5 tác hại của việc hít thở bằng miệng đến sức khỏe

Người kiểm duyệt: - Cố vấn y khoa: - Xuất bản: 16/06/2023 - Cập nhật lần cuối: 17/04/2025
5 tác hại của việc thở bằng miệng đến sức khỏe
5 tác hại của việc thở bằng miệng đến sức khỏe - Ảnh: BookingCare
Hít thở bằng miệng có sao không? Ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào? Hãy cùng BookingCare tìm hiểu và lắng nghe lời khuyên của bác sĩ nha khoa uy tín.

Thở bằng miệng là hoạt động trao đổi không khí vào cơ thể thông qua đường miệng thay vì bằng mũi. Thở bằng miệng là cách hít thở đúng hay sai? Nó ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe của mỗi người?

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi trên để có được các kiến thức giúp cải thiện sức khỏe cũng như chất lượng đời sống được tốt hơn.

Hít thở bằng miệng là cách hít thở đúng hay sai?

Rất nhiều người có suy nghĩ răng việc hít thở như thế nào không quan trọng và dường như không quan tâm tới vấn đề đó. Điều này đã dẫn tới việc hít thở sai cách, dần dần khiến sức khỏe của cơ thể giảm sút nghiêm trọng.

Việc hít thở đúng cách là hoạt động chúng ta hít thở một lượng không khí vào phổi bằng đường mũi. Khi hít thở qua mũi thì không khí được đi qua các tuyến phòng vệ gồm lông mũi, cuống mũi, làm ẩm qua các xoang hàm, sau đó mới tới cổ họng và dần đi xuống phổi. Nhờ các tuyến phòng vệ ấy mà các bụi mịn, vi khuẩn đều được sàng lọc giúp cho không khí trở nên tinh khiết hơn.

Nếu như bạn đang có thói quen hít thở bằng miệng thì cần phải có biện pháp điều chỉnh về cách thở đúng để tránh những tác động xấu tới sức khỏe của mình.

Nguyên nhân của thói quen thở bằng miệng

Việc hít thở bằng miệng có rất nhiều nguyên nhân, nó có thể là do một số điều sau đây:

  • Bạn mắc các bệnh như bị sốt cao, cảm lạnh, cảm cúm hoặc viêm xoang, đôi khi là do mũi bị dị ứng do phấn hoa/ không khí ô nhiễm sẽ khiến cho mũi bạn bị tắc, bị nghẹt gây cản trở việc hô hấp bình thường.
  • Đường thở mũi kém phát triển hoặc lệch vách ngăn mũi làm cho đường dẫn không khí nhỏ hơn bình thường. Nếu đường mũi quá nhỏ có thể gây ra các biến chứng sức khỏe như khó thở hoặc tắc lỗ mũi.
  • Lưỡi to bẩm sinh khiến lưỡi nhô ra ở khóe miệng - đặt lưỡi sai tư thế.
  • Một số trường hợp có môi trên ngắn nên môi không gặp nhau/ không khép chặt được miệng khi nghỉ ngơi.
  • Căng thẳng và lo lắng cũng có thể khiến một người thở bằng miệng thay vì mũi. Stress kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm dẫn đến thở nông, nhanh và bất thường.
Lệch vách ngăn mũi khiến đường thở bị hạn chế gây ra tật thở miệng
Lệch vách ngăn mũi khiến đường thở bị hạn chế gây ra tật thở miệng - Ảnh: Google

5 tác hại của việc thở bằng miệng đến sức khỏe

Hoạt động hít thở bằng miệng gây ra các tác động xấu rất lớn đến sức khỏe răng miệng, thể chất và tinh thần của mỗi người. Dưới đây là 5 tác hại chính mà việc hít thở bằng miệng ảnh hưởng tới sức khỏe đã được các bác sĩ khuyến cáo:

  • Khi thở bằng miệng, não cho rằng cơ thể đang mất lượng carbon dioxide quá nhanh, não sẽ bị nhạy cảm và ra lệnh ức chế trung tâm hô hấp. Do đó có thể dẫn đến việc bạn cảm thấy mệt mỏi vào ban ngày, lâu dần có thể mắc các hội chứng ngưng thở khi ngủ hay các vấn đề tim mạch khác: huyết áp cao, suy tim,...
  • Bởi vì cơ thể bạn mất carbon dioxyde quá nhanh, trung tâm hô hấp bị ức chế nên có thể gây giảm chức năng phổi, viêm phổi. Đây cũng là nguyên nhân khiến giấc ngủ bị ảnh hưởng, da xanh sao, tinh thần mệt mỏi, lo âu và mắt có quầng thâm…
  • Việc hít thở bằng miệng còn có thể dẫn đến thoát dịch xoang, đặc biệt là trong khi ngủ. Và kết quả của việc này đồng nghĩa với việc gia tăng các bệnh nhiễm trùng xoang và tai. Ngoài ra, nếu không được điều trị thì hít thở bằng miệng cũng có thể dẫn đến chứng ngáy kinh niên và lâu dần chức năng khứu giác của bạn sẽ bị suy giảm.
  • Việc hít thở bằng miệng sẽ khiến bạn đặt lưỡi không đúng tư thế, dần dần lưỡi sẽ bị mất khả năng chỉnh lưỡi và hạn chế phát triển khung hàm khiến cho khoang thở của bạn dần bị hẹp đi, dẫn tới các bệnh lý về răng miệng như: cười hở lợi, răng chen chúc, răng hô, trồi răng cửa hàm dưới, hôi miệng, sâu răng, nha chu, sai khớp cắn, tật nghiến răng,...
  • Về tư thế đầu, người hít thở bằng miệng thường có xu hướng nghiêng đầu về phía trước để mở rộng đường thở thuận tiện cho việc lấy không khí. Việc nằm sai tư thế như này sẽ khiến cơn đau vai gáy trở nên trầm trọng hơn, các chuỗi hậu quả còn kéo dài đến các sai lệch về tư thế toàn thân thậm chí thoát vị đĩa đệm
Hít thở sai cách khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi vào ban ngày
Hít thở sai cách khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi vào ban ngày - Ảnh: Google

Phương pháp cải thiện để có cách thở đúng

Với những tác động xấu lớn tới sức khỏe nói chung và sức khỏe răng miệng nói riêng thì bạn cần làm thế nào để sửa được việc hít thở sai cách?

Đầu tiên bạn cần chắc chắn đường hô hấp trên của mình hoàn toàn bình thường. Thăm khám bác sỹ Tai Mũi Họng để phát hiện và phẫu thuật loại bỏ amidan sưng, khối VA đặc biệt là với trẻ em.

Ngoài việc bản thân tự điều chỉnh thói quen thở miệng thì cũng có một số trường hợp bạn cần sự can thiệp của chuyên khoa tai mũi họng hoặc nha khoa:

  • Nếu bạn bị cảm cúm, dị ứng có thể sử dụng các loại thuốc thông mũi theo toa hoặc thuốc xịt mũi nhằm loại bỏ/ thuyên giảm vấn đề nghẹt mũi, tắc mũi.
  • Hãy tập thói quen đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà để tránh bụi bặm và các virus lây bệnh. Đối với nhà mình thì bạn cần vệ sinh thường xuyên để không gian được sạch sẽ.
  • Tập luyện thở bằng mũi để cải thiện dần thói quen của mình: luôn ngậm kín môi, thở đều và nhẹ nhàng bằng mũi. Ban đầu việc tập thở tương đối khó khăn vậy nên bạn cần kiên trì cố gắng tập thở hằng ngày để đường thở qua mũi thông thoáng, rộng ra trở lại và sẽ dần loại bỏ được thói quen xấu.
  • Để cải thiện việc ngủ sai tư thế thì bạn có thể thay đổi gối ngủ, ngủ gối cao tầm 30 - 60 độ. Nếu bạn cảm thấy ngủ úp dễ thở hơn thì bạn hãy áp dụng. Khi loại bỏ được thở mũi thì hạ dần độ cao gối xuống cho bình thường trở lại.
  • Sử dụng thêm các công cụ hỗ trợ điều chỉnh thói quen như: miếng dán Nasal Strips làm thông thoáng mũi, băng keo dán miệng, các tấm mounth strips chuyên dụng dán kín miệng trong khi ngủ
  • Nha sĩ có thể tạo một khí cụ hàm dưới, được thiết kế để hỗ trợ những người có miệng nhỏ và hỗ trợ định vị lưỡi.
  • Riêng với người mắc chứng ngưng thở khi ngủ, ngoài giảm cân cần tránh uống rượu bia; cần dùng thuốc điều trị các vấn đề về xoang và tắc nghẽn.

Nếu như bạn mong muốn cải thiện cách thở đúng kết hợp với tập luyện thể dục thể thao thì có thể học yoga. Trong Yoga có những bài tập hít thở đúng cách giúp người tập cải thiện rất nhiều về đường hô hấp, giúp cơ thể điều hòa và hoạt động trao đổi chất được thúc đẩy tốt hơn.

Tập Yoga để tập thở đúng cách
Tập Yoga để tập thở đúng cách - Ảnh: Google

Thường xuyên thở bằng miệng không phải là cách hít thở tốt và có thể gây ra hàng loạt các biến chứng về sức khỏe răng miệng khác. Nếu bạn nghĩ rằng mình là một người thở bằng miệng, hãy tìm kiếm lời khuyên từ nha sĩ hoặc bác sĩ của bạn ngay lập tức.