7 dấu hiệu liệt dây thần kinh VII ngoại biên thường gặp

Tác giả: - Xuất bản: 04/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 08/12/2023
dau-hieu-liet-day-than-kinh-VII
Phát hiện sớm các dấu hiệu liệt dây thần kinh VII ngoại biên giúp điều trị sớm nhằm giảm thiểu di chứng - ảnh: BookingCare
Thông thường, người bệnh có thể nhận biết tình trạng này dựa vào một số dấu hiệu liệt dây thần kinh VII ngoại biên gây ra các biến đổi chức năng hoặc hình thái các cơ trên khuôn mặt. Đọc thêm qua bài viết sau!

Liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt) là tình trạng yếu các cơ vận động một nửa khuôn mặt do tổn thương dây thần kinh sọ não này gây ra. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu liệt dây thần kinh VII ngoại biên giúp can thiệp điều trị sớm nhằm giảm thiểu những di chứng xấu về chức năng và thẩm mỹ.

Các dấu hiệu liệt dây thần kinh số VII ngoại biên

Người bệnh bị liệt dây thần kinh VII ngoại biên có thể xuất hiện các triệu chứng liệt ở một hoặc cả hai bên khuôn mặt như sau:

  • Mất khả năng điều khiển cơ mặt dẫn tới việc ăn uống, nói chuyện, biểu cảm khuôn mặt… gặp khó khăn, khuôn mặt bị mất cân xứng, miệng méo sang bên lành, nhân trung lệch, không nhăn được trán bên liệt, mắt bên liệt không nhắm được kín,...
  • Không nhắm kín được mắt, mắt khô do không được cấp đủ nước mắt từ mi mắt hoặc·chảy nước mắt không kiểm soát.
  • Đau đầu, đau quanh hàm, bên trong tai hoặc sau 1 bên tai.
  • Cơ mặt bị rũ xuống so với bên còn lại.
  • Mất vị giác ở một nửa hoặc ⅔ phía trước của lưỡi.
  • Có thể kèm theo tình trạng nghe kém do tổn thương lan rộng đến dây thần kinh sọ số VIII đi gần dây số VII.

Một số phương pháp điều trị liệt dây thần kinh VII ngoại biên

Để điều trị liệt dây thần kinh VII ngoại biên, bạn đọc trước hết cần được khám với bác sĩ chuyên khoa để xác định mức độ nghiêm trọng của liệt dây thần kinh mặt, nguyên nhân và phương pháp điều trị. Ngoài ra, bạn đọc có thể áp dụng thêm một số biện pháp như:

  • Bảo vệ mắt và khuôn mặt: sử dụng kính mát, nước mắt nhân tạo hoặc các thuốc dạng kem giúp giữ ẩm, giảm nguy cơ mắt khô và tổn thương giác mạc.
  • Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp và sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da khỏi tác động của tia UV.
  • Tập luyện các bài tập cơ mặt như: nháy mắt, mở miệng rộng và cười, các bài massage nhẹ nhàng để kích thích tuần hoàn máu giúp hạn chế và cải thiện tình trạng liệt dây thần kinh VII ngoại biên.
  • Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử khi không cần thiết, nghỉ ngơi giữa giờ sau mỗi khoảng thời gian làm việc nhất định.
  • Thường xuyên thăm khám và tuân thủ theo các chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo việc phòng ngừa và theo dõi dấu hiệu bệnh một cách hiệu quả.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ thẩm mỹ về việc can thiệp chỉnh sửa nhằm khắc phục một số biến chứng do liệt dây thần kinh số 7 gây ra (méo, lệch, chảy xệ da mặt,...) để cải thiện vẻ ngoài và độ linh hoạt của các cơ mặt.

Việc nhận biết dấu hiệu liệt dây thần kinh VII ngoại biên rất quan trọng trong việc can thiệp điều trị kịp thời để phòng ngừa các biến chứng. Đồng thời, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp chăm sóc, điều chỉnh lối sống phù hợp hỗ trợ quá trình điều trị liệt dây thần kinh số 7 hiệu quả.