Cùng với đánh giá lâm sàng, xét nghiệm SCC là xét nghiệm hữu ích trong việc phát hiện và theo dõi các loại ung thư biểu mô tế bào vảy khác nhau. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm SCC có thể cung cấp thông tin hỗ trợ chẩn đoán tình trạng và mức độ của bệnh.
Xét nghiệm SCC là gì?
Xét nghiệm SCC là phương pháp đo lường kháng nguyên ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC) của cơ thể. Kháng nguyên SCC (Squamous cell carcinoma antigen) hay còn gọi là kháng nguyên ung thư biểu mô tế bào vảy - là một glycoprotein được sản sinh từ các tế bào vảy bình thường hoặc một số tế bào ung thư.
Kháng nguyên SCC có thể tăng cao trong trường hợp bệnh nhân mắc một số loại ung thư vảy như: ung thư vảy cổ tử cung, ung thư phổi,... và biến đổi ở từng giai đoạn bệnh. Vì vậy, SCC được xem như dấu ấn khối u xét nghiệm làm căn cứ hỗ trợ đánh giá và theo dõi một số loại ung thư.
Đối tượng cần xét nghiệm
Xét nghiệm SCC được khuyến nghị thực hiện cho các nhóm đối tượng như:
- Người mắc hoặc có nguy cơ mắc các loại ung thư tế bào biểu mô: xét nghiệm nhằm hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi tiến triển của các loại ung thư tế bào biểu mô tại các cơ quan khác nhau như: ung thư biểu mô phổi, ung thư biểu mô cổ tử cung, ung thư biểu mô đầu…
- Người đã được chẩn đoán mắc ung thư tế bào biểu mô: kết quả xét nghiệm có thể theo dõi hiệu quả điều trị và đánh giá tiến triển của ung thư tế bào biểu mô sau khi điều trị.
- Những người có triệu chứng cảnh báo ung thư tế bào biểu mô: thực hiện xét nghiệm nhằm xác định nguyên nhân của các khối u, hạch, các tổn thương, biến dạng trên các vùng da, niêm mạc hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
- Những người tiếp xúc nhiều hoặc tổn thương da do ánh nắng mặt trời, tiếp xúc với hóa chất (thuốc lá, asen), nước da nhợt nhạt, mắt xanh hoặc xanh lục, tóc vàng hoặc đỏ.
- Người có hệ thống miễn dịch yếu hoặc được ghép tạng.
Cùng với các triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh và tình trạng sức khỏe tổng quát, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm SCC cho từng trường hợp cụ thể.
Yếu tố cần chú ý trong kết quả xét nghiệm SCC
Các chỉ số đánh giá xét nghiệm
Trong xét nghiệm SCC cần lưu ý đế một số chỉ số quan trọng có ý nghĩa trong việc đánh giá kết quả xét nghiệm bao gồm:
- Giá trị kháng nguyên SCC: là kết quả cụ thể của xét nghiệm, được đo bằng đơn vị nanogram trên mililit (ng/mL). Giá trị SCC có thể được so sánh với ngưỡng bình thường để đánh giá nguy cơ liên quan đến sự phát triển của ung thư tế bào biểu mô hoặc các vấn đề sức khỏe khác như: bệnh viêm da, viêm nhiễm kháng khuẩn, viêm nhiễm nấm...
- Độ nhạy và độ đặc hiệu: trong xét nghiệm, độ nhạy liên quan đến khả năng nhận biết các trường hợp dương tính, độ đặc hiệu liên quan đến khả năng loại trừ các trường hợp âm tính. Các chỉ số tính theo đơn vị phần trăm (%) nhằm đánh giá độ chính xác và hiệu suất của xét nghiệm SCC.
Cách đọc kết quả xét nghiệm
Ngưỡng chỉ số SCC bình thường được sử dụng tại một số quốc gia, cơ quan y tế đề xuất trong khoảng từ 1,5 đến 2,5 ng/mL.
- Nếu kết quả xét nghiệm SCC nằm trong phạm vi bình thường: có thể người kiểm tra không có nguy cơ mắc ung thư tế bào vảy.
- Nếu kết quả xét nghiệm SCC vượt mức bình thường: có thể cảnh báo dấu hiệu của ung thư tế bào vảy. Người làm xét nghiệm có thể được yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm đánh giá hoặc được bác sĩ đưa vào diện theo dõi để xác định nguyên nhân gia tăng chỉ số SCC.
Ngưỡng chỉ số bình thường của xét nghiệm SCC có thể thay đổi tùy thuộc vào các tổ chức y khoa, phương pháp xét nghiệm và một số yếu tố bệnh lý không liên quan đến ung thư như: viêm da cơ địa (psoriasis), viêm nhiễm virus, viêm niệu đạo, viêm phổi,...
Do vậy, người bệnh cần nghe kết luận trực tiếp từ bác sĩ, chuyên gia y tế. Các bác sĩ sẽ căn cứ kết hợp thêm triệu chứng lâm sàng, lịch sử bệnh và kết quả xét nghiệm khác để đưa ra đánh giá chính xác về tình trạng sức khỏe.
Cách xử lý sau khi có kết quả xét nghiệm SCC
Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm SCC, người làm xét nghiệm cần:
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ để hiểu rõ về ý nghĩa kết quả xét nghiệm SCC đối với trường hợp của mình. Bác sĩ sẽ xem xét kết quả xét nghiệm kết hợp với lịch sử bệnh, triệu chứng lâm sàng và các kết quả xét nghiệm khác để đưa ra đánh giá chính xác.
- Các trường hợp có kết quả xét nghiệm SCC bất thường có thể được yêu cầu thực hiện các xét nghiệm bổ sung (như siêu âm, CT scan hoặc MRI) để xác định cụ thể vị trí khối u hoặc các biến đổi sinh hóa trong cơ thể.
- Nếu kết quả xét nghiệm chỉ ra nguy cơ tồn tại của ung thư hoặc bất kỳ bệnh lý nào khác, bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp điều trị (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc kết hợp các phương pháp) cho người bệnh. Bác sĩ sẽ theo dõi tiến triển của bệnh thông qua kết quả xét nghiệm và kiểm tra định kỳ.
- Kết quả xét nghiệm SCC có thể gây ra tâm lý lo lắng, căng thẳng cho người xét nghiệm. Vì vậy, trong quá trình quản lý và điều trị, người bệnh nên liên hệ với các bác sĩ, chuyên gia để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Xét nghiệm SCC có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá, theo dõi phản ứng xạ trị của ung thư tế bào vảy. Kết hợp với các triệu chứng lâm sàng, lịch sử bệnh, và các kết quả xét nghiệm khác, bác sĩ sẽ đưa ra những đánh giá cụ thể, chính xác cũng như xây dựng phương án điều trị phù hợp.