7 biện pháp phòng ngừa nhược thị đơn giản cần nhớ
phong-ngua-nhuoc-thi
Theo dõi và phòng ngừa nhược thị từ sớm giúp phát hiện và điều trị bệnh kịp thời - ảnh: BookingCare

7 biện pháp phòng ngừa nhược thị đơn giản cần nhớ

Tác giả: - Xuất bản: 20/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 02/01/2024
Tìm hiểu về cách phòng ngừa nhược thị là việc làm cần thiết để hạn chế các triệu chứng liên quan đến thị giác và bảo vệ thị lực khỏe mạnh. Đọc thêm trong bài viết!

Theo ước tính có khoảng 2 - 3% dân số nói chung mắc phải hội chứng suy giảm thị lực này. Vì vậy, việc tìm hiểu các biện pháp phòng ngừa nhược thị là điều được nhiều người quan tâm để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

Các biện pháp phòng ngừa nhược thị cần lưu ý

Hiện nay, chưa có một hướng dẫn cụ thể nào về việc phòng ngừa nhược thị. Tuy nhiên, bạn đọc có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc, cải thiện chức năng thị giác cũng như điều chỉnh thói quen sinh hoạt để bảo vệ và duy trì thị lực. Một số biện pháp có thể áp dụng như:

Bảo vệ mắt khỏi ánh sáng mặt trời và ánh sáng xanh

Tia cực tím từ ánh sáng mặt trời và ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử có thể gây hại cho mắt. Vì vậy, bạn đọc cần đeo kính râm chống tia UV hoặc sử dụng kính chống ánh sáng xanh khi sử dụng điện thoại hoặc máy tính để bảo vệ mắt.

Thực hiện bài tập mắt 

Thực hiện đều đặn các bài tập giúp mắt giảm căng thẳng và tăng cường tuần hoàn máu. Bạn đọc có thể áp dụng một số bài tập như: xoay mắt, nhìn xa và gần hoặc nhắm mắt massage giúp thư giãn và rèn luyện cơ mắt linh hoạt, khỏe mạnh.

Bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho mắt

Ngoài các biện pháp bảo vệ mắt tránh khỏi các yếu tố bên ngoài, bạn đọc cần thực hiện chăm sóc mắt từ bên trong để nâng cao hiệu quả phòng bệnh.

Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm chứa các hợp chất chống oxy hóa, vitamin như A, C, E (như rau xanh, trái cây tươi, cá, các loại hạt...), các khoáng chất như kẽm, lutein để bảo vệ mắt khỏi các gốc tự do, giúp ngăn ngừa hiệu quả các triệu chứng nhược thị

Kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị điện tử 

Sử dụng liên tục các thiết bị điện tử (điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính...) có thể gây căng thẳng cho mắt. Bạn đọc nên giới hạn thời gian sử dụng các thiết bị, đặt các thiết bị ở khoảng cách an toàn và điều chỉnh độ sáng, độ tương phản màn hình phù hợp với mắt.

Nếu liên tục làm việc với các thiết bị điện tử, bạn đọc có thể thực hiện quy tắc 20 - 20 - 20: nghỉ mắt 20 giây, nhìn xa 20 feet (6m) sau 20 phút làm việc để giảm căng thẳng và điều tiết mắt.

Hạn chế tiếp xúc với chất gây kích ứng

Tránh sử dụng hoặc tiếp xúc trực tiếp bằng mắt với các chất gây kích ứng như hóa chất, khói bụi, chất kích thích... có thể gây tổn thương cho mắt. Nếu tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, bạn đọc cần có các biện pháp bảo hộ mắt để hạn chế kích ứng.

Giữ vệ sinh mắt

Giữ vệ sinh mắt hàng ngày là một điều rất quan trọng để phòng ngừa các bệnh về mắt nói chung và nhược thị nói riêng. Có thể vệ sinh mắt hàng ngày bằng nước sạch hoặc dung dịch khoáng, đồng thời rửa sạch tay trước khi tiếp xúc và hạn chế chạm tay vào mắt để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng.

Kiểm tra thị lực định kỳ

Thực hiện kiểm tra định kỳ giúp tăng khả năng phát hiện sớm các nguyên nhân nhược thị và ngăn chặn kịp thời các biến chứng tiềm ẩn. Bạn đọc nên thực hiện khám thị lực từ 1 - 2 năm/lần, đối với các trường hợp có các bệnh lý về mắt hoặc có khả năng ảnh hưởng đến thị lực nên thực hiện thăm khám thường xuyên hơn theo chỉ định của bác sĩ.

Các lưu ý về phòng ngừa và điều trị nhược thị

Nhược thị cần được theo dõi và phòng ngừa sớm từ khi còn nhỏ để phát hiện và điều trị kịp thời. Nhược thị được điều trị càng sớm thì khả năng phục hồi của mắt càng tốt.

Nhiều nghiên cứu cho thấy nhược thị do lác có thể hồi phục nếu điều trị trước 9 tuổi. Vì vậy, các trường hợp lác bẩm sinh cần phẫu thuật sớm để tập nhược thị và phục hồi thị giác hai mắt.

Các trường hợp nhược thị do lệch khúc xạ có thể hồi phục khi điều trị trước 12 tuổi. Các trường hợp tật khúc xạ còn lại có thể được điều trị cải thiện bằng cách chỉnh kính tối ưu với tình trạng mắt nhược thị.

Các trường hợp nhược thị do đục thủy tinh thể bẩm sinh cần phẫu thuật điều chỉnh quang học sớm (ghép giác mạc) nếu có tổn thương giác mạc như: 

  • Sẹo trung tâm giác mạc, đục giác mạc bẩm sinh, loạn dưỡng giác mạc bẩm sinh…
  • Phẫu thuật sớm glocom bẩm sinh cho trẻ
  • Phẫu thuật sớm sụp mi bẩm sinh

Phòng ngừa nhược thị là điều cần thiết để duy trì và bảo vệ mắt, đồng thời hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh và xuất hiện các biến chứng nguy hiểm đến thị giác. Bạn đọc nên thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, kết hợp thăm khám định kỳ với bác sĩ mắt để bảo vệ mắt tốt nhất.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết