5 bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ và cách phòng tránh

Sản phẩm của BookingCare
Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
Xuất bản: 28/12/2017, Cập nhật lần cuối: 14/07/2022

Bệnh truyền nhiễm dễ gặp ở trẻ do bé có hệ miễn dịch kém. Để con phát triển khỏe mạnh, cha mẹ nên hiểu về các bệnh truyền nhiễm thường gặp và cách phòng chống bệnh nhiễm bệnh bằng cách tăng cường miễn dịch cho trẻ.

BookingCare là Nền tảng Y tế chăm sóc sức khỏe toàn diện hàng đầu Việt Nam kết nối người dùng với trên 200 bệnh viện - phòng khám uy tín, hơn 1,500 bác sĩ chuyên khoa giỏi và hàng nghìn dịch vụ, sản phẩm y tế chất lượng cao.
5 bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ và cách phòng tránh
Hệ miễn dịch kém khiến trẻ dễ nhiễm bệnh từ môi trường xung quanh - Ảnh minh họa

Bệnh truyền nhiễm là các bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ (đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi khi đi học) do hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh. Nhiều phụ huynh thường xuyên phải đưa con đến gặp bác sĩ Nhi khoa vì bệnh truyền nhiễm.

Để con phát triển khỏe mạnh các mẹ nên hiểu về các bệnh truyền nhiễm thường gặp cũng như biết cách phòng chống bệnh nhiễm bệnh qua cuộc sống hằng ngày của trẻ. 

5 bệnh truyền nhiễm trẻ dễ mắc phải

Dưới đây là một số bệnh dễ lây nhiễm và có tỷ lệ trẻ mắc bệnh khá cao, bố mẹ có thể tham khảo để có thêm kiến thức về biểu hiện, cách nhận biết bệnh và mức độ nguy hiểm của bệnh để có thể áp dụng vào thực tế.

Khi thấy trẻ có những biểu hiện bệnh truyền nhiễm, cha mẹ nên cho con đi khám với trực tiếp tại các bệnh viện, phòng khám Nhi uy tín hoặc khám với bác sĩ Nhi từ xa để được tư vấn phương hướng điều trị.

Tiêu chảy cấp

Bệnh tiêu chảy cấp là loại bệnh thường gặp ở trẻ em lứa tuổi mầm non và những năm đầu cấp tiểu học. Bệnh gây tử vong cao do trẻ bị mất nước và các chất điện giải.

Biểu hiện trẻ mắc tiêu chảy cấp:

  • Tiêu chảy xuất hiện đột ngột, trẻ đi phân lỏng nhiều nước, số lần đi nhiều hơn 3 lần trong 24 giờ, thường kéo dài 1 tuần.
  • Nôn thường xuất hiện đầu tiên trong trường hợp tiêu chảy do virut Rota hoặc tiêu chảy do tụ cầu. Nôn liên tục hoặc vài lần làm cho trẻ bị mất nước và chất điện giải.
  • Biếng ăn có thể xuất hiện sớm hoặc sau khi trẻ bị tiêu chảy nhiều ngày.
  • Trẻ hay quấy khóc, vật vã, đôi khi co giật, hoặc mệt lả nằm li bì.
  • Mất nước:
    • Mất nước nhẹ: cân nặng của trẻ giảm dưới 5% trọng lượng cơ thể. Nhưng chưa có biểu hiện khát nước, môi chưa khô, mắt không bị trũng.
    • Mất nước vừa: cân nặng của trẻ giảm từ 5% đến 9% trọng lượng cơ thể. Trẻ khát nước nhiều, người vật vã, mắt trũng, miệng khô, da mất tính đàn hồi, thở nhanh.
    • Mất nước nặng: trẻ khát nước nhiều, người lờ đờ, mệt mỏi. Mạch đập nhanh, hạ huyết áp.

Bệnh viêm phổi 

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng bên trong phổi, xuất hiện khi vi khuẩn hay virut xâm nhập vào trong cơ quan này, sinh sôi nảy nở và tạo nên những ổ nhiễm trùng.

Viêm phổi cấp là bệnh nhiễm khuẩn, do virut, vi khuẩn hoặc nấm gây nên. Vì thế bệnh viêm phổi có thể lây truyền từ bệnh nhân sang những người xung quanh.

Bệnh có thể xuất hiện khi bé đang bị một đợt ho hoặc cảm cúm. Lúc này cơ thể bé giảm sức đề kháng và niêm mạc đường hô hấp bị tổn thương là cơ hội tốt cho vi trùng xâm nhập.

Sau vài ngày, vi khuẩn và virut có thể nhanh chóng sinh sôi nảy nở, tạo nên những túi phế nang chứa mủ và chất nhầy bị nhiễm khuẩn. Ho chính là phản xạ tự vệ rất quan trọng của cơ thể, giúp đẩy chấy nhầy ra khỏi túi phế nang trước khi nhiễm trùng đặt chân được vào đây.

Những biểu hiện chính của viêm phổi:

  • Ho vừa đến nặng – thường là ho nặng tiếng, nhưng không nhất thiết như vậy.
  • Thở nhanh liên tục. Trẻ được coi là thở nhanh nếu thở trên 60 lần/phút (dưới 2 tháng tuổi),trên 50 lần/phút (2 tháng – 1 tuổi) hoặc trên 40 lần/phút (trên 1 tuổi).
  • Thở gắng sức: cánh mũi phập phồng, thở rên, co kéo cơ liên sườn (phần mềm giữa các xương sườn lõm vào khi trẻ hít vào),co rút hõm ức, rút lõm lồng ngực.
  • Dấu hiệu rút lõm lồng ngực khi trẻ hít vào. Khi bé hít vào, phần dưới lồng ngực không phình ra như thường lệ mà lõm vào, nguyên nhân là do cơ hoành phân cách ổ bụng và lồng ngực cũng tham gia vào quá trình thở.
  • Sốt – sốt vừa đến sốt cao.
  • Đau ngực – không chỉ trong lúc ho, mà cả giữa các cơn ho.
  • Nôn – không chỉ sau những cơn ho mạnh mà cả giữa các cơn ho.
  • Tím tái quanh môi và ở mặt – do thiếu ôxy.
Viêm phổi do virut, vi khuẩn
Viêm phổi do virut, vi khuẩn là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ 

Viêm gan A

Viêm gan A là một bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch. Chúng lây qua đường tiêu hoá do ăn uống các loại thực phẩm, nước ô nhiễm.

Nếu một người nhiễm virut viêm gan A, làm công việc nấu ăn, phục vụ ăn uống trong bếp ăn tập thể… khả năng lây lan bệnh rất nhanh. Mọi người có thể nhiễm virut do ô nhiễm uống nước, do tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Bệnh lây lan rất nhanh trước khi các triệu chứng xuất hiện nên khó phát hiện để phòng tránh.

Sau khi bị nhiễm virut 2 - 3 tuần sẽ xuất hiện các triệu chứng: mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đau bụng hay có cảm giác khó chịu ở bụng, chán ăn, sốt nhẹ, vàng da và mắt, đau cơ, ngứa… Bố mẹ nên cho trẻ tiêm phòng vắc xin viêm gan để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm virut từ người khác.

Bệnh chân - tay - miệng

Bệnh chân - tay - miệng là bệnh truyền nhiễm, có thể xảy ra quanh năm nhưng thường hay gặp vào mùa hè, mùa thu. Bệnh chủ yếu xảy ra với trẻ em dưới 10 tuổi.

Trẻ nhỏ, trẻ em và thiếu niên rất dễ nhiễm và rất dễ phát bệnh vì chúng có ít kháng thể. Bệnh lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với nước mũi, nước bọt, mụn, phân của người nhiễm. Tuần đầu tiên của người bệnh dễ lây sang người khác.

Khi bị nhiễm virut bệnh thường ủ từ 3 - 5 ngày. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi. Đặc biệt bệnh rất dễ nhầm với các bệnh khác như viêm da bọng nước, thuỷ đậu.

Trong 1 - 2 ngày có nốt hồng ban đường kính vài milimet nổi trên nền da, sau đó trở thành bọng nước thường xuất hiện ở lòng bàn tay, cẳng tay, lòng bàn chân, cẳng chân. Ở miệng có dạng vết loét, thường ở trong miệng, ở trên lưỡi hay ở vòm miệng làm trẻ nuốt đau.

Trong giai đoạn diễn biến, khi virut gây bệnh xâm nhập hệ thần kinh trung ương, sẽ xuất hiện triệu chứng rối loạn tri giác, như lơ mơ, li bì mê sảng hay co giật.

Nếu được điều trị kịp thời sẽ phục hồi nhanh nhưng sau đó vẫn còn những rối loạn tâm thần kinh kéo dài. Nếu không được điều trị bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, xảy ra do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em, nhưng cũng có thể gặp ở người lớn và có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách.

Triệu chứng sốt xuất huyết dễ nhầm lẫn với Covid-19, cha mẹ nên hết sức lưu ý, tuyệt đối không tự tìm cách chữa bệnh tại nhà mà không có sự tư vấn của bác sĩ.

Cha mẹ cần đưa bé đi khám sốt xuất huyết khi:

  • Trẻ bị sốt cao hơn 40 độ C
  • Đau nhức đầu dữ dội, đau phía sau mắt
  • Đau nhức cơ, khớp
  • Buồn nôn, nôn
  • Phát ban sau 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt và thuyên giảm sau 1-2 ngày
  • Chảy máu cam, chảy máu nướu, chảy máu dưới da, bầm tím có thể dẫn đến tử vong
  • Chảy máu kèm huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, sốc (tụt huyết áp)
Bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết dễ nhầm lẫn với bệnh Covid-19 - Ảnh: amazon.co.uk 

Cách phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh cho trẻ

Cách phòng bệnh ở từng trường hợp sẽ có đặc thù riêng, nhưng chung quy lại, bố mẹ có thể giữ cho trẻ khỏi nhiễm bệnh theo những cách sau:

Cho trẻ bú mẹ ngay những giờ đầu sau sinh và tiếp tục bú đến 24 tháng tuổi

Trong sữa mẹ có chứa nồng độ globulin cao. Các chất này có thể giúp hình thành yếu tố kháng thể giúp trẻ phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn nói chung và bệnh về đường hô hấp nói riêng. Mặt khác, nó còn có thể giúp ngăn chặn virus hiệu quả.

Ngoài ra, trong sữa còn có chứa lactoferrin ức chế hấp thu sắt của vi khuẩn, gây cản trở trong sự trao đổi chất của vi khuẩn và đóng vai trò như một chất kháng khuẩn hiệu quả giúp phòng ngừa hiện tượng nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Sữa mẹ còn chứa các probiotic (những vi khuẩn có lợi) có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch đường hô hấp và tiêu hóa.

Ăn uống khoa học

Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, cân đối đầy đủ các nhóm thực phẩm, đặc biệt chú ý cung cấp đầy đủ chất đạm (protein) từ sữa, trứng, cá, thịt, đậu đỗ. Vì bản chất của các kháng thể là protein, nếu thiếu trẻ sẽ không tạo được kháng thể phòng chống bệnh tật.

Bên cạnh đó, việc tăng cường bổ sung các vi chất dinh dưỡng cũng vô cùng quan trọng. Đó là vitamin: A, D, C và các khoáng chất như kẽm, sắt, selen, canxi, magie... Ở trẻ nhỏ, những vi chất này đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ các hoạt động chức năng và gián tiếp tác động tích cực lên hệ miễn dịch.

Mẹ có thể bổ sung vi chất dinh dưỡng cho bé bằng nguồn thức ăn phong phú hàng ngày (thịt, cá, tôm cua, trứng, sữa, rau, củ, quả)

  • Các thực phẩm giàu vitamin A (lòng đỏ trứng, gan và các loại rau củ, quả có màu vàng đỏ, xanh đậm, cà rốt, bí đỏ, dầu gấc, đu đủ, rau ngót, rau dền, cải bó xôi)
  • Giàu vitamin D (lòng đỏ trứng, dầu gan cá)
  • Giàu vitamin C (các loại quả chín và rau xanh, nhiều nhất trong bưởi, cam, quýt, chanh)
  • Các khoáng chất như kẽm có nhiều trong đồ hải sản (hàu, ngao, trong lòng đỏ trứng, thịt gà, thịt thăn và đậu đỗ, sắt có trong gan, tim, bầu dục, thịt bò, thịt gà)
  • Canxi nhiều trong sữa, các chế phẩm từ sữa, tôm, cua, cá...

Tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo lịch tiêm chủng của Bộ Y tế

Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhằm dự phòng các bệnh truyền nhiễm, làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, giúp bé khỏe mạnh, phát triển thể chất và trí não bình thường.

Tiêm vắc xin theo lịch của Bộ Y tế có thể phòng ngừa một số bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây thành dịch lớn và có biến chứng nặng nề.

Không gian sống sạch sẽ

Đảm bảo cho trẻ có một không gian sống sạch sẽ, trong lành, không khói bụi và ô nhiễm: nhất là khói thuốc lá, thuốc lào, khói than tổ ong...

Giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tăng cường vận động ngoài trời giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, một vitamin quan trọng tăng cường hệ miễn dịch trong khi lại có rất ít trong thức ăn, vận động thường xuyên giúp trẻ có một cơ thể khỏe mạnh và linh hoạt hơn, từ đó trẻ cũng ít mắc bệnh hơn.

Vệ sinh ăn uống và vệ sinh cá nhân

Thực hiện tốt vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân, đặc biệt rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; Thực hiện ăn chín, uống sôi; cung cấp và sử dụng nước sạch, xử lý hệ thống rác và nước thải; những loại sò, trai, hến, tôm cua, ốc… ở những vùng nhiễm bẩn cần được đun sôi hoặc hấp chín trước khi ăn; khu nhà trẻ, mẫu giáo cần tuân thủ các quy tắc vệ sinh.

Người đã nhiễm virut viêm gan A chưa khỏi, không nên chế biến, nấu nướng thức ăn cho gia đình hoặc nơi tập thể. Rửa tay bằng xà phòng trước khi chuẩn bị nấu nướng hay ăn uống.

Không dùng chung bát, đũa, khăn mặt, hay bàn chải đánh răng với người bệnh. Không tắm ở nơi có nguồn nước bị ô nhiễm. Tại các vùng lũ lụt cần vệ sinh tốt nơi chứa nước sinh hoạt, tẩy uế và cho thuốc sát khuẩn. Chỉ sử dụng nước đã khử khuẩn cho sinh hoạt và nấu ăn.

Khi bị bệnh thì không cần kiêng gió, không đắp lá cây vì sẽ gây nhiễm trùng da.

Ngủ đủ giấc: Cho trẻ ngủ đủ giấc cũng là một yếu tố quan trọng để tăng cường hệ miễn dịch.

Phòng bệnh truyền nhiễm
Cha mẹ nên lưu ý phòng bệnh truyền nhiễm cho con - Ảnh: Pixabay 

Trên đây là những bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ và cách phòng tránh. Ngoài ra, cha mẹ có thể có thể xem thêm các bài viết khác về Nhi khoa tại chuyên mục Cẩm nang của BookingCare.

Xem thêm:

 
 

Đặt khám dễ dàng cùng BookingCare

Sau đây là một số bác sĩ giỏi (hoặc đơn vị uy tín) chuyên Khám chữa bệnh trẻ em. Bệnh nhân có thể đặt lịch trước tại đây để đi khám và điều trị hiệu quả.

Đặt khám tư vấn với bác sĩ từ xa qua Video

Bác sĩ Nhi khoa tư vấn, khám chữa từ xa thông qua cuộc gọi có hình Video, bệnh nhân ở tại nhà kết nối với bác sĩ từ xa nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả.

Tài liệu tham khảo
1. http://suckhoedoisong.vn/cach-nao-tang-cuong-mien-dich-cho-tre-n118066.html
2. http://suckhoedoisong.vn/cac-benh-truyen-nhiem-thuong-gap-n65922.html
3. https://tuoitre.vn/nhung-benh-truyen-nhiem-nguy-hiem-voi-tre-476419.htm
4. http://benhviennhitrunguong.org.vn/nhan-biet-viem-phoi-o-tre-em.html
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/