4 lưu ý quan trọng phòng ngừa xuất huyết dạ dày

Cố vấn y khoa: - Xuất bản: 28/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
4 lưu ý quan trọng phòng ngừa xuất huyết dạ dà
4 lưu ý quan trọng phòng ngừa xuất huyết dạ dày - Ảnh: BookingCare
Xuất huyết dạ dày là tình trạng mà niêm mạc dạ dày (hoặc tá tràng) bị tổn thương (mất chất ở niêm mạc) dẫn đến việc xuất huyết từ các mạch máu bên trong dạ dày. Đây có thể là một tình trạng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong do mất máu quá nhiều nếu không điều trị kịp thời. Chính vì vậy, phòng ngừa xuất huyết dạ dày ngay từ đầu là rất quan trọng.

Phòng ngừa xuất huyết dạ dày bao gồm một số thay đổi trong lối sống và thực đơn hàng ngày để giảm nguy cơ xuất huyết dạ dày và bảo vệ sức khỏe tổng thể. Dưới đây là một số lời khuyên để phòng ngừa xuất huyết dạ dày:

Chế độ ăn uống

  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu chất xơ để duy trì sức khỏe dạ dày.
  • Hạn chế thực phẩm cay nóng, gia vị mạnh, thức ăn nhiều dầu mỡ và thức ăn làm cho người bệnh xuất hiện triệu chứng khó tiêu.
  • Tránh ăn quá nhanh, ăn quá no. Không ăn gì ngay trước khi ngủ
  • Hạn chế việc uống rượu và cà phê, đặc biệt là khi đang ở dạng đói.

Điều chỉnh lối sống

  • Cân nhắc bỏ hút thuốc lá hoặc hạn chế tối đa việc hút thuốc
  • Hạn chế uống rượu bia, sử dụng dưới 1 đơn vị cồn/ ngày (khoảng 10 gam/ ngày)
  • Đảm bảo ngủ đủ giấc, hình thành đồng hồ sinh học lý tưởng cho cơ thể, hạn chế tối đa việc thức khuya.
  • Giảm căng thẳng và áp lực tinh thần bằng cách tập yoga, thiền, hay các phương pháp giảm căng thẳng khác.
  • Duy trì thói quen tập thể dục mỗi ngày để tăng sức đề kháng và nâng cao hệ miễn dịch.
Tập thể dục đều đặn giúp nâng cao sức khỏe, phòng ngừa xuất huyết dạ dày
Tập thể dục đều đặn giúp nâng cao sức khỏe, phòng ngừa xuất huyết dạ dày - Ảnh: onlymyhealth.com

Tránh các yếu tố gây tổn thương dạ dày

  • Hạn chế sử dụng các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs). Các loại thuốc như aspirin, ibuprofen và naproxen có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày và tăng nguy cơ xuất huyết. Nếu cần sử dụng thuốc này, hãy tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ và tuân thủ liều lượng được chỉ định.
  • Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc chữa bệnh tim, tư vấn với bác sĩ về cách sử dụng an toàn để tránh tác động tiêu cực đối với dạ dày.
  • Nếu bạn phát hiện bị nhiễm trùng dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori, hãy điều trị nhiễm trùng theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm nguy cơ xuất huyết dạ dày.

Bảo vệ khỏi nhiễm khuẩn dạ dày (vi khuẩn Helicobacter pylori)

  • Đảm bảo vệ sinh tay thường xuyên để tránh nhiễm khuẩn.
  •  Ăn chín uống sôi.
  • Sử dụng riêng biệt và không dùng chung các vật dụng cá nhân: bình ly nước, chén, đũa, muỗng, và bàn chải đánh răng hoặc khăn mặt…
  • Tuyệt đối không chấm chung nước chấm; không gắp, chia sẻ thức ăn bằng thìa đũa cá nhân. Khi muốn chia sẻ thức ăn cần sử dụng thìa đũa sạch riêng biệt.
  • Tránh nhai, mớm thức ăn
  • Định kỳ kiểm tra sức khỏe và kiểm tra dạ dày để phát hiện sớm bất kỳ vấn đề nào và điều trị kịp thời. Thông thường là mỗi năm 1 lần.

Tuân thủ một chế độ sinh hoạt lành mạnh, khoa học sẽ giúp phòng tránh bệnh xuất huyết dạ dày. Tuy nhiên, nếu bạn gặp phải các triệu chứng xuất huyết dạ dày như đau bao tử, buồn nôn, nôn mửa có máu, hay phân có màu đen, hãy thăm khám với bác sĩ Tiêu hóa để được chẩn đoán kịp thời và điều trị nhanh chóng, tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh.