Bác sĩ mách bạn cách bấm huyệt chữa mất ngủ đơn giản tại nhà
Cách chữa bấm huyệt đơn giản tại nhà
Cách chữa bấm huyệt đơn giản tại nhà - Ảnh: BookingCare

Bác sĩ mách bạn cách bấm huyệt chữa mất ngủ đơn giản tại nhà

Tác giả: - Xuất bản: 26/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 26/12/2023
Kiên trì bấm các huyệt nội quan, thần môn, tam âm giao, an miên, ấn đường, thái dương,… giúp cải thiện tình trạng mất ngủ, giấc ngủ ngon và sâu hơn. Cùng tìm hiểu cách bấm huyệt chữa mất ngủ qua bài viết dưới đây.

Mất ngủ (hay đông y gọi là thất miên), là tình trạng rối loạn giấc ngủ, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bấm huyệt là một trong những cách giúp thông kinh hoạt lạc, chữa trị nhiều bệnh lý và khắc phục tình trạng mất ngủ. Dưới đây là một số huyệt đạo và cách bấm huyệt để bạn có thể ngủ ngon hơn, cải thiện mất ngủ hiệu quả.

Đôi nét về mất ngủ theo Y học cổ truyền

Mất ngủ với các biểu hiện khá đa dạng như tình trạng khó vào giấc, hoặc khi đi ngủ thì dễ vào giấc nhưng trong đêm dễ thức giấc và không ngủ lại được, hoặc ngủ mơ màng, mặc dù ngủ nhưng vẫn cảm nhận được những âm thanh, tiếng động xung quanh, hoặc thức trắng đêm không chợp mắt được ngay cả khi điều kiện và môi trường ngủ đầy đủ... 

Đôi khi biểu hiện là các rối loạn ban ngày như: không thấy tỉnh táo hoặc thấy mệt sau khi thức dậy; không cảm thấy thư giãn sau một đêm ngủ; mệt mỏi ban ngày hoặc buồn ngủ; khó chú ý, tập trung vào các nhiệm vụ hoặc ghi nhớ; những lo lắng liên tục về giấc ngủ, hoặc đôi khi là biểu hiện trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.

Nguyên nhân mất ngủ có thể do trạng thái tâm lý, cảm xúc thái quá, tiêu cực  (buồn bã, suy nghĩ, lo âu, sợ hãi quá độ…) hay do hậu quả của các bệnh mạn tính đường hô hấp, tiêu hoá… và nhiều trường hợp mất ngủ vô căn, không tìm được nguyên nhân rõ ràng. 

Theo Y học cổ truyền, có thể do tình trạng nội nhiệt hay ngoại nhiệt làm quấy động tâm thần hoặc do âm huyết thiếu hụt không đủ nuôi dưỡng, hay khí huyết tắc trở gây ra triệu chứng thất miên và chủ yếu liên quan đến các tạng Tâm, Can, Tỳ, Thận. 

Cách bấm huyệt chữa mất ngủ

Bấm huyệt chữa mất ngủ - Huyệt nội quan 

  • Vị trí: Huyệt nội quan nằm ở mặt trước cẳng tay , từ chính giữa lằn chỉ cổ tay đo lên 2 thốn (tương đương với độ rộng 3 ngón giữa bàn tay tại đường đi qua khớp giữa bàn tay). Huyệt nằm giữa hai cơ gan tay lớn và cơ gan tay bé. 

Bạn sử dụng ngón tay cái day và ấn vào vị trí huyệt nội quan. Thực hiện day ấn khoảng 3 phút đến khi cảm thấy hơi đau tại vị trí huyệt thì dừng lại. Day ấn huyệt nội quan có tác dụng điều hoà khí huyết, an thần và ích tâm. 

Kiên trì thực hiện bấm huyệt nội quan, kết hợp huyệt thần môn, tam âm giao có tác dụng cải thiện tình trạng mất ngủ, giảm tình trạng suy nhược thần kinh và cải thiện nguy cơ bệnh lý tim mạch. 

Huyệt nội quan, thần môn có tác dụng cải thiện mất ngủ hiệu quả
Huyệt nội quan, thần môn có tác dụng cải thiện mất ngủ hiệu quả - Ảnh: BookingCare

Bấm huyệt thần môn 

  • Vị trí: đầu trong nếp lằn chỉ cổ tay, huyệt nằm ở khe giữa đầu dưới xương trụ và xương đậu. 

Xoa bóp bấm huyệt thần môn bằng cách dùng ngón cái ấn vào huyệt thần môn, day ấn huyệt cho đến khi có cảm giác tức nặng, giữ nguyên trong vòng 30 giây. Thực hiện ấn huyệt thần môn liên tục khoảng 10 lần sẽ giúp hỗ trợ điều trị mất ngủ. 

Bạn nên thực hiện bấm huyệt thần môn liên tục và đều đặn mỗi ngày để có giấc ngủ tốt hơn. 

Bấm huyệt tam âm giao 

  • Vị trí: Từ chính giữa lồi cao mắt cá trong xương chày đo thẳng lên 3 thốn (tương đương khoảng cách 4 ngón tay khép chặt bệnh nhân), huyệt nằm sát bờ sau xương chày .

Tam âm giao là huyệt hội của ba đường kinh âm ở chân (Can, Thận, Tỳ), đồng thời cũng là huyệt chủ vùng bụng dưới, do đó có nhiều tác dụng trong việc điều trị các vấn đề tiêu hoá (đau bụng, ỉa chảy, buồn nôn, nôn), rối loạn kinh nguyệt, mất ngủ, các bệnh lý vùng chậu hông, chi dưới. Để điều trị mất ngủ, bạn có thể dùng lực tay day thành vòng tròn trên huyệt liên tục từ 3 - 5 phút. 

Tuy nhiên, không bấm huyệt tam âm giao với phụ nữ có thai vì có thể ảnh hưởng thai kỳ. Huyệt tam âm giao có liên quan chặt chẽ với vùng tử cung, những kích thích mạnh vào huyệt có thể ảnh hưởng đến thai kỳ, nhất là với những trường hợp có tiền sử sảy thai, sinh non. 

Tam âm giao điều trị các vấn đề tiêu hoá, mất ngủ, bệnh lý rối loạn kinh nguyệt
Tam âm giao điều trị các vấn đề tiêu hoá, mất ngủ, bệnh lý rối loạn kinh nguyệt - Ảnh: BookingCare

Bấm huyệt an miên

  • Vị trí: nằm ở phía sau tai, ngay giữa dái tai và chỗ lõm sâu nhất của đường chân tóc ở phía sau cổ. 

Bấm huyệt an miên bằng ngón cái hoặc ngón trỏ đều đặn khoảng 10 lần mỗi ngày trước khi ngủ sẽ giúp cải thiện tình trạng mất ngủ. Huyệt an miên giúp nhịp tim chậm lại, khiến trí não sẵn sàng chìm vào giấc ngủ.  

Bấm huyệt thái dương và ấn đường

  • Vị trí: huyệt thái dương ở chỗ lõm phía sau ngoài đuôi mắt 1 thốn (đơn vị đo huyệt, 1 thốn tương ứng 1/75 chiều cao cơ thể của bạn), sát cạnh ngòi của ổ mắt xương gò má, nơi có động mạch chạy. 
  • Vị trí: Huyệt ấn đường nằm ở chỗ lõm giữa 2 cung lông mày, thẳng lên sống mũi. 

Để bấm huyệt thái dương và ấn đường, bạn có thể làm như sau: Xoa hai bàn tay vào nhau để làm nóng 2 lòng bàn tay, sau đó đưa 2 lòng bàn tay xoa khắp mặt theo chiều từ dưới lên, liên tục khoảng 20 lần. Day và ấn nhẹ huyệt ấn đường khoảng 20 lần, vuốt lông mày nhẹ nhàng từ đầu đến cuối lông mày. Ấn và day nhẹ vào hai bên của huyệt thái dương khoảng 20 lần. 

Ngoài tác dụng điều trị mất ngủ, huyệt ấn đường và thái dương còn có tác dụng trong việc làm giảm đau đầu, cải thiện các tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, các bệnh lý vùng mắt, xoang mũi. 

Vị trí huyệt thái dương và ấn đường điều trị mất ngủ
Vị trí huyệt thái dương và ấn đường điều trị mất ngủ - Ảnh: BookingCare

Bấm huyệt dũng tuyền 

  • Vị trí: chỗ lõm sâu nhất của lòng bàn chân khi gấp các ngón chân giữa 2 khối cơ gan chân trong và gan chân ngoài, hoặc ⅓ trước ⅔ sau đường nối từ kẽ ngón chân 2,3 đến gót.  

Dũng tuyền là huyệt nằm bên dưới lòng bàn chân, khi day ấn huyệt dũng tuyền đem lại tác dụng lưu thông khí huyết, cải thiện tình trạng mất ngủ. Để thực hiện xoa bóp bấm huyệt huyệt này, bạn để hai chân theo hướng tự nhiên lên trên hoặc ngồi khoanh chân lại. Sử dụng hai ngón cái xoa bóp từ phần gót chân đến huyệt dũng tuyền. Nên thực hiện xoa bóp liên tục hoặc sử dụng hai bàn tay vỗ vào huyệt đến khi lòng bàn chân nóng lên. 

Kiên trì day bấm huyệt dũng tuyền giúp lưu thông khí huyết
Kiên trì day bấm huyệt dũng tuyền giúp lưu thông khí huyết - Ảnh: BookingCare

Một số lưu ý khi xoa bóp bấm huyệt trị mất ngủ 

Để điều trị mất ngủ hiệu quả, bên cạnh bấm huyệt thì người bệnh cần lưu ý một số điều như: 

  • Chỉ nên đi nằm trên giường ngủ khi buồn ngủ, chỉ nên sử dụng phòng ngủ - giường ngủ cho mục đích để ngủ và quan hệ tình dục. Không nên sử dụng máy tính, điện thoại hay đọc sách báo, coi tivi trên giường ngủ.
  • Di chuyển sang phòng khác nếu nằm trên giường 15 - 20 phút vẫn chưa ngủ được, đọc sách hoặc làm các động tác yên tĩnh khác và quay lại giường khi đã buồn ngủ. Có thể lặp lại hành động này nếu cần thiết.
  • Nên đi ngủ sớm trước 11 giờ đêm và có thời gian biểu thức dậy hàng ngày bất kể thời gian ngủ. Tránh ngủ trưa kéo dài vào ban ngày.
  • Tránh các nguyên nhân căng thẳng tinh thần gây mất ngủ. 
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích như trà, cà phê, rượu bia, thuốc lá… trước khi ngủ. 
  • Không ăn no trước khi ngủ, tránh làm chướng bụng khó tiêu. 
  • Ngâm chân nước ấm có pha chút muối và gừng trước khi ngủ giúp lưu thông máu, thư giãn ngủ ngon.
  • Không bấm huyệt cho đối tượng phụ nữ mang thai.. 
  • Không bấm huyệt cho người gặp các vấn đề như tâm lý bất ổn, kích động mạch, các bệnh lý cấp cứu hay vết thương hở. 

Có thể thấy, bấm huyệt chữa mất ngủ hiệu quả có thể áp dụng ngay tại nhà. Bấm huyệt điều trị mất ngủ nên áp dụng đều đặn, phối hợp các phương pháp khác như ngâm chân, dùng tinh dầu, duy trì chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học… để đạt được hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên nếu tình trạng mất ngủ kéo dài và không cải thiện, bạn nên tìm đến bác sĩ để được thăm khám tìm nguyên nhân và hướng điều trị phù hợp với mình.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết