sĩ trao đổi về các phương pháp điều trị và các tác dụng phụ có thể ảnh hưởng đến xuất tinh ngược dòng.
  • Khám sức khỏe tổng quát định kỳ phát hiện sớm các bất thường của cơ thể.
  • Cố gắng duy trì việc kiểm soát lượng đường trong máu khi mắc bệnh đái tháo đường.
  • Bỏ thói quen không xuất tinh khi quan hệ
  • Tăng cường lối sống lành mạnh, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, vận động điều độ, nghỉ ngơi hợp lý, tham gia những câu lạc bộ mang lợi ích cho cộng động để cuộc sống tích cực góp phần phòng ngừa bệnh tiểu đường, trầm cảm, tim mạch, huyết áp…

Tóm lại, xuất tinh ngược là một vấn đề không đáng sợ nếu bạn biết cách khắc phục. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để có được phương pháp điều trị phù hợp và đừng quên áp dụng những biện pháp phòng ngừa tại nhà để giúp cải thiện sức khỏe của bản thân.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết