7 nguyên nhân nhược thị phổ biến hiện nay là gì?
nguyen-nhan-nhuoc-thi
Các nguyên nhân nhược thị có thể gây ra những rối loạn hoạt động và định thị không gian của mắt - ảnh: BookingCare

7 nguyên nhân nhược thị phổ biến hiện nay là gì?

Tác giả: - Xuất bản: 20/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/01/2024
Tìm hiểu về 7 nguyên nhân nhược thị phổ biến hiện nay và các biến chứng nguy hiểm nhằm kiểm soát và theo dõi nhược thị tốt hơn. Đọc thêm trong bài viết.

Nhược thị là một vấn đề nhãn khoa khá thường gặp nếu không được phát hiện và điều trị sớm ngay từ khi còn nhỏ có thể dẫn đến suy giảm thị lực không hồi phục. Vậy những nguyên nhân nhược thị phổ biến hiện nay và các biến chứng liên quan là gì?

Các nguyên nhân chính gây ra nhược thị

Nhược thị xảy ra khi có sự bất thường trong quá trình phát triển thị giác của trẻ nhỏ mà không được giải quyết kịp thời khiến mắt không thu được hình ảnh sắc nét nét truyền về vỏ não. Các nguyên nhân gây nhược thị phổ biến nhất bao gồm:

Tật khúc xạ

Tật khúc xạ là nguyên nhân phổ biến nhất gây nhược thị. Cận thị, viễn thị, loạn thị đều có thể gây nhược thị nếu không được chỉnh kính. Trong đó viễn thị thường gây nhược thị nhiều hơn là cận thị. Do đó việc sàng lọc tật khúc xạ ở trẻ em là vô cùng quan trọng.

Lác mắt

Lác mắt là hiện tượng lệch trục nhãn cầu và bất thường thị giác hai mắt. Lác là hiện tượng thường gặp ở trẻ em và là một trong những nguyên nhân chính gây nhược thị. Lác trong thường gây nhược thị hơn lác ngoài.

Khi bị lác, hình ảnh thu được từ hai mắt sẽ khác nhau dẫn đến song thị, điều này khiến mắt trẻ không thể hợp thị được. Chính vì thế não sẽ ức chế một mắt khiến mắt đỏ bị nhược thị, trẻ sẽ chỉ nhìn bằng một mắt còn lại.

Đục thể thủy tinh bẩm sinh

Đục thủy tinh thể bẩm sinh ngăn cản ánh sáng đi vào mắt kích thích võng mạc do đó gây nhược thị. Đây là một bệnh lý phức phức tạp thường cần phẫu thuật sớm để giảm nguy cơ nhược thị.

Sẹo giác mạc

Trẻ nhỏ có thể bị sẹo đục giác mạc do bất thường bẩm sinh hoặc mắc phải sau viêm loét giác mạc,... Tương tự như trường hợp đục thủy tinh thể, sẹo giác mạc nặng ngăn cản ánh sáng đi vào mắt kích thích võng mạc nên có thể gây ra nhược thị.

Tồn lưu dịch kính nguyên thủy

Là tình trạng động động mạch dịch kính không thoái triển hoàn toàn sau sinh mà hình thành một đám xơ đục phía sau thể thủy tinh hoặc trong buồng dịch kính khiến trẻ bị giảm thị lực. Nếu không được điều trị sớm, trẻ có thể có nguy cơ bị nhược thị.

Di truyền

Di truyền là một yếu tố quan trọng gây ra nguy cơ nhược thị. Nếu trong gia đình từng có người mắc nhược thị, khả năng con sinh ra có nguy cơ mắc nhược thị cao hơn so với những đứa trẻ khác. Yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của mắt, gây ra những bất thường bẩm sinh của giác mạc, dịch kính hoặc võng mạc gây ra nhược thị.

Các nguyên nhân bệnh lý khác

Một số bệnh lý khác cũng có thể gây cản trở trục quang học thị giác dẫn đến nhược thị như: sụp mi, di chứng màng đồng tử, bệnh võng mạc mạc trẻ đẻ non, nhiễm ký sinh trùng võng mạc, chấn thương mắt,...

Chấn thương mắt cũng là một nguyên nhân gây nhược thị do tạo ra các tổn thương như sẹo giác mạc, đục thể thủy tinh, sẹo hắc võng mạc

Các biến chứng của nhược thị

Nếu không được chẩn đoán và điều trị nhược thị kịp thời có thể gây ra những vấn đề sau:

  • Suy giảm thị lực không hồi phục: tuổi càng lớn, việc điều trị nhược thị càng khó khăn. Trẻ sau 7 tuổi gần như không còn khả năng điều trị nhược thị.
  • Giảm khả năng phối hợp giữa hai mắt để tạo ra hình ảnh sinh động, ảnh hưởng đến khả năng học tập, phát triển kỹ năng, nghề nghiệp của trẻ.
  • Lác ngoài: xảy ra với các trương hợp nhược thị nặng, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ, gây tâm lý tự ti cho trẻ.

Việc tìm hiểu nguyên nhân nhược thị có ý nghĩa quan trọng giúp người bệnh có các phương án phòng ngừa nhược thị, giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh và bảo vệ mắt tốt hơn.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết