Tổng quan về nhược thị: triệu chứng, chẩn đoán và các lưu ý
nhuoc-thi-la-gi
Nhược thị là bệnh lý nhãn khoa tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây suy giảm thị giác - ảnh: BookingCare

Tổng quan về nhược thị: triệu chứng, chẩn đoán và các lưu ý

Tác giả: - Xuất bản: 19/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/01/2024
Nhược thị (hay mắt lười) là một vấn đề nhãn khoa khá thường gặp do những bất thường trong quá trình phát triển thị giác của trẻ không được giải quyết kịp thời.

Nhược thị là tình trạng suy giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt dù đã được chỉnh kính tối ưu và loại bỏ được các nguyên nhân gây giảm thị lực khác. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, trẻ sẽ bị nhược thị vĩnh viễn và không thể phục hồi được chức năng thị giác.

Nguyên nhân và các triệu chứng của nhược thị

Nhược thị xảy ra khi phần thị giác của não bộ không nhận được hình ảnh hoặc nhận được hình ảnh không rõ nét từ đôi mắt. Nguyên nhân của vấn đề này có thể xuất phát do:

  • Những bất thường tại mắt hoặc bất thường tại đường dẫn truyền thị giác từ mắt tới não. 
  • Các tật khúc xạ, đặc biệt là viễn thị, lệch khúc xạ giữa 2 mắt, lác, đục thể thuỷ tinh bẩm sinh, sẹo đục giác mạc, 
  • Các bệnh lý dịch kính - võng mạc bẩm sinh...

Nhược thị chỉ phát triển ở trẻ nhỏ và là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây mất thị lực ở trẻ em.

Một số triệu chứng thường gặp của nhược thị bao gồm:

  • Giảm thị lực ở một mắt hoặc cả hai mắt dù đã chỉnh kính tối ưu và điều trị khỏi các bệnh lý gây giảm thị lực khác.
  • Suy giảm khả năng phối hợp hoạt động giữa hai mắt để tạo ra hình ảnh sinh động trong không gian 3 chiều.
  • Lác mắt: lác có thể là nguyên nhân gây nhược thị, cũng có thể là hậu quả của nhược thị.
  • Ngoài ra, khám toàn diện bệnh nhân nhược thị có thể phát hiện thấy các nguyên nhân gây nhược thị khác như: tật khúc xạ cao, đục thể thuỷ tinh, sẹo đục giác mạc…

Các biến chứng nhược thị

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, nhược thị có thể gây ra những vấn đề sau:

  • Giảm thị lực không hồi phục: nhược thị chỉ có thể điều trị hiệu quả trước 6 tuổi. Tuổi càng lớn, khả năng điều trị nhược thị càng thấp. Trẻ sau 7 tuổi gần như không còn khả năng điều trị nhược thị.
  • Giảm thị giác hai mắt: là sự giảm phối hợp giữa hai mắt để tạo ra hình ảnh sinh động. Điều này ảnh hưởng đến khả năng học tập, phát triển kỹ năng, nghề nghiệp của trẻ.
  • Lác mắt ngoài: nhược thị nặng thường gây lác ngoài, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ, gây tâm lý tự ti cho trẻ.

Phương pháp chẩn đoán nhược thị

Để chẩn đoán mức độ và nguyên nhân cụ thể của nhược thị, bác sĩ mắt thường thực hiện một số phương pháp như:

  • Các bài kiểm tra thị lực: bao gồm đo tật khúc xạ và khám mắt toàn diện.
  • Thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như siêu âm để phát hiện nguyên nhân, mức độ và khả năng điều trị nhược thị.

Sau khi thực hiện chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận mức độ nhược thị theo 3 trường hợp như sau:

  • Nhược thị nhẹ: thị lực từ 20/40 đến 20/30
  • Nhược thị trung bình: thị lực từ 20/200 đến 20/50
  • Nhược thị nặng: thị lực dưới 20/200

Điều trị nhược thị

Nhược thị được điều trị càng sớm, người bệnh càng có khả năng chữa khỏi cao, nhất là với trẻ nhỏ. Các phương pháp điều trị nhược thị thường phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng và nguyên nhân dẫn tới nhược thị. Bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp sau:

  • Điều trị bằng kính: đeo kính cận thị, viễn thị hoặc loạn thị để điều chỉnh thị lực.
  • Sử dụng miếng che mắt lành để kích thích mắt yếu hơn.
  • Sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa atropine để tạm thời làm mờ thị lực ở mắt khỏe hơn, khiến mắt bị nhược thị phải hoạt động nhiều hơn.
  • Phẫu thuật trong một số trường hợp như nhược thị do sụp mi, do đục thuỷ tinh thể bẩm sinh,...
nhuoc-thi-va-cac-phuong-phap-chan-doan
Điều trị nhược thị càng sớm giúp nâng cao khả năng hồi phục thị giác, đặc biệt đối với trẻ nhỏ - ảnh: canva.com

Khả năng điều trị nhược thị

Nhược thị có thể gây mất thị lực vĩnh viễn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời khi còn nhỏ, trước khi hệ thống thị giác hoàn thiện. Điều trị càng sớm thì khả năng phục hồi thị lực hoàn toàn càng cao. Tốt nhất, việc điều trị nhược thị nên được bắt đầu trước 7 tuổi.

Nhược thị có thể gây mất thị lực nghiêm trọng ở mắt bị ảnh hưởng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Mặt khác, nhược thị có thể tái phát trong một số trường hợp cho đến khi hệ thống thị giác phát triển hoàn toàn.

Nhược thị là nguyên nhân gây suy giảm thị lực hàng đầu ở trẻ nhỏ, vì vậy các bậc cha mẹ cần lưu ý theo dõi để kịp thời có các biện pháp phòng ngừa nhược thị cho con. Nhược thị chỉ có thể điều trị hiệu quả trước 7 tuổi, do đó nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào của nhược thị, phụ huynh cần cho trẻ đi khám bác sĩ mắt càng sớm càng tốt.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết