6 điều cần biết liên quan đến xét nghiệm gout
6-dieu-can-biet-ve-xet-nghiem-gout
Xét nghiệm gout đo lường lượng acid uric trong cơ thể - ảnh: BookingCare

6 điều cần biết liên quan đến xét nghiệm gout

Tác giả: - Xuất bản: 05/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 11/11/2023
Xét nghiệm gout được sử dụng để chẩn đoán nguyên nhân gây ra các triệu chứng đau nhức tại các khớp xương, giúp bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe, lập kế hoạch và theo dõi việc điều trị.

Xét nghiệm gout là phương pháp quan trọng để dự đoán và đánh giá tình trạng bệnh. Bài viết dưới đây cung cấp 6 điều cần biết về xét nghiệm bệnh gút giúp mọi người hiểu rõ hơn về xét nghiệm này.

Mục đích xét nghiệm gout

Xét nghiệm gout là quá trình đánh giá các chỉ số và yếu tố liên quan đến bệnh gout, một loại viêm khớp gây ra do sự gia tăng của hàm lượng acid uric trong cơ thể.

Axit uric được cơ thể sản xuất trong quá trình phân hủy purin. Chất này được tìm thấy trong tất cả các mô của cơ thể và các loại thực phẩm như thịt đỏ, nội tạng, một số loại hải sản, măng tây, nấm, bia....

Mục đích của xét nghiệm gout là phát hiện tình trạng tăng acid uric, chẩn đoán gout và theo dõi hiệu quả điều trị. Xét nghiệm giúp bác sĩ xác định, phân biệt bệnh với các tình trạng xương khớp khác và tìm ra nguyên nhân làm tăng nồng độ axit uric trong máu.

Dựa vào nguyên nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị và theo dõi hiệu quả của phác đồ thông qua các chỉ số xét nghiệm nồng độ axit uric trong máu báo hiệu phương pháp điều trị có phù hợp hay không.

Ngoài việc chẩn đoán và theo dõi gout, xét nghiệm gout cũng có thể có những ứng dụng tiềm năng khác như:

  • Đánh giá tác động của chế độ ăn uống và lối sống lên nồng độ acid uric trong cơ thể.
  • Đánh giá tác động của các thuốc điều trị gout và các biện pháp hỗ trợ điều trị khác.
  • Nghiên cứu về mối liên hệ giữa gout và các bệnh lý khác như bệnh tim mạch, bệnh thận và tiểu đường.
  • Nghiên cứu và phân tích dữ liệu để tìm hiểu thêm về cơ chế phát triển và tiến triển của gout.

Những chỉ số chính trong xét nghiệm gout

Người kiểm tra cần chú ý tới những chỉ số xét nghiệm gout cơ bản bao gồm:

  • Nồng độ acid uric trong máu: xét nghiệm đo lượng acid uric có trong huyết thanh máu.
  • Nồng độ acid uric trong nước tiểu: đo lượng acid uric có trong nước tiểu.
  • Tỷ lệ acid uric trong máu so với nước tiểu: so sánh mức độ sụt giảm acid uric của máu và nước tiểu.

Trường hợp nào nên đi xét nghiệm gout?

Xét nghiệm gout thường được tiến hành khi có các triệu chứng của gout như các cơn đau và sưng khớp, đặc biệt là ở ngón chân. Xét nghiệm gout có thể được chỉ định cho các trường hợp xuất hiện các triệu chứng của bệnh bao gồm:

  • Đau khớp, sưng tấy và đỏ da ở một hoặc nhiều khớp.
  • Đau dữ dội ở khớp ở gốc ngón chân cái.
  • Viêm tái phát ở vòm trong của bàn chân.
  • Các triệu chứng và cơn đau này trước đây bắt đầu nhanh chóng và tự khỏi.
  • Những người có nguy cơ cao hoặc có tiền sử gia đình liên quan đến bệnh gout, những người có chế độ ăn uống giàu purine, tiểu đường, béo phì hoặc đang mắc các bệnh về tim mạch cũng được khuyến cáo thực hiện xét nghiệm.
  • Những người đang điều trị gout cần theo dõi hiệu quả điều trị và đánh giá tình trạng bệnh.

Các loại xét nghiệm gout phổ biến

Xét nghiệm phân tích dịch khớp

Đây là một trong các phương pháp chẩn đoán bệnh gout phổ biến nhất. Chất lỏng hoạt dịch là một chất lỏng được tìm thấy với số lượng nhỏ trong khoảng trống giữa các khớp, đệm các đầu xương và giảm ma sát trong quá trình cử động khớp ở đầu gối, vai, hông, bàn tay và bàn chân.

Phân tích dịch khớp bao gồm các xét nghiệm phát hiện ra những bất thường của dịch khớp và chẩn đoán các rối loạn ở khớp. Xét nghiệm phân tích này liên quan đến việc kiểm tra dịch khớp bằng kính hiển vi chất lỏng hoạt dịch (được gọi là vết Gram), để tìm kiếm các tinh thể urate đặc trưng của bệnh gút cũng như vi khuẩn và các chất khác.

Xét nghiệm acid uric máu hoặc nước tiểu

Xét nghiệm acid uric là phương pháp phân tích phát hiện nồng độ axit uric cao trong máu hoặc nước tiểu để chẩn đoán nguyên nhân gây sỏi thận và theo dõi những người mắc bệnh gout. Xét nghiệm đo lường sự phân hủy purin - hợp chất chứa nitơ được tìm thấy trong tế bào của cơ thể tạo ra axit uric do quá trình phân hủy của tế bào hoặc ảnh hưởng của một số loại thực phẩm: gan, đậu khô, đậu hà lan,...

Xét nghiệm axit uric trong máu được sử dụng để phát hiện nồng độ chất này giúp chẩn đoán bệnh gout. Xét nghiệm này cũng có thể theo dõi nồng độ axit uric trong trường hợp bệnh nhân thực hiện hóa trị hoặc xạ trị ung thư do tác động của quá trình điều trị có thể làm tăng nồng độ axit uric.

Xét nghiệm axit uric trong nước tiểu được sử dụng để giúp chẩn đoán nguyên nhân gây sỏi thận tái phát và theo dõi sự hình thành sỏi ở những người mắc bệnh gout. Tinh thể axit uric có thể được nhìn thấy bằng cách kiểm tra dưới kính hiển vi.

Axit uric dư thừa cũng có thể lắng đọng trong các mô như thận dẫn đến sỏi thận hoặc suy thận. Xét nghiệm axit uric được tiến hành nhiều lần sau khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh để xác định mức axit uric cơ bản. Axit uric sau đó được đo đều đặn để theo dõi hiệu quả điều trị bệnh gout.

Những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm gout

Trong quá trình xét nghiệm gout, có một số yếu tố tác động có thể ảnh hưởng đến kết quả như:

Các yếu tố liên quan đến mẫu xét nghiệm

Thông thường, xét nghiệm gout sử dụng phương pháp phân tích mẫu máu hoặc mẫu nước tiểu của người làm xét nghiệm. Nếu quá trình thu thập hoặc bảo quản mẫu không đúng cách hoặc người làm xét nghiệm sử dụng đồ uống có cồn, thực phẩm giàu đạm trước khi xét nghiệm cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra.

nhung-yeu-to-anh-huong-den-ket-qua-xet-nghiem-gout-
Chất lượng mẫu xét nghiệm ảnh hưởng lớn đến kết quả xét nghiệm gout - ảnh: canva.com

Các yếu tố liên quan đến kỹ thuật xét nghiệm

Quy trình xét nghiệm gout đòi hỏi tuân thủ từng bước cụ thể để có được kết quả chính xác. Việc nhầm lẫn hoặc thay đổi quy trình các phương pháp xét nghiệm có thể dẫn đến kết quả xét nghiệm không được chính xác.
Yếu tố liên quan đến biến đổi sinh học

Kết quả xét nghiệm gout có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sinh học khác nhau của người làm kiểm tra như: tuổi, giới, lượng acid uric trong cơ thể, sự tương tác giữa acid uric và các chất khác trong mẫu xét nghiệm hoặc sự thay đổi trong cơ chế giải phóng acid uric từ các mô mỡ gây nhiễu loạn và ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

Cách đọc kết quả xét nghiệm gout

Để đọc kết quả xét nghiệm gout, người xem cần căn cứ vào các giá trị liên quan đến nồng độ acid uric trong máu hoặc nước tiểu.

Nồng độ acid uric trong máu

Đối với xét nghiệm máu, kết quả được báo cáo dưới dạng giá trị huyết thanh acid uric được đo bằng đơn vị mg/dL (miligram trên decilít). Giới hạn acid uric bình thường dao động trong khoảng:

  • Nam: từ 3,5 đến 7,2 mg/dL.
  • Nữ: từ 2,6 đến 6,0 mg/dL.

Nồng độ acid uric cao hơn giới hạn có thể cho thấy khả năng tích tụ acid uric trong cơ thể. Đối với những người đã được chẩn đoán mắc bệnh gout, nồng độ acid uric cao trong máu có thể tăng nguy cơ gout tái phát hoặc các biến chứng liên quan.

Nồng độ acid uric trong nước tiểu

Kết quả xét nghiệm nồng độ acid uric trong nước tiểu được được đo bằng đơn vị mg/dL, mức giới hạn nồng độ tương tự như xét nghiệm máu. Nồng độ acid uric cao trong nước tiểu có thể cho thấy có nguy cơ cao hình thành tinh thể urat (tinh thể acid uric) trong khớp.

Bác sĩ căn cứ vào các giá trị nồng độ acid uric trong máu và nước tiểu kết hợp với triệu chứng lâm sàng và tiền sử bệnh để đưa chẩn đoán cuối cùng. Tuy nhiên, giá trị bình thường có thể khác nhau tùy theo phương pháp xét nghiệm được sử dụng trong từng phòng xét nghiệm cụ thể, vì vậy người bệnh nên tham khảo mức chẩn đoán và với bác sĩ để biết thêm chi tiết.

Một số lưu ý trước khi thực hiện xét nghiệm gout

Trước khi thực hiện xét nghiệm gout, người làm xét nghiệm có thể lưu ý chuẩn bị một số việc cần thiết để thực hiện xét nghiệm thuận lợi và hiệu quả:

  • Chế độ ăn uống và sử dụng thuốc: người làm kiểm tra có thể được yêu cầu tuân thủ một chế độ ăn uống riêng khi xét nghiệm gout hoặc ngừng sử dụng những loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm như thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) hoặc thuốc chống gout trước khi xét nghiệm.
  • Thu thập mẫu xét nghiệm: người xét nghiệm cần đọc kỹ hướng dẫn thu thập mẫu đúng cách để đảm bảo chất lượng của mẫu.
  • Thông báo cho bác sĩ về bất kỳ yếu tố có thể ảnh hưởng đến xét nghiệm gout như: sử dụng các loại thuốc điều trị khác, các bệnh lý liên quan đến thận, gan, tim mạch hoặc các điều kiện đặc biệt khác.

Xét nghiệm gout là một phương pháp chẩn đoán quan trọng để xác định mức độ và tình trạng bệnh. Từ đó, bác sĩ có thể dựa vào dấu hiệu để khẳng định một người có mắc bệnh hay không. Xét nghiệm gout không chỉ có vai trò chẩn đoán khả năng mắc bệnh gout mà còn có ứng dụng trong nhiều trường hợp đo lường acid uric khác.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết