Huyệt là gì? Tìm hiểu các huyệt trên cơ thể và tác dụng của huyệt đối với sức khỏe
Huyệt là gì? Tìm hiểu các huyệt trên cơ thể và tác dụng của huyệt đối với sức khỏe
Huyệt là gì? Tìm hiểu các huyệt trên cơ thể và tác dụng của huyệt đối với sức khỏe
Huyệt là gì? Tìm hiểu các huyệt trên cơ thể và tác dụng của huyệt đối với sức khỏe - Ảnh: BookingCare

Huyệt là gì? Tìm hiểu các huyệt trên cơ thể và tác dụng của huyệt đối với sức khỏe

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 26/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 26/12/2023
Theo tổ chức Y tế thế giới WHO công bố trong Báo cáo Danh mục châm cứu bấm huyệt Tiêu chuẩn quốc tế năm 1991 với 361 huyệt đạo truyền thống trên cơ thể người. Vậy huyệt là gì? Huyệt có tác dụng như thế nào? Cùng BookingCare tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 

Cơ thể của chúng ta được xác định bởi nhiều huyệt đạo khác nhau. Từ xa xưa, y học cổ truyền đã vận dụng các phương pháp châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, đắp thuốc… tác dụng lên các huyệt đạo để phòng và điều trị bệnh, duy trì sức khỏe, nâng cao tuổi thọ. Vậy huyệt là gì? Tác dụng của huyệt như thế nào? Cùng tìm hiểu các thông tin này qua bài viết dưới đây. 

Huyệt là gì? 

Huyệt là nơi khí của tạng phủ, của kinh lạc, của cân cơ xương khớp tụ lại được phân bố khắp cơ thể. Việc kích thích tại những huyệt vị có thể làm vị  trí khác hay bộ phận của nội tạng nào đó có sự phản ứng nhằm đạt được kết quả điều trị mong muốn,… 

Huyệt có quan hệ mật thiết với đường kinh mạch và tạng phủ mà nó phụ thuộc. Nhờ tính chất này mà các huyệt trên cơ thể người được sử dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh của đường kinh tương ứng mà nó phụ thuộc vào. 

Có bao nhiêu huyệt đạo trên cơ thể? 

Theo tổ chức Y tế thế giới WHO công bố trong Báo cáo Danh mục châm cứu bấm huyệt Tiêu chuẩn quốc tế năm 1991 với 361 huyệt đạo kinh điển trên cơ thể người. Các huyệt này nằm trên 12 đường kinh chính và 2 kinh phụ nằm trong hệ  bát mạch là mạch nhâm và mạch đốc. 12 đường kinh chính đó là:

  • Thủ Thái âm Phế 
  • Thủ Dương minh Đại trường 
  • Thủ Thiếu âm Tâm 
  • Thủ Thái dương Tiểu  trường, 
  • Túc Thái âm Tỳ
  • Túc Dương minh Vị 
  • Túc Thiếu âm Thận 
  • Túc Thái dương Bàng quang 
  • Túc Quyết âm Can 
  • Túc Thiếu dương Đởm 
  • Thủ Quyết âm Tâm bào 
  • Thủ Thiếu dương Tam tiêu

Và 8 mạch kỳ kinh là:  

  • Đốc mạch 
  • Nhâm mạch 
  • Xung mạch 
  • Đới mạch 
  • Âm kiểu mạch 
  • Dương kiểu mạch
  • Âm duy mạch 
  • Dương duy mạch

“Kinh mạch là cành lá của tạng phủ, tạng phủ là gốc rễ của kinh mạch”. Các đường kinh có đường đi xuất phát từ các tạng phủ tới toàn thân. Còn bát mạch kỳ kinh là khoảng giao nhau của tất cả 12 kinh chính trên, thông qua 12 kinh chính và phát sinh thêm quan hệ gián tiếp với tạng phủ, là kinh mạch ngoài chính kinh. Vì tám đường kinh này khác với 12 kinh mạch, không ràng buộc với các kinh chính nên gọi là kỳ kinh.

Các huyệt trên cơ thể nằm trên 12 đường kinh chính và 2 kinh phụ. 12 đường kinh chính 
Các huyệt trên cơ thể nằm trên 12 đường kinh chính và 2 kinh phụ. 12 đường kinh chính  - Ảnh: BookingCare

Hệ kinh lạc là một hệ thống liên hệ chặt chẽ giữa tất cả các vùng của cơ thể thành một khối thống nhất, là nơi vận hành của khí huyết, là nơi để cho âm dương thông nhau để nuôi dưỡng cho cơ thể, giúp hoàn thiện cơ thể là một chỉnh thể thống nhất trên dưới, trong ngoài, trước sau. Chúng giúp lưu thông khí huyết, một mặt nuôi dưỡng cơ thể, mặt khác chống lại ngoại tà bảo vệ cơ thể. 

Khi công năng hoạt động của hệ kinh lạc bị tắc trở, khí huyết không thông, ngoại tà xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh hoặc khi khí huyết không thông, đông y có câu “Bất thông tắc thống”, nghĩa là khi khí huyết thông lợi thì không đau, còn khi khí huyết tắc trở thì sẽ gây bệnh làm đau nhức. 

Để có thể tối ưu hóa những tác dụng và hạn chế những rủi ro trong xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, dùng thuốc… chúng ta cần phải xác định được đúng vị trí các huyệt trên cơ thể và hiểu được tác dụng của các huyệt là gì để thực hiện day bấm hoặc châm cứu cho phù hợp.  

Tác dụng của huyệt trên cơ thể 

Huyệt có quan hệ mật thiết với đường kinh mạch và tạng phủ mà nó phụ thuộc, vì vậy người xưa thường ứng dụng các huyệt đạo trong chẩn đoán và điều trị bệnh bằng các phương pháp châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, đắp thuốc... Tác dụng: 

  • Đối với cơ - gân - khớp: Kinh mạch vận hành cho huyết khí, làm trơn nhuận cho cân cốt, làm thông lợi cho các khớp xương. Trong bệnh lý cơ xương khớp có các huyệt điều trị tại chỗ và có các huyệt đặc hiệu ở xa nhưng có tác dụng tại vị trí đau. Khi chúng ta tác động lên  huyệt đúng sẽ tác động lên hệ thống mạch lạc làm khí huyết lưu thông  sẽ làm giảm đau nhức cơ, khớp từ đó tăng tính linh hoạt, chống teo cơ và tạo nên sự đàn hồi cũng như co giãn một cách dễ dàng. 
  • Giúp chẩn đoán các bệnh lý một cách chính xác: huyệt vị và kinh lạc là nơi ngoại tà xâm nhập vào cơ thể và đồng thời bệnh trong cơ quan tạng phủ có thể mượn hệ kinh lạc để biểu hiện ra ngoài. Vì vậy thủ pháp tác động lên các huyệt trên cơ thể có thể giúp cho người chẩn đoán phát hiện được các bệnh thuộc kinh lạc và tạng phủ tương ứng.  
  • Phòng và điều trị các bệnh: Khi chúng ta tác động lên các huyệt liên quan đến bệnh lý chúng ta đang bị thì nó sẽ giúp điều hòa lại những rối loạn trong cơ thể này từ đó làm cho cơ thể nhanh chóng phục hồi và khỏe mạnh hơn.
  • Các phương pháp châm cứu, xoa bóp bấm huyệt không chỉ giúp cải thiện tuần hoàn, cải thiện chức năng thần kinh, điều trị các bệnh lý hệ cơ xương khớp, hô hấp mà còn có tác dụng trong việc hỗ trợ làm đẹp – thẩm mỹ, điều hoà chức năng hệ bạch huyệt, cải thiện tiêu hoá…

Một số huyệt đạo quan trọng trong cơ thể 

Dưới đây là một số huyệt đạo thường dùng mà bạn có thể thực hiện ngay tại nhà: 

Huyệt hợp cốc

  • Vị trí: nằm ở kẽ xương đốt bàn tay 1 và 2 ở trên cơ liên đốt mu tay 1, bờ ngoài trung điểm   xương  bàn ngón tay 2. Đặt nếp gấp đốt xa  ngón tay cái của bàn tay bên này lên kẽ ngón cái và ngón trỏ (hố khẩu) bàn tay bên kia của bạn, đầu ngón cái tới đâu là huyệt ở đó, hơi lệch về phía ngón trỏ. 
  • Tác dụng: Huyệt hợp cốc chữa các vấn đề đau mu bàn tay, đau khớp bàn ngón 1 và 2, đau vai cánh tay, nhức đầu, liệt 7, đau dây thần kinh V, ù tai, điếc tai cơ năng, chảy máu cam, viêm mũi dị ứng, ho, hen, đau răng, viêm miệng, viêm tuyến nước bọt mang tai, sốt cao không ra mồ hôi, trẻ em co giật, đau bụng, táo bón, kiết lỵ, cảm cúm,... 
Vị trí huyệt hợp cốc
Vị trí huyệt hợp cốc - Ảnh: BookingCare

Huyệt phong trì

  • Vị trí: huyệt ở chỗ trũng phía ngoài cơ thang, phía trong cơ ức đòn chũm (ở hai cạnh của hai dây chằng lớn phía sau trán, song song với dái tai). 
  • Tác dụng: chữa nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, đau vai gáy, làm hạ huyết áp, sốt cao, cảm cúm. Đây là một trong những huyệt có tác dụng khu phong, đặc biệt vào mùa đông, khi tiếp xúc với luồng khí lạnh đột ngột, bạn nên thường xuyên ấn huyệt phong trì để ngăn ngừa nguy cơ cảm lạnh. 

Huyệt quan nguyên

  • Vị trí: huyệt nằm ở 3/5 trên và 2/5 dưới đoạn nối rốn và bờ trên khớp mu. 
  • Tác dụng: Huyệt quan nguyên có tác dụng tại chỗ giúp điều trị đau bụng dưới, bế kinh, khí hư, đái buốt, đái rắt, di tinh, liệt dương, tiêu chảy, kiết lỵ… Tác dụng theo mạch và toàn thân, huyệt quan nguyên ứng dụng trong điều trị vô sinh, cấp cứu chứng thoát, phù thũng, nâng cao chính khí, bổ khí. 

Huyệt túc tam lý

  • Vị trí: cách mào trước xương chày 1 khoát ngón tay (độ rộng đốt xa ngón trỏ bàn tay), ngay chỗ lõm ngang với củ cơ cẳng chân trước và xương chày. 
  • Tác dụng: huyệt túc tam lý ứng dụng điều trị đau dạ dày, tiêu hoá kém, nôn mửa, đầy bụng, sôi bụng,  tiêu  chảy, táo bón, viêm tuyến vú, đau khớp gối, liệt chi dưới, tê bì, phù thũng, sốt. Đây cũng là huyệt tăng cường sức khoẻ cơ thể (cường tráng cơ thể) và đặc trị các bệnh vùng bụng trên rốn. 

Huyệt tam âm giao

  • Vị trí: Từ chính giữa lồi cao mắt cá trong xương chày đo thẳng lên 3 thốn (tương đương khoảng cách 4 ngón tay khép chặt bệnh nhân), huyệt sát bờ sau xương chày.
  • Tác dụng: Tam âm giao là huyệt hội của 3 kinh âm ở chân, có tác dụng điều trị các vấn đề tiêu hoá như đau bụng, tiêu chảy, nôn, hay kinh nguyệt không đều, thống kinh, rong kinh, di mộng tinh, đái dầm, bí đái cơ năng, mất ngủ, đau khớp cổ chân, liệt chi dưới, cao huyết áp. 
Vị trí huyệt tam âm giao
Vị trí huyệt tam âm giao - Ảnh: BookingCare

Huyệt thái dương

Vị trí: Lấy huyệt ở chỗ lõm phía sau ngoài đuôi mắt, sát cạnh ngoài ổ mắt xương gò má, nơi có động mạch chạy. 

Tác dụng: Huyệt thái dương điều trị đau đầu, bệnh ở mắt, choáng váng, chóng mặt, tăng huyết áp. Có thể chích nặn máu trong trường hợp bệnh cấp tính. 

Huyệt bách hội

  • Vị trí: chính giữa xoáy tóc, huyệt là giao điểm giữa đường dọc cơ thể với đường đi qua đỉnh 2 vành tai. 
  • Tác dụng: điều trị đau đầu. Bách hội còn được ứng dụng trong điều trị ngạt mũi, sa sinh dục, sa trực tràng, hôn mê, choáng ngất, hay quên, người lạnh, ù tai, hoa mắt, mất ngủ, hồi hộp đánh trống ngực, tăng trí nhớ. Huyệt Bạch hội sử dụng như một huyệt toàn thân trong điều trị mọi bệnh và chứng. 

Huyệt dũng tuyền

  • Vị trí: chỗ lõm sâu nhất của lòng bàn chân khi gấp các ngón chân, giữa 2 khối cơ gan chân trong và gan chân ngoài, hoặc ⅓ trước ⅔ sau đường nối từ kẽ ngón chân 2,3 đến gót chân . 
  • Tác dụng: huyệt dũng tuyền chữa đau lòng bàn chân, đau mặt trong đùi, nhức đầu, hoa mắt, bí tiểu tiện, táo bón, trẻ em sốt cao co giật.

Huyệt có quan hệ mật thiết với đường kinh mạch và tạng phủ mà nó phụ thuộc. Vì vậy người xưa thường ứng dụng các huyệt đạo trong chẩn đoán, phòng và điều trị bệnh. Nắm rõ các huyệt đạo trên cơ thể giúp bạn chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe của mình. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết