Áp xe cạnh hậu môn: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 29/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 07/03/2024
Bệnh áp xe hậu môn và cách điều trị
Áp xe cạnh hậu môn là một bệnh lý lành tính vùng hậu môn - Ảnh:BookingCare
Áp xe cạnh hậu môn là tình trạng đau và sưng quanh hậu môn phổ biến do nhiễm trùng và tắc nghẽn các tuyến hậu môn. Người bệnh cần chú ý các triệu chứng cũng như tìm ra nguyên nhân và theo sát phương pháp điều trị của bác sĩ.

Áp xe cạnh hậu môn là tình trạng tụ mủ gần hậu môn, gây ra đau đớn và có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy biết được những triệu chứng, nguyên nhân của áp xe cạnh hậu môn,... giúp người bệnh có thể phòng ngừa cũng như phát hiện sớm để kịp thời điều trị.

Cùng tìm hiểu các thông tin xoay quanh bệnh áp xe hậu môn cũng như cách điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh trong bài viết dưới đây.

Áp xe cạnh hậu môn là gì? 

Áp xe cạnh hậu môn là một tình trạng viêm cấp tính các mô xung quanh hậu môn xuất phát từ viêm, nhiễm trùng các tuyến hậu môn, dẫn đến hình thành các khối sưng nóng chứa mủ bên trong quanh hậu môn trực tràng.

Triệu chứng của áp xe cạnh hậu môn

Triệu chứng điển hình của áp xe cạnh hậu môn là đau, sưng nóng đỏ vùng hậu môn và quanh hậu môn. Chỗ sưng nề nhiều nhất phập phều chứa mủ. Tùy vị trí áp xe và nguyên nhân gây bệnh mà các triệu chứng có thể khác nhau. Các triệu chứng kèm theo:  sốt, vẻ mặt nhiễm trùng, chảy dịch cạnh hậu môn,...

Bệnh nhân thấy đau vùng hậu môn khi bị áp xe hậu môn - Ảnh:Canva

Nguyên nhân gây ra áp xe cạnh hậu môn

90% nguyên nhân gây áp xe cạnh hậu môn là do viêm nhiễm xuất phát từ tuyến ống hậu môn do vi khuẩn như trực khuẩn ecoli, tụ cầu, liên cầu,...

Ngoài ra các nguyên nhân đặc hiệu có thể gây ra áp xe hậu môn bao gồm:

  • Các bệnh viêm ruột như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng
  • Các bệnh nhiễm trùng như lao, nhiễm nấm Actinomycosis, u hạt lympho sinh dục (bệnh hột xoài)
  • Do chấn thương như đâm xuyên, dị vật, sau phẫu thuật cắt trĩ, phẫu thuật cắt bỏ tiền liệt tuyến
  • Một số bệnh ác tính như ung thư biểu mô, bệnh bạch cầu, ung thư hạch, sau xạ trị

Xét nghiệm chẩn đoán áp xe cạnh hậu môn

Áp xe hậu môn trực tràng bề ngoài thường dễ chẩn đoán thông qua bệnh sử và khám thực thể của bệnh nhân. Thông thường áp xe đơn giản và lỗ rò đơn giản không cần chẩn đoán hình ảnh để hướng dẫn điều trị. 

Đối với những bệnh nhân không thể chẩn đoán chắc chắn thông qua khám thực thể, nghi ngờ bệnh cảnh áp xe phức tạp, nên xem xét chụp cắt lớp vi tính (CT), siêu âm nội soi (EUS) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Những phương pháp này đã được chứng minh là hữu ích trong việc đánh giá áp xe hậu môn trực tràng phức tạp, rò hậu môn tái phát và các nguyên nhân đặc hiệu.

Chụp MRI có độ phân giải cao, có thuốc cản từ là một công cụ chẩn đoán để phát hiện các lỗ rò hậu môn sâu phức tạp và là một thăm dò quan trọng khi nghi ngờ lâm sàng về lỗ rò quanh hậu môn và áp xe trước khi bắt đầu điều trị.

Điều trị áp xe cạnh hậu môn như thế nào?

Rạch và dẫn lưu dịch ổ áp xe vẫn là phương pháp điều trị chính cho áp xe cạnh hậu môn. 30 - 70% bệnh nhân bị áp xe hậu môn trực tràng xuất hiện kèm đường rò hậu môn. Vì vậy khi gặp một rò đơn giản trong quá trình rạch và dẫn lưu áp xe, cắt bỏ đường rò hoặc cột thun đường rò sẽ mang lại lợi ích cho bệnh nhân.

Thuốc kháng sinh được sử dụng như một phần của phác đồ điều trị. Dịch mủ được lấy từ ổ áp xe được nuôi cấy làm kháng sinh đồ nhằm hướng dẫn chỉ định và lựa chọn kháng sinh phù hợp với người bệnh. Không rạch dẫn lưu và điều trị bằng kháng sinh chỉ hiệu quả với áp xe nhỏ, còn viêm sượng, người bệnh không có bệnh lí nền nặng.

Chăm sóc sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được hướng dẫn thực hiện chế độ ăn uống lại bình thường, không nên kiêng cử trừ người bệnh có bệnh lý như đái tháo đường, tránh táo bón, dùng kháng sinh, thuốc giảm đau, thay băng vết mổ đúng cách đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Đối với các áp xe đơn giản, tái khám sau 1 tuần kết hợp việc thay băng đúng cách mỗi ngày. Đối với các áp xe phức tạp, chẳng hạn có đặt các ống dẫn lưu bơm rửa, cần tuân thủ tái khám và quá trình tái khám có thể kéo dài.

Áp xe cạnh hậu môn gây ra những biến chứng nào?

Bệnh nhân bị áp xe cạnh hậu môn cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng như:

  • Hình thành lỗ rò: lỗ rò là một lỗ mở bất thường ở vùng hậu môn, mủ vỡ ra từ áp xe và rỉ ra ngoài qua đó, khoảng 50% bệnh nhân bị áp xe hậu môn trực tràng sẽ hình thành rò
  • Áp xe lan rộng từ khu trú ổ nhỏ lan rộng tầng sinh môn làm cho việc điều trị khó khăn phức tạp hơn
  • Nhiễm khuẩn huyết: vi khuẩn gây áp xe hậu môn có thể xâm nhập vào máu và gây nhiễm trùng huyết. Vi khuẩn theo đường máu có thể đến tất cả các cơ quan từ đó có thể gây nguy hiểm đến tính mạng

Áp xe cạnh hậu môn là một tình trạng viêm cấp tính gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy áp xe hậu môn nên được điều trị sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân.