- Xuất bản: 04/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 11/12/2023
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên (dây thần kinh mặt) là bệnh lý có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào - ảnh: BookingCare
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên là một biến chứng của dây thần kinh gây ra những biến đổi hình thái và chức năng vận động của các cơ quan, đặc biệt là cơ mặt. Tìm hiểu thông tin và những điều cần lưu ý qua bài viết.
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên (dây thần kinh mặt) là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dây thần kinh mặt đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát hoạt động cơ mặt, giao tiếp và thể hiện cảm xúc. Khi chức năng dây thần kinh bị suy giảm có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Triệu chứng liệt dây thần kinh VII ngoại biên
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên (hay còn gọi bằng các tên khác như: liệt dây thần kinh mặt, liệt Bell,...) là tình trạng dây thần kinh mặt (dây thần kinh số VII) của hệ thần kinh mất khả năng điều khiển các nhóm cơ ở mặt một cách bình thường.
Dây thần kinh số VII có chức năng chính trong việc điều khiển các cơ trên mặt, bao gồm cả cơ mắt, miệng và mặt. Một số triệu chứng bất thường ở các bộ phận trên mặt có thể chỉ ra khả năng bị liệt dây thần kinh VII ngoại biên bao gồm:
Mất khả năng kiểm soát cơ mặt, mất cảm giác hoặc giảm cảm giác ở mặt khi tiếp xúc.
Gặp khó khăn hoặc không thể biểu lộ cảm xúc bằng khuôn mặt: nhăn mày, cười hoặc giao tiếp.
Hạn chế khả năng nhai, nuốt thức ăn một cách bình thường.
Đau đầu, khô mắt và xuất hiện tình trạng mắt viêm nhiễm.
Đối tượng có nguy cơ liệt dây thần kinh VII ngoại biên
Liệt dây thần kinh ngoại biên có thể xảy ra ở bất kỳ trường hợp và độ tuổi nào. Tuy nhiên, một số nhóm đặc biệt có nguy cơ bị liệt dây thần kinh mặt cao hơn như:
Người đã, đang hoặc có nguy cơ mắc bệnh lý ngoại biên: viêm đa dây thần kinh, nhiễm khuẩn hay siêu vi như Zona thần kinh, viêm gan C…
Người có sức đề kháng kém, dễ bị viêm nhiễm, tổn thương hoặc có tác động áp lực lên dây thần kinh.
Phụ nữ mang thai, đặc biệt trong giai đoạn cuối thai kỳ.
Người mắc một số bệnh lý thần kinh như: viêm não, bệnh lý nhiễm trùng, viêm mạch máu có thể làm tăng nguy cơ bị liệt dây thần kinh VII ngoại biên.
Các bệnh lý liên quan đến liệt dây thần kinh VII ngoại biên
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý, bao gồm:
Các bệnh lý nhiễm trùng như: bệnh viêm não mô cầu, Zona (Herpes zoster)...
Bệnh lý viêm nhiễm: như bệnh viêm tai giữa, viêm tai ngoài hoặc viêm tai giữa cấp tính, viêm mạch máu,...
Tổn thương do chấn thương, tiểu đường hoặc các bệnh tự miễn Các bệnh lý tuyến giáp: cường giáp, u tuyến giáp,...
Các phương pháp chẩn đoán liệt dây thần kinh VII ngoại biên
Dựa vào các triệu chứng, tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh lý liên quan, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp cụ thể để chẩn đoán nguyên nhân nhằm điều trị liệt dây thần kinh số VII. Một số phương pháp chẩn đoán được áp dụng phổ biến hiện nay gồm:
Kiểm tra lâm sàng: các bài kiểm tra khả năng điều khiển cơ mặt và các biểu hiện khác trên khuôn mặt để đánh giá triệu chứng.
Đo điện cơ (EMG): ghi lại hoạt động của các cơ mặt dựa trên biểu đồ điện cơ nhằm xác định mức độ tổn thương của dây thần kinh VII và loại trừ các nguyên nhân khác gây triệu chứng tương tự.
Xét nghiệm hình ảnh: chẩn đoán dựa trên hình ảnh chụp X-quang, CT hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để chẩn đoán các nguyên nhân liên quan đến các khối u, chẳng hạn như khối u hoặc gãy xương sọ ảnh hưởng đến dây thần kinh mặt.
Nguyên nhân liệt dây thần kinh số VII có thể được xác định thông qua các chẩn đoán hình ảnh - ảnh: canva.com
Cách xử lý ban đầu khi bị liệt dây thần kinh VII ngoại biên
Khi gặp tình huống bị liệt dây thần kinh VII ngoại biên, lưu ý một số nguyên tắc sơ cứu như sau:
Hạn chế tác động lên khuôn mặt, không nhai, cắn hoặc kéo căng một bên khuôn mặt để tránh ảnh hưởng thêm lên dây thần kinh VII, hạn chế những rủi ro khác có thể xảy ra cũng như đảm bảo quá trình phục hồi sau này.
Giữ vệ sinh miệng và mắt, để bệnh nhân nghỉ ngơi ở nơi thoải mái, an toàn.
Giữ môi trường và nhiệt độ phòng ổn định, tránh ra gió hoặc bị nhiễm lạnh để hạn chế các biến chứng khác có thể xảy ra.
Chủ động liên hệ với bác sĩ hoặc tới ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Điều trị liệt dây thần kinh VII ngoại biên
Khi bị liệt dây thần kinh VII ngoại biên, việc quản lý và điều trị phụ thuộc vào mức độ tổn thương và nguyên nhân cụ thể bị liệt dây thần kinh mặt. Dựa vào chẩn đoán có thể áp dụng một số biện pháp như sau:
Điều trị các bệnh lý gốc khi nguyên nhân gây liệt dây thần kinh VII là do bệnh lý nhiễm trùng như: viêm nhiễm thần kinh, viêm tai hoặc viêm não… Bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp phù hợp với thể trạng và mức độ triệu chứng của bệnh.
Điều trị bằng thuốc: một số trường hợp có thể được chỉ định sử dụng một số loại thuốc kháng viêm hoặc kháng virus làm giảm tình trạng tổn thương của dây thần kinh mặt như thuốc Corticosteroid kết hợp với thuốc kháng virus acyclovir.
Vật lý trị liệu: thực hiện các bài vật lý trị liệu như massage, kích thích điện hoặc các bài tập nhằm cải thiện tình trạng liệt cơ mặt
Một số trường hợp nặng có thể cần can thiệp phẫu thuật hoặc phẫu thuật thẩm mỹ để khắc phục các vấn đề về thần kinh hoặc phục hồi cử động và hình dáng của khuôn mặt.
Hy vọng bạn đọc đã có thêm những hiểu biết về liệt dây thần kinh VII ngoại biên. Việc tìm hiểu và trang bị những kiến thức cần thiết về bệnh lý giúp bạn đọc có thể đưa ra các giải pháp chăm sóc, xử lý tình trạng bệnh một cách kịp thời.