Bấm huyệt và tất tần tật những điều bạn nên biết
Bấm huyệt và tất tần tật những điều nên biết
Bấm huyệt và tất tần tật những điều nên biết - Ảnh: BookingCare

Bấm huyệt và tất tần tật những điều bạn nên biết

Tác giả: - Xuất bản: 26/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 26/12/2023
Bấm huyệt là việc dùng tay tạo áp lực khác nhau lên các huyệt đạo của cơ thể, từ đó giúp phòng và điều trị bệnh hiệu quả. Tìm hiểu về bấm huyệt và các công dụng của phương pháp này, đối tượng áp dụng và những lưu ý khi bấm huyệt trong bài viết dưới đây. 

Từ xa xưa, xoa bóp bấm huyệt đã được xem là một trong những phương pháp hữu ích để cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu về cách thức hoạt động của bấm huyệt, tác dụng và những lưu ý khi áp dụng xoa bóp bấm huyệt. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu một số thông tin về bấm huyệt. 

Bấm huyệt là gì?

Bấm huyệt là một phương pháp xoa bóp, kích thích lên các huyệt đạo nằm dọc theo kinh lạc bằng cách sử dụng ngón tay, bàn tay, khớp ngón tay hoặc dụng cụ để tạo lực ấn, dẫn đến cảm giác đau, tê và nặng hay còn gọi là cảm giác đắc khí nhằm mục đích phòng và điều trị bệnh. 

Huyệt được hiểu là những điểm nằm trên hệ thống kinh lạc được phân bố khắp phần ngoài cơ thể. Huyệt có quan hệ chặt chẽ với các hoạt động của các cơ quan tạng phủ, thần kinh, mạch máu…  Huyệt là cửa ngõ ra vào của “khí” (chính khí, tà khí) và huyệt cũng được sử dụng để tác động nhằm mục đích phòng và chữa bệnh (như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, đắp thuốc…). Mỗi huyệt có những tên gọi và tác dụng khác nhau. 

Theo các tài liệu cổ, cơ thể có 12 đường kinh chính với 319 huyệt, 52 huyệt ở 2 mạch nhâm đốc, cộng lại là 361 huyệt trên 12 đường kinh  (2 bên là 690 huyệt). Ngoài ra, còn có khoảng 400 huyệt ngoài đường kinh và các huyệt mới. 

Huyệt có quan hệ chặt chẽ với kinh mạch và tạng phủ mà nó phụ thuộc
Huyệt có quan hệ chặt chẽ với kinh mạch và tạng phủ mà nó phụ thuộc - Ảnh: Freepik

Bấm huyệt có tác dụng gì? 

Bấm huyệt nhằm tác động lên huyệt vị giúp điều hòa những rối loạn bệnh lý và giúp cơ thể tái lập lại hoạt động sinh lý bình thường, mang lại nhiều công dụng tiêu biểu. Tác dụng của bấm huyệt như: 

  • Cải thiện tuần hoàn: Lưu thông khí huyết, tăng tuần hoàn, tăng nuôi dưỡng cho da - cơ,  giảm huyết áp, giảm nhịp tim… 
  • Cải thiện chức năng thần kinh: giúp điều trị đau đầu, mất ngủ, rối loạn tiền đình, run tay, giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung…
  • Điều trị các bệnh lý cơ xương khớp: tác dụng giảm đau, giảm viêm, giãn cơ, đặc biệt là những nhóm cơ bị co cứng, cải thiện các bệnh lý về gân, khớp, dây chằng, giúp tăng tính linh hoạt của khớp và cải thiện vận động cho người bệnh. 
  • Điều trị các bệnh lý hô hấp: ho, ngạt mũi, xoang, viêm amidan,… 
  • Điều trị các bệnh lý phụ khoa - nam khoa: đau bụng kinh, rong kinh, yếu sinh lý, u xơ tử cung… 
  • Điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa: trào ngược dạ dày thực quản, viêm dạ dày, hội chứng ruột kích thích, táo bón…
  • Hỗ trợ làm đẹp – thẩm mỹ: xoa bóp bấm huyệt giúp tăng lưu thông máu, trẻ hoá da, giúp da săn chắc, hồng hào hơn. 
  • Các chức năng khác: Ngoài ra, xoa bóp bấm huyệt còn giúp điều hòa chức năng các cơ quan trong cơ thể, tăng cường nhu động dạ dày, ruột và cải thiện chức năng tiêu hoá. 
Bấm huyệt mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe
Bấm huyệt mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe - Ảnh: Freepik

Những ai nên và không nên bấm huyệt? 

Bấm huyệt là phương pháp can thiệp chữa bệnh bằng tay, không xâm lấn, không sử dụng thuốc mang lại hiệu quả cao và an toàn, ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ trước khi có quyết định bấm huyệt hay không:

  • Những người có vết thương ngoài da hay mất nhiều máu, áp lực khi xoa bóp bấm huyệt có thể làm trầm trọng hơn vết thương hoặc tình trạng chảy máu. 
  • Không xoa bóp bấm huyệt trong các trường hợp bong gân, trật khớp, gãy xương. 
  • Trường hợp huyết khối tĩnh mạch chi dưới không nên áp dụng bấm huyệt vì có thể gây dịch chuyển huyết khối làm tắc mạch, nguy hiểm hơn là thuyên tắc phổi, tử vong. 
  • Trường hợp phát ban, lở loét, vết sẹo trên da. 
  • Không nên bấm huyệt khi đói, sau khi uống rượu hoặc sau khi uống thuốc kích thích.
  • Phụ nữ có thai, người cao tuổi cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bấm huyệt. 

Bấm huyệt bị đau do đâu? 

Khi tác động vào huyệt, người bệnh sẽ có cảm giác đau, tê, nặng - đó được gọi là cảm giác đắc khí, điều này sẽ giúp tác dụng của huyệt được phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu khi bấm huyệt bị đau nhiều, nguyên nhân có thể do mới bấm huyệt lần đầu hoặc lực bấm quá mạnh. 

  • Mới bấm huyệt lần đầu: Nếu trước đó bạn chưa từng bấm huyệt thì huyệt đạo dễ bị ách tắc vì chưa bao giờ tác động. Khi bấm lần đầu có thể gặp tình trạng căng cứng và gây cảm giác đau. Ngoài ra, người lần đầu bấm huyệt cũng chưa quen, chưa biết cách thả lỏng cơ thể nên dễ bị đau hơn. Cảm giác đau sẽ dần giảm bớt khi đã quen với việc bấm huyệt và thư giãn. 
  • Lực bấm quá mạnh: Người bấm dùng lực quá mạnh có thể gây đau. Nếu điều chỉnh nhịp độ tay và lực bấm thì cảm giác đau sẽ dần hết. 
  • Huyệt được bấm: Một số huyệt khi bấm vào sẽ đau hơn so với những huyệt khác, như huyệt ở bàn ngón tay, bàn ngón chân hay các vùng da cơ mỏng. 
Bấm huyệt bị đau có thể do mới bấm huyệt lần đầu hoặc lực bấm quá mạnh
Bấm huyệt bị đau có thể do mới bấm huyệt lần đầu hoặc lực bấm quá mạnh - Ảnh: Freepik

Hậu quả của bấm huyệt sai cách 

Việc thực hiện xoa bóp bấm huyệt sai cách, thô bạo có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe. Áp lực quá mạnh, kỹ thuật thô bạo có thể kích thích dây thần kinh gây ra đau, tê liệt hoặc mất cảm giác tạm thời. Nghiêm trọng hơn, việc gây tổn thương cho dây thần kinh do xoa bóp bấm huyệt có thể gây khó khăn vận động, thậm chí teo cơ, liệt cơ hoặc các rối loạn cảm giác kéo dài. 

Ngoài ra, việc bấm huyệt không đúng cách có thể gây ra các vết bầm tím, chảy máu dưới da, bầm dập mô cơ bên dưới, gây đau đớn dai dẳng. Một số người có tâm lý yếu có thể xảy ra các tình trạng lo âu, sợ hãi và tăng cường cảm giác đau đớn. 

Trong quá trình xoa bóp bấm huyệt, người bệnh có thể xảy ra một số tác dụng không mong muốn như: cảm thấy chóng mặt, vã mồ hôi, sắc mặt nhợt nhạt… Khi đó, thầy thuốc cần ngưng thực hiện bấm huyệt, lau mồ hôi, ủ ấm, cho người bệnh uống nước đường nóng, nằm nghỉ tại chỗ và theo dõi mạch, huyết áp. Đồng thời, để tránh các tình trạng này, người bệnh cần ăn nhẹ, không sử dụng các chất kích thích trước khi điều trị.

Không nên lạm dụng xoa bóp bấm huyệt quá nhiều lần. Một liệu trình điều trị nên từ 10 – 15 lần xoa bóp bấm huyệt, tương ứng với tần suất ngày 1 lần, cách ngày hoặc 2 – 3 lần/tuần.

Trên đây là những thông tin về bấm huyệt mà bạn nên biết. Bấm huyệt là phương pháp trị liệu an toàn, đem lại hiệu quả tích cực trong nhiều vấn đề phòng và điều trị bệnh. Tuy nhiên để đạt hiệu quả tối đa và tránh các nguy hiểm khi bấm huyệt không đúng, người bệnh cần tìm hiểu kỹ để chọn đúng địa chỉ uy tín, bác sĩ chuyên môn giỏi.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết