Y học cổ truyền điều trị đau dây V như thế nào?
Y học cổ truyền điều trị đau dây V như thế nào?
đau dây thần kinh V
Điều trị đau dây thần kinh V bằng Y học cổ truyền - Ảnh: BookingCare

Y học cổ truyền điều trị đau dây V như thế nào?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 07/03/2024 | Cập nhật lần cuối: 10/03/2024
Điều trị kịp thời đau dây thần kinh V sẽ giúp làm giảm cảm giác đau đớn khó chịu cho bệnh nhân và tránh các biến chứng nặng hơn. Cùng tìm hiểu y học cổ truyền điều trị đau dây V như thế nào?

Đau dây thần kinh V không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng cơn đau có thể tái diễn trong khoảng thời gian vài tuần, vài tháng thậm chí  suốt đời. Điều trị bằng Y học cổ truyền không chỉ an toàn mà còn mang lại hiệu quả cao.

Đau dây V là gì?

Dây thần kinh số V hay còn gọi là thần kinh sinh ba là thần kinh cảm giác chính cho đầu mặt và vận động cho các cơ nhai, bao gồm  ba nhánh: nhánh mắt, hàm trên, hàm dưới. 

Bên cạnh việc đó dây V cũng góp phần tham gia hoạt động tiết dịch của tuyến lệ, các tuyến tiết nhầy của niêm mạc mũi, miệng.

Đau dây thần kinh V thường xuất hiện một bên mặt theo sự chi phối của dây thần kinh, xảy ra bất cứ lúc nào, kéo dài từ vài giây đến vài phút, các cơn đau thường xuất hiện nhiều lần trong ngày (khoảng 100 lần/ngày).

Đau nhói, dữ dội, giống như điện giật, đôi khi cơn đau dữ dội có thể thấy tình trạng co thắt cơ mặt, khi chạm nhẹ hoặc các kích thích vô hại vào mặt có thể gây ra cơn đau, thường gặp nhất là vùng mũi và vùng quanh miệng và thường bệnh nhân không thể ngủ nghiêng mặt về bên đau.

Nguyên nhân thường gặp thường do dây thần kinh bị chèn ép bởi các cấu trúc động mạch, tĩnh mạch lân cận hoặc ít phổ biến hơn có thể bị chèn ép do khối u góc cầu tiểu não, u màng não, chỗ phình động mạch, mảng xơ cứng ở chân răng

Đau dây V trong Y học cổ truyền là gì?

Đau dây thần kinh V được Nội kinh mô tả thuộc phạm vi chứng: Giáp thống, Lưỡng hạnh thống, Đầu thống, Diện thống.

Trong Y học cổ truyền, bệnh thường do các nguyên nhân sau:

  • Ngoại tà: Tà khí bên ngoài (phong hàn, phong nhiệt) quá mạnh xâm nhập vào kinh lạc vùng đầu mặt lúc sức đề kháng cơ thể suy giảm, khí huyết kinh lạc ứ trệ gây ra đau.
  • Chấn thương vùng hàm mặt gây nên tình trạng huyết ứ.
  • Bệnh lý các tạng phủ trong cơ thể, hỏa nhiệt sinh ra bốc lên gây cản trở sự vận hành của khí huyết.

Y học cổ truyền điều trị đau dây V như thế nào?

Y học cổ truyền dựa trên các nguyên nhân gây bệnh mà đưa ra các phương pháp điều trị khác nhau. Các phương pháp điều trị trong Y học cổ truyền bao gồm dùng thuốc và không dùng thuốc. 

Điều trị không dùng thuốc

  • Châm cứu: điện châm các huyệt ở vùng mặt, các huyệt giáp tích cổ cao,  nhĩ châm các huyệt ở loa tai, cấy chỉ,... thường sử dụng các huyệt vùng đầu mặt: Ấn đường, Thái dương, Thừa khấp, Địa thương, Giáp xa, Tứ bạch, Địa thương, Quyền liêu, A thị huyệt…, các huyệt ở xa như Hợp cốc 2 bên, Ngoại quan.
  • Xoa bóp bấm huyệt: Các động tác mát xa vừa phải  vùng mặt giúp thư giãn, không dùng lực quá mạnh hay quá nhẹ vì có thể là tác nhân khiến khởi phát cơn đau hoặc nặng hơn.
  • Tập dưỡng sinh: tập thở 4 thì nhằm thư giãn, nâng cao sức khỏe, lưu thông khí huyết, phục hồi chức năng của các tạng phủ. 
  • Vật lý trị liệu: Laser châm là phương pháp y học hiện đại kết hợp với y học cổ truyền hiện nay được áp dụng rộng rãi trong việc điều trị nhằm ức chế cơn đau của người bệnh.

Điều trị dùng thuốc

Có thể điểm qua một số bài thuốc thường được dùng như sau:

  • Khung chỉ thạch cao thang
  • Xuyên khung trà điều tán 
  • Bổ trung ích khí thang

Ưu và nhược điểm khi điều trị đau dây V bằng Y học cổ truyền

Ưu điểm:

  • An toàn
  • Mang lại hiệu quả cao
  • Có thể kết hợp nhiều phương pháp cùng lúc

Nhược điểm:

  • Người bệnh có thể chưa từng tiếp xúc với các phương pháp nên không có niềm tin khi điều trị lâu dài
  • Đôi khi chính các thủ thuật điều trị lại là nguyên nhân khiến cơn đau nặng hơn nên cần trấn an, giải thích kỹ cho người bệnh.

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tình trạng đau dây thần kinh V trong Y học cổ truyền cũng như các phương pháp điều trị. Tuy nhiên bạn nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ để có thể đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết